Chỉ trong vòng hơn 60 năm, trữ lượng nguồn tài nguyên này trên biển Đông đã giảm tới 95%.
Đánh bắt cá trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Theo trang Conversation (của Australia), nguyên nhân sâu xa của cuộc tranh chấp trên biển Đông không phải là tham vọng độc chiếm nguồn năng lượng dưới đáy biển, mà là trữ lượng cá/hải sản dồi dào và môi trường biển bao quanh.
Chỉ là một khu vực với diện tích không quá lớn (khoảng 3 triệu km2 ~ 2,5% bề mặt Trái đất), biển Đông có một trữ lượng cá phong phú đến mức đáng ngạc nhiên. Đây là nơi cư trú của ít nhất 3.365 loài sinh vật biển đã được xác định, và trong năm 2012, lượng cá đánh bắt ở đây chiếm 12% tổng sản lượng thế giới, trị giá 21,8 tỉ USD.
Các sinh vật sống trong vùng biển này còn đáng giá hơn tiền bạc. Chúng là nguồn thực phẩm đảm bảo cho cư dân vùng duyên hải (ở vào khoảng vài trăm triệu người). Nghề cá tạo công ăn việc làm cho ít nhất 3,7 triệu người.
Tuy nhiên, nguồn thực phẩm quan trọng này đang chịu một áp lực vô cùng to lớn.
Thảm họa đang thành hình
Cá trên biển Đông đã bị khai thác quá mức.
Theo số liệu khảo sát, 55% số tàu cá của toàn thế giới hoạt động ở biển Đông. Trữ lượng cá ở đây cũng bị sụt giảm 70% – 95% kể từ những năm 1950. Trong vòng 30 năm qua, số cá đánh bắt được mỗi giờ đã giảm 1/3, có nghĩa là lượng cá thu về ít hơn trước dù ngư dân đã tìm nhiều cách để khai thác.
Họ còn viện tới những biện pháp đánh bắt mang tính phá hoại như sử dụng mìn và xyanua tại các rạn san hô, cùng hoạt động lấp đất lấn biển, xây đảo nhân tạo. San hô trên biển Đông hiện đang giảm ở mức 16% mỗi thập kỷ.
Nếu từ giờ tới năm 2045, nếu tình hình không được cải thiện thì trữ lượng của mỗi loài sinh vật tại đây sẽ bị giảm khoảng 59%.
“Dân quân trên biển”
Tiếp cận các ngư trường là một mối lo ngại đối với các quốc gia giáp biển Đông, và những vụ đụng độ giữa tàu cá các bên đã không còn hiếm hoi.
Có thể thấy rõ tàu cá Trung Quốc áp đảo về số lượng trên biển Đông. Trước nhu cầu trong nước quá lớn và chính sách trợ giá của Chính phủ, ngư dân Trung Quốc ra khơi với những chiếc tàu lớn hơn, tầm hoạt động xa hơn, và số lượng hùng hậu hơn.
Trên thực tế, tàu cá không phải chỉ dùng để bắt cá, mà còn là công cụ được Trung Quốc sử dụng để đưa ra yêu sách chủ quyền trái phép.
Trong trường hợp này, tàu cá Trung Quốc được coi là “dân quân trên biển”. Đã có rất nhiều sự vụ liên quan tới việc tàu cá Trung Quốc hoạt động trong “đường 9 đoạn”, khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi pháp nhưng lại nằm sát bờ biển các quốc gia xung quanh, nơi được coi là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Đặc biệt hơn, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc còn tham gia vào công tác hỗ trợ hậu cần như tiếp nhiên liệu hoặc can thiệp để bảo vệ ngư dân khỏi bị bắt giữ do xâm nhập và đánh bắt trái phép.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (trên) và tàu tiếp nhiên liệu Philippines đụng độ. Ảnh: AFP
Ngư trường trở thành điểm nóng
Rõ ràng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc hôm 12/7, theo đó phủ nhận “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông, kể cả quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, đã khiến cục diện của khu vực này thay đổi.
Có dấu hiệu cho thấy các quốc gia giáp biển Đông mạnh tay hơn khi xử lý các trường hợp mà họ xem là hoạt động đánh bắt trái phép của Trung Quốc trong vùng biển của mình.
Vốn đã cứng rắn và cương quyết, Indonesia cho nổ và đánh đắm các tàu cá trái phép, đồng thời truyền hình trực tiếp hoạt động này để thể hiện rõ lập trường.
Gần đây, Malaysia cũng tuyên bố sẽ đánh đắm các tàu cá trái phép và biến các tàu này thành các rạn san hô nhân tạo.
Indonesia cho nổ tàu cá Trung Quốc.
Thế nhưng Trung Quốc cũng chẳng vừa.
Nước này sắp mở thêm 1 cảng cá ở đảo Hải Nam, với diện tích đủ cho 800 tàu neo đậu. Quan chức địa phương rêu rao: Bến cảng này giữ vai trò quan trọng trong việc “đảm bảo quyền lợi đánh bắt của Trung Quốc” tại biển Đông.
Đầu tháng 8, Tòa án Tối cao Trung Quốc cũng trắng trợn tuyên bố: Bắc Kinh có quyền truy tố và bắt giữ những người nước ngoài “xâm nhập vào lãnh hải Trung Quốc”, bao gồm cả khu vực mà nước này trái phép tuyên bố chủ quyền.
Trong khi cuộc tranh chấp đang “nóng”, có vẻ người ta đã quên mất biển Đông đang bị hủy hoại nghiêm trọng tới mức nào. Và nếu tình hình không được cải thiện, thì chính ngư dân và sinh vật biển mới là kẻ thua cuộc trong trận chiến này. Bởi lúc ấy, có muốn cũng không còn cá để bắt.