Trong 6 tháng đầu năm 2016, với 5 triệu tấn gạo xuất khẩu được, Thái Lan vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, lấy lại ngôi vị này từ tay Ấn Độ.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu được gần 2,66 triệu tấn gạo, chỉ bằng hơn một nửa so với Thái Lan.
Với con số trên, Thái Lan đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, trong khi Việt Nam đứng thứ ba, còn vị trí thứ hai thuộc về Ấn Độ.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Laothammathat cho biết nước này có thể xuất khẩu được 9,5 triệu tấn trong cả năm nay.
Tuy nhiên, với sản lượng 9,5 triệu tấn gạo, Thái Lan chưa chắc đã duy trì được vị trí xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm ngoái Thái Lan xuất khẩu đến 9,8 triệu tấn nhưng vẫn chỉ ở vị trí số 2 sau Ấn Độ.
Ông Laothammathat cho biết sang năm 2017 vị trí xuất khẩu gạo số 1 có thể về tay Ấn Độ do sản lượng gạo Ấn Độ đang có xu hướng tăng.
Về xuất khẩu gạo của Việt Nam, sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc và Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm lần lượt 35% và 11,6% thị phần.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA giải thích nguyên nhân xuất khẩu gạo sụt giảm chủ yếu là do cạnh tranh, đặc biệt một số thị trường truyền thống sức mua giảm đáng kể. Ví dụ, Indonesia là một thị trường lớn nhưng thay đổi kế hoạch liên tục, còn Trung Quốc luôn luôn tìm cách ép giá và sẵn sàng tìm đối tác khác có giá rẻ hơn.
VFA dự tính từ nay đến cuối năm sẽ xuất khẩu thêm 3 triệu tấn, nhưng điều này cũng không chắc chắn vì thị trường không ổn định.
Trước tình hình xuất khẩu gạo sụt giảm, các chuyên gia cho rằng cần nhanh chóng tạo ra thương hiệu cho gạo Việt Nam. Cần có sản phẩm đạt chất lượng cao từ đó tìm kiếm thị trường tốt hơn và nên xem xét lại khâu sản xuất, bởi nếu sản xuất không có chất lượng, gạo Việt sẽ bị loại ra khỏi thị trường.