Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐàm luậnThế giới đã dừng sao Việt Nam chưa dừng?

Thế giới đã dừng sao Việt Nam chưa dừng?

Trong một Thế giới hội nhập, một nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển luôn trân trọng các nguồn đầu tư từ nước ngoài. Ngay sau chiến tranh nhiều nước đã giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước. Ví dụ như Thụy Điển đã sớm giúp Việt Nam xây dựng Bệnh viện Nhi, xi măng Hoàng Thạch, giấy Bãi Bằng. Liên Xô giúp Việt Nam làm thủy điện, khai thác dầu khí…

Đường sắt trên cao tại Hà Nội vẫn đang được thi công. Ảnh minh họa.

Trong việc đầu tư, giúp đỡ Việt Nam có khi là đôi bên cùng có lợi, có khi là viện trợ không hoàn lại, và đặc biệt là sự bình đẳng, tôn trọng và thực thi theo pháp lý Việt Nam và Quốc tế.

Riêng Trung Quốc thì khác. Với danh nghĩa giúp đỡ hợp tác nhưng họ luôn áp đặt hai điều kiện căn bản: Thứ nhất, phải nghe lời, chấp nhận nhượng bộ có lợi cho họ và chịu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thứ hai, chấp nhận đồ Trung Quốc xâm nhập thị trường, nhập thiết bị, đặc biệt là thiết bị cũ, lạc hậu của Trung Quốc, không đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mà phải chấp nhận cho chuyên gia và công nhân Trung Quốc đến làm việc.

Trung Quốc đã từng giúp Việt Nam xây cầu Thăng Long, nhưng khi Việt Nam trái ý họ thì lập tức họ bỏ dở kệ cho Việt Nam tự xoay sở. Nhưng rồi với sự giúp đỡ của Liên Xô, cầu Thăng Long đẹp và hiện đại hơn thiết kế của Trung Quốc đã hoàn thành.

Khi chúng ta mở cửa biên giới, thực hiện giao thương với Trung Quốc thì hàng hóa của họ ào ạt vào Việt Nam. Trong lúc khó khăn những hàng hóa đó cũng đã giúp cho người dân Việt Nam giải quyết khó khăn về tiêu dùng tức thời. Nhưng rồi Việt Nam cũng như nhiều nước trên Thế giới dần nhận ra rằng “tiền nào của ấy”. Hàng Trung Quốc rẻ nhưng chất lượng kém, rau quả thực phẩm, đồ chơi đều có chất độc hại.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Đây là dịp để Trung Quốc xuất khẩu sang các nước và Việt Nam các công nghệ cũ và lạc hậu. Hàng loạt nhà máy xi măng, thép, đường được các doanh nghiệp Việt Nam nhập từ Trung Quốc. Thậm chí đến các toa tàu hỏa cũ cũng được đưa sang Việt Nam. Kèm theo đó là các dịch vụ phục vụ cho người Trung Quốc sang làm việc cũng mọc lên như nấm. Người Trung Quốc ngang nhiên làm du lịch ngay trên đất Việt Nam, lợi dụng du lịch để xuyên tạc lịch sử Việt Nam…

Thế giới đã nhận ra một Trung Quốc giả dối cả về chính trị, kinh tế và ngoại giao. Tháng 7 vừa qua hàng loạt nước chấp nhận đền bù để dừng được các hợp đồng đầu tư từ Trung Quốc.

Nhưng vì sao Việt Nam lại không thể dừng trong khi ai cũng thấy sự bất lợi. Quy định về đấu thầu do ta đặt ra sao ta lại không thể thay đổi để Trung Quốc lợi dụng việc trúng thầu vì giá rẻ, sau đó kéo dài thời gian, tăng vốn, đội vốn lên gấp rưỡi, gấp hai. Đường sắt trên cao ở Hà Nội là minh chứng về điều đó.

Ngày hôm nay báo Dân Trí, Việt Nam đăng bài về ý kiến của ông Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nói rõ Quảng Ninh từ chối vay 7000 tỷ vốn Trung Quốc để làm đường vì: “Để vay 300 triệu USD này nếu Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này điều kia thì rất khó khăn”. Và rằng kế hoạch vay tiền Trung Quốc là từ Bộ Giao thông Vận tải. Ông chủ tịch cùng khẳng định rằng bằng nội lực nhà nước và nhân dân ta hoàn toàn có đủ tiền để làm. Lạ hơn nữa là cả cấp Chính phủ cũng ủng hộ việc vay tiền Trung Quốc.

Điều đáng suy nghĩ và nghi vấn là vì sao cả Thế giới nhận ra, người dân Việt Nam đã biết rõ và phản đối nhưng những người có thẩm quyền ở Việt Nam lại cố tình hay vô tình không nhận ra sự lợi hại. Cán cân thương mại Việt Nam và Trung Quốc đã quá chênh lệch. Đã đến lúc cần học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, cái gì lợi cho dân cho nước thì kiên quyết làm, cái gì hại cho dân cho nước thì phải kiên quyết dứt bỏ.

Chính phủ hiện nay đã thể hiện quyết tâm về một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả. Nhiều bộ ngành, địa phương cũng đang quyết tâm thực hiện sự chỉ đạo của chính phủ, đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng hãy nhớ lời cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Con đường dài nhất ở Việt Nam là con đường từ lời nói đến việc làm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới