Friday, July 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ lại chìa "củ cà rốt" với Ấn Độ?

TQ lại chìa “củ cà rốt” với Ấn Độ?

Hợp tác kinh tế thương mại quốc tế có thể bị Trung Quốc biến thành đòn bẩy cho các mưu đồ chính trị bất cứ lúc nào.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: business-standard.com

Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/8 có bài xã luận công khai kêu gọi Ấn Độ im lặng về vấn đề Biển Đông để đổi lấy một số lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Bài báo sau đó đã bị gỡ khỏi website Thời báo Hoàn Cầu, nhưng vẫn còn bản lưu trên Google. 

Đáng lưu ý là bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu được đăng tải ngay trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Vương Nghị, dự kiến kéo dài 3 ngày bắt đầu từ 12/8.

Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi New Delhi nên “tránh rắc rối không cần thiết” với  Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tờ báo này viết:

“Ấn Độ có thể muốn tránh rắc rối không cần thiết với Trung Quốc trong các cuộc tranh luận về vấn đề Biển Đông khi Ngoại trưởng Vương Nghị sang thăm, nếu nước này muốn tạo ra một bầu không khí tốt đẹp cho hợp tác kinh tế, trong đó sẽ bao gồm việc Trung Quốc giảm thuế các sản phẩm của Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường này.

Thật là khó hiểu việc Ấn Độ đang tập trung vào vấn đề Biển Đông ở thời điểm này, một động thái có thể có nguy cơ gây tác dụng phụ không cần thiết đến quan hệ Trung – Ấn.

Trước đó cũng đã có thông tin ông Vương Nghị đi Ấn Độ chuyến này là để thuyết phục Thủ tướng Narendra Modi không nêu vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Trung Quốc trong tháng Chín tới. 

Nhưng đến mức dọa “cắt khẩu phần” của các doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ hoặc gây khó dễ cho họ vì những vấn đề chính trị thì thật quá đáng.

Điều đó cho thấy bài xã luận này chưa chắc đã là chủ ý của Thời báo Hoàn Cầu, đồng thời cũng là ví dụ rõ ràng nhất về việc Bắc Kinh rất thích chính trị hóa các vấn đề pháp lý, quan hệ kinh tế, ngoại giao quốc tế. 

Nói cách khác, hợp tác kinh tế thương mại quốc tế có thể bị Trung Quốc biến thành đòn bẩy cho các mưu đồ chính trị bất cứ lúc nào.

Để gạt Biển Đông khỏi các diễn đàn quốc tế bao gồm G-20, Trung Quốc không từ thủ đoạn nào.

Nhưng càng làm như vậy càng phản cảm, càng tạo cảm giác Bắc Kinh ăn trên ngồi trốc thiên hạ, mọi hoạt động hợp tác bình đẳng cùng có lợi đều có thể bị Trung Quốc biến thành công cụ mang màu sắc “ban phát ơn huệ” cho đối tác.

Nếu quả thực như vậy thì sự hợp tác khó có thể vững bền, bởi nó không trên cơ sở nguyên tắc và thông lệ bình đẳng và cùng có lợi trong quan hệ quốc tế, mà lại được triển khai trên sự tính toán ích kỷ, hẹp hòi và áp đặt.

Người viết tin rằng, với bản lĩnh lão luyện và tầm nhìn của một chính khách đẳng cấp quốc tế, Thủ tướng Narendra Modi sẽ biết cách tối đa hóa lợi ích quốc gia, đồng thời vẫn thể hiện thái độ thượng tôn pháp luật, cũng như trách nhiệm của một thành viên ngày càng có tiếng nói quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, có ứng xử phù hợp với vấn đề Biển Đông.

Phát biểu của Ấn Độ kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc cho thấy rõ tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý và lẽ phải của các nhà lãnh đạo New Delhi.

Ấn Độ bảo vệ luật pháp quốc tế là bảo vệ chính mình trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc

Ấn Độ cũng có đoạn biên giới trên đất liền đang tồn tại tranh chấp với Trung Quốc và rất đau đầu bởi các hoạt động quấy phá thường xuyên từ quân đội nước láng giềng. New Delhi rất muốn đàm phán và giải quyết dứt điểm tranh chấp, nhưng Bắc Kinh luôn tỏ ra không vội.

Theo La Viện, một viên Thiếu tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu, nước này chủ trương không giải quyết tranh chấp lãnh thổ với bất kỳ quốc gia nào qua cơ quan tài phán hoặc tòa án quốc tế mà chỉ có đàm phán.

Mohan Das Menon, cựu Thư ký Nội các Ấn Độ đã chia sẻ điều này trên The New Indian Express ngày 30/7. 

Trung Quốc tranh chấp biên giới lãnh thổ trên đất liền cũng như trên biển với hầu hết các quốc gia láng giềng. Bắc Kinh ưu tiên giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước “quan trọng” trước, “ít quan trọng” sau.

Liên Xô và sau này là Nga là quốc gia đầu tiên được Bắc Kinh lựa chọn để đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ từ thời Mao Trạch Đông.

Thủ đoạn của Mao Trạch Đông là gương đông kích tây và sẵn sàng kéo dài thời gian đàm phán. Đàm phán biên giới Trung – Nga bắt đầu từ năm 1958 khi Trần Nghị làm Ngoại trưởng.

Những năm 1960 Mao Trạch Đông đã nói với một phán đoàn Nhật Bản sang thăm rằng: “Trung Quốc – một thành viên của phe Xã hội chủ nghĩa và Nhật Bản từ phe Tư bản chủ nghĩa phải ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề chính trị khác.”

Trước con mắt ngạc nhiên của những người khách đến từ đất nước mặt trời mọc, Mao Trạch Đông đã nói thẳng rằng, cần phải lấy quần đảo Kuril từ tay “chủ nghĩa xét lại Nga” để trả cho Nhật Bản!

Quần đảo Kuril là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Liên Xô trước kia và Nga ngày nay với Nhật Bản, phía Nhật gọi là “vùng lãnh thổ phương Bắc”.

Như vậy có thể thấy, với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các tranh chấp lãnh thổ là vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề pháp lý theo thông lệ và quan hệ quốc tế hiện đại.

Hoạt động đàm phán phân định biên giới Trung – Nga kéo dài 40 năm từ thời Mao Trạch Đông và kết thúc với hiệp định phân định biên giới ký năm 2008 giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Dương Khiết Trì. 

Người viết cho rằng, những thông tin này càng cho thấy tầm quan trọng và cấp bách của việc bảo vệ và thượng tôn luật pháp quốc tế trong ứng xử và giải quyết các tranh chấp quốc tế, chống lại mọi ý đồ chính trị hóa các vấn đề pháp lý để trục lợi của một số quốc gia thiếu trách nhiệm.

RELATED ARTICLES

Tin mới