Phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nên khi Trung Quốc “ra đòn” giảm nhập, siết xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường rào cản với một số mặt hàng nông sản Việt Nam như gạo, sắn, dăm gỗ,… khiến các mặt hàng này liên tục gặp khó trong khi xuất khẩu.
Thịt lợn hơi giảm giá mạnh do Trung Quốc hạn chế nhập
Tăng rào cản, siết nhập tiểu ngạch
Gần đây, thanh long tại các nhà vườn miền Tây giảm còn 200 đồng/kg, nguyên nhân một phần do xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chỉ với số lượng hạn chế. Hay, giá lợn hơi tại Đồng Nai giảm 23% so với giá thời điểm tháng 4-5 cũng là do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam. Thời gian qua, nước này đã giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là với các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ… khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho hay, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo hành lang pháp lý cho gạo và cám gạo của Việt Nam sang thị trường này thuận hơn. Song, Trung Quốc đã rời việc áp dụng từ tháng 9 đến tháng 11. Ngoài ra, vẫn chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để khử trùng gạo trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc theo Nghị định thư.
Không chỉ với mặt hàng gạo, mặt hàng sắn cũng lao đao khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, lý do là Trung Quốc đã đóng các cửa khẩu biên giới 2 tháng nay.
“Có điều lạ là chất lượng sắn ở các nước khác tương tự như sắn của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc lại tăng mua, còn hạn chế nhập của ta”, ông Tiến thắc mắc.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng cho biết, với mặt hàng thủy sản, thị trường Trung Quốc yêu cầu có giấy chứng nhận chất lượng của Việt Nam cấp, vì vậy nhiều thương lái không mua được nữa.
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kể thêm, khi làm việc với Bộ Công Thương, phía Trung Quốc cho rằng họ sẽ tạo điều kiện tối đa cho hàng nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông lâm thủy sản, trong đó có rau quả, chăn nuôi, gạo,… Tuy nhiên, họ cũng đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng trong thời gian tới sẽ siết hoạt động nhập khẩu biên mậu, tăng cường công tác chống buôn lậu. Ngoài ra, Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, sắn… gặp khó khi Trung Quốc tăng rào cản kỹ thuật, siết nhập qua đường tiểu ngạch
Giảm lệ thuộc thị trường Trung Quốc?
Để giải quyết những khó khăn trên, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, kiến nghị, ngành nông nghiệp cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để ký các hợp đồng xuất khẩu đối với mặt hàng gạo. Ngoài ra, cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, thuế quan tại các thị trường Mexico, Mỹ,… Đặc biệt, xem xét tới vấn đề giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu, để họ xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đề nghị giảm thuế, về giám sát theo Nghị định thư về gạo và cám gạo Trung Quốc, ông Huỳnh Thế Năng mong Bộ NN-PTNT giúp đỡ kinh phí để các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam kiểm tra, công nhận cho các công ty Việt Nam có đủ tiềm lực xuất khẩu sang thị trường này.
Trong khi đó, VASEP cũng đề nghị Bộ NN-PTNT nhanh chóng thống kê chính xác về sản lượng cá tra thực tế để có cơ sở đánh giá.
“Kiến nghị từ nay tới cuối năm có thống kê dữ liệu quốc gia về các tra, trên cơ sở cân đối cung cầu xuất khẩu; đồng thời áp dụng quy chuẩn Việt Nam về chất lược cá tra, nhanh chóng ổn định chất lượng cá tra với thị trường EU mới giúp tăng trưởng xuất khẩu”, ông Hòe nói.
Ngoài những kiến nghị trên, các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng Trung Quốc là thị trường lớn, thị trường tiềm năng đối với Việt Nam. Họ không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt, xuất khẩu tiểu ngạch sang khá dễ dàng. Song, nếu cứ làm theo đà như hiện tại thì rất bị động, bởi chỉ cần họ siết chặt nhập tiểu ngạch, tăng rào cản kỹ thuật thì nông lâm thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó.
Chính vì vậy, bên những đề nghị về giảm thuế, cần tăng cường chất lượng sản phẩm, chú trọng tới khâu vệ sinh an toàn thực phẩm để đa dạng hóa thị trường, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.