Sự hiện diện của những cường quốc biển trên thế giới sẽ giúp ngăn chặn những cái đầu nóng muốn sử dụng vũ lực để tranh đoạt chủ quyền trên Biển Đông.
Nga muốn trở lại Cam Ranh…
Đến ngày 2/5/1979, chính phủ Việt Nam và Liên Xô ký hiệp ước sử dụng chung căn cứ Cam Ranh ở thành phố Cam Ranh, thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam trong vòng 25 năm. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục sử dụng sân bay và hải cảng ở đây.
Các cơ sở hậu cần của Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô và sau này là Nga đã hiện diện tại bán đảo Cam Ranh trong hơn hai thập niên. Nhưng sau đó, vào năm 2002, do những khó khăn về chính trị và kinh tế, Nga đã quyết định rút khỏi Cam Ranh.
Ngày 12/8, cựu Tham mưu trưởng Không quân Nga, Đại tướng Pyotr Deinekin cho biết, quân đội Nga hiện đang khôi phục lại những sân bay quân sự trên các đảo của Thái Bình Dương để phục vụ cho lợi ích của lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga.
Ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố về việc tạo lập cơ sở của Hạm đội Thái Bình Dương trên đảo Matua thuộc dãy đảo Kuril. Trong khuôn khổ công trình xây dựng có dự kiến khôi phục sân bay mà thời Thế chiến II từng thuộc về Không lực Nhật Bản.
“Hiện nay, lực lượng hàng không của chúng ta đang được hiện đại hóa quy mô lớn, tổ hợp công nghiệp-quốc phòng làm việc theo các đề án máy bay của tương lai”. Tướng Deinekin nói trong cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Sputnik.
Tuy nhiên, vị tướng Nga còn tiết lộ một thông tin gây sốc là việc phục hồi mạng lưới sân bay của Nga “không chỉ giới hạn ở Bắc Cực, mà còn cả vươn xa bên ngoài ranh giới đất nước như trên các đảo Thái Bình Dương, ở Syria và cả ở Việt Nam”.
Mới hồi cuối tháng trước, Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov – một sĩ quan cao cấp quân đội Liên Xô đã từng chỉ huy việc xây dựng Cam Ranh nhận định, căn cứ này có địa thế vô cùng quan trọng trên Biển Đông, thậm chí là có thể khống chế toàn bộ cục diện Biển Đông.