Saturday, November 2, 2024
Trang chủĐiểm tinSingapore ủng hộ phán quyết PCA, TQ lo sợ

Singapore ủng hộ phán quyết PCA, TQ lo sợ

Nếu lựa chọn một quốc gia mà Trung Quốc sợ làm mất lòng nhất ở Đông Nam Á, Singapore sẽ là cái tên đầu tiên. Thế nhưng đảo quốc này không ngần ngại trong việc làm “tổn thương” Bắc Kinh.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm Mỹ.

Theo SCMP, quan hệ Trung Quốc-Singapore đã không còn sự nồng nhiệt vốn có sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tranh chấp ở Biển Đông.

Mặc dù Singapore không phải là một trong những bên có tranh chấp lợi ích ở Biển Đông nhưng bình luận viên Laura Zhou của SCMP chỉ ra rằng những quyết định gần đây của đảo quốc này dường như đã làm cho Bắc Kinh không vừa lòng.

Trung Quốc và Singapore đã có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong vài thập kỷ qua, đặc biệt trong hợp tác kinh tế. Đảo quốc này thường được các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến như một hình mẫu cần học hỏi trong quản lý và phát triển.

Bắc Kinh đã tỏ ra tức giận khi Mỹ ủng hộ Philippines đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài hồi năm 2013. Một phán quyết từ PCA đã bác bỏ tính pháp lý của yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” phi lý mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.

Sau khi Tòa án Thường trực Trọng tài ở La Haye bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi bản án là “một tuyên bố mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp hàng hải và khuyên các bên ủng hộ và thực thi.

Bắc Kinh phản ứng bằng cách kêu gọi Singapore hãy làm đúng “vai trò của mình một cách khách quan và công bằng”, bởi quốc gia này được coi là một điều phối viên quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Tuyên bố của ông Lý Hiển Long gần đây đã dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh về việc mối quan hệ hai nước có thể sẽ đi theo những ngã rẽ khác nhau.

Shen Shishun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương cho biết nếu Singapore đưa mình vào vị trí tương tự như Mỹ, Trung Quốc sẽ hiểu được rằng đảo quốc này đang bước đầu mang tầm ảnh hưởng vào những vấn đề lớn.

“Trung Quốc tin rằng Singapore có thể trở thành một cán cân quyền lực nặng ký nhưng không nên can thiệp vào vấn đề ở Biển Đông “, ông Shen nói, “là một quốc gia châu Á, Bắc Kinh muốn Singapore nên gần gũi với mình nhiều hơn”.

Căng thẳng nổi lên hồi đầu tháng khi Thủ tướng Lý Hiển Long nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng ông hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục có những hành động tích cực trong khu vực. Obama đáp lại với sự nồng nhiệt khi khẳng định Singapore và Mỹ sẽ là “đối tác bền vững”.

Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc cho biết trong một bài xã luận rằng chuyến đi của ông Lý đến Mỹ đã khiến một số nhân vật Trung Quốc cảm thấy “khó chịu”, đặc biệt là khi ông Obama còn ca ngợi Singapore là chiếc “mỏ neo” cho sự hiện diện của Mỹ tại châu Á. Trước đó, chỉ có 2 quốc gia khác là Nhật Bản và Australia – 2 đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từng được ám chỉ bằng cụm từ này.

Quan hệ giữa Singapore với Trung Quốc vốn yên bình và giữ được mối thân tình từ sau khi cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đến thăm Singapore vào năm 1978, ông đã rất ấn tượng bởi sự phát triển năng động của đảo quốc sư tử và từng muốn cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tư vấn về cách Trung Quốc có thể trở nên thịnh vượng.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng khuyên Trung Quốc nên mở cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài và chỉ trong 30 năm Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ sự cải cách này.

Trong giai đoạn hiện tại, hai nước cũng có những mối liên kết kinh tế mạnh mẽ. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và đảo quốc này là một thành phần quan trọng trong kế hoạch “con đường tơ lụa trên biển” của Bắc Kinh.

Theo tờ Nanfang Daily, Bắc Kinh cũng thường xuyên gửi cán bộ đi học ở Singapore trong hai thập kỷ qua, và nhiều người trong số họ hiện nay là thị trưởng hoặc lãnh đạo một tỉnh ở Trung Quốc.

Có thể thấy rằng dù là trong quá khứ hay hiện tại, Singapore vẫn có vị thế khiến Bắc Kinh luôn cảm thấy nể trọng, bởi vậy, những phát biểu của ông Lý Hiển Long khiến Trung Quốc không chỉ lo lắng mà còn cảm thấy khó xử.

Bình luận về động thái công khai ủng hộ đối với PCA, ông Oh Ei Sun, nghiên cứu viên cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam cho biết Singapore có vị trí không kém phần quan trọng so với các quốc gia Đông Nam Á khác đang tranh chấp lợi ích với Trung Quốc trên Biển Đông.

“Chúng ta thấy rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là một quyết định hoàn toàn bình thường. Nó mang lại hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp dựa trên pháp luật quốc tế. Bởi vậy, chẳng có gì sai khi một nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ những tâm tình như vậy”, ông Oh Ei Sun nói.

Du Jifeng, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh có thể cảnh giác hơn với vai trò của Singapore trong sự hiện diện chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Singapore sẽ vẫn mạnh mẽ.

Trung Quốc đang thực sự lo lắng khi một quốc gia mà Bắc Kinh không muốn làm mất lòng lại có những động thái ủng hộ các nước khác trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Học giả Jifeng nêu quan điểm rằng với việc “Singapore không phải là một bên có lợi ích ở Biển Đông, Trung Quốc đang hy vọng tiếng nói ​​của ông Lý Hiển Long sẽ không ảnh hưởng nhiều đến yêu sách của mình trên biển”.

RELATED ARTICLES

Tin mới