Friday, October 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMetro Việt Nam hợp nhất BigC Thái: Sức mạnh người khổng lồ

Metro Việt Nam hợp nhất BigC Thái: Sức mạnh người khổng lồ

Nắm được cả kênh bán sỉ và bán lẻ, Tập đoàn TCC (Thái Lan) sẽ có lợi thế hơn rất nhiều trong cuộc đua cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Đại gia Thái Lan đang có kế hoạch hợp nhất Metro Việt Nam và BigC Thái Lan

Bành trướng

Chủ tịch Tập đoàn TCC (Thái Lan), ông chủ của Metro Việt Nam và BigC Thái Lan vừa tiết lộ kế hoạch hợp nhất hai hệ thống siêu thị này. Hiện BigC Thái Lan là nhà bán lẻ thực phẩm và bất động sản thương mại hàng đầu ở Thái Lan, trong khi đó Metro Việt Nam đang là trung tâm bán sỉ lớn nhất Việt Nam.

Bình luận về kế hoạch này của đại gia người Thái, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, khi nắm được cả kênh bán buôn và bán lẻ ở Việt Nam, Thái Lan, tập đoàn TCC sẽ mạnh hơn rất nhiều và giành lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Đặc biệt, tập đoàn này sẽ nắm trong tay quyền lực chi phối thị trường, tiêu thụ mặt hàng nào, của ai…

“Mỗi mặt hàng có mấy nguồn cung, họ chỉ cần giảm tỷ lệ chiết khấu, lợi nhuận…, lập tức sức tiêu thụ sẽ thay đổi”, ông Nam nói.

Có thể làm được điều này, theo vị chuyên gia, đó là do Tập đoàn TCC đang nắm quyền của người bán buôn.

“Trong phân phối hàng hóa có ba khâu: bán buôn, dịch vụ cung ứng và bán lẻ,  trong đó bán buôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bán lẻ và bán buôn luôn gắn liền với nhau, tách khỏi bán buôn, bán lẻ không sống được. Bán lẻ phải có nguồn hàng, mà nguồn hàng thì hoặc từ bán buôn hoặc đặt hàng từ các cơ sở sản xuất hoặc từ các kênh nhập khẩu. 

Có thể khẳng định bán buôn là ‘ông lớn’ trong hệ thống phân phối bởi nó có khả năng ấn định giá, thậm chí nhiều khi vì nhu cầu tiêu thụ hàng lớn, người bán buôn hoàn toàn có thể yêu cầu bán lẻ khống chế giá”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.

Tuy nhiên, tại Việt Nam lâu nay lại làm ngược, cứ “đi bắt ngọn” khi chăm chăm vào khâu bán lẻ mà không hiểu rằng nắm được bán buôn mới chi phối được giá hàng hóa trên thị trường, ông Nam chỉ rõ. Nguyên nhân chủ yếu là vì thị trường bán lẻ Việt Nam rất béo bở, còn thị trường bán buôn lại bị buông lỏng. Bởi chính sách quản lý kém nên bán lẻ ở Việt Nam mới tự tung tự tác, nâng giá hạ giá một cách tùy tiện. Trong khi đó, ở các nước bán buôn khống chế giá bán lẻ, lúc nào được nâng-hạ giá, lúc nào giữ giá để giữ nhịp độ tiêu thụ hàng hóa.

“Tập đoàn TCC đang nắm trong tay cả kênh bán buôn và bán lẻ rộng khắp. Họ là  một tập đoàn phân phối lớn, thực hiện kế hoạch hợp nhất Metro Việt Nam và BigC Thái Lan chính là họ muốn bành trướng, trước hết là bành trướng ra thị trường rộng lớn ASEAN, trong đó có Việt Nam, một thị trường còn đang còn bỏ ngỏ
 
Một khi hợp nhất được hai hệ thống siêu thị, việc phân phối hàng Việt Nam và hàng Thái Lan như thế nào sẽ tùy theo ý họ, trong quá trình hoạt động, TCC sẽ chọn lọc xem nguồn bán buôn ở Việt Nam gồm những nguồn nào, cái gì sẽ lấy từ Việt Nam, cái gì nhập khẩu… Nếu hàng Việt Nam tốt thì họ sẽ bán buôn hàng Việt Nam để phân phối ra không chỉ thị trường Việt Nam mà còn vươn sang cả thị trường Thái Lan và những thị trường khác do họ khống chế. Khi ấy, những mặt hàng đó của Việt Nam sẽ có lợi, nói cách khác, họ sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt Nam.

Nhưng ngược lại, cũng có những mặt hàng mà phía doanh nghiệp Thái Lan thấy nguồn hàng Việt Nam không cạnh tranh được do chất lượng không tốt, giá cả cao hơn thì họ sẽ lấy nguồn hàng từ nơi khác, chẳng hạn như Thái Lan. Khi ấy, mặt hàng đó ở Việt Nam sẽ gặp khó.

Tóm lại, họ sẽ cơ cấu lại nguồn hàng của thị trường Việt Nam, kể cả thị trường Thái Lan. TCC nắm trong tay khâu bán buôn nên được quyền cơ cấu lại nguồn hàng, điều đó sẽ khiến sản xuất ở Việt Nam bị ảnh hưởng, có những mặt hàng được phát triển, nhưng cũng có những mặt hàng bị teo tóp đi”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhận định.

“Thực ra Việt Nam vẫn có nhiều mặt hàng có chất lượng tốt, có phẩm chất khác biệt, nhất là hàng nông sản, nhưng các nhà kinh doanh Việt Nam không làm thế nào kích hoạt được việc sản xuất chúng.

Mấy chục năm nay doanh nghiệp Việt toàn bán hàng không có thương hiệu, khi doanh nghiệp Thái Lan vào, họ sẽ chọn lọc trong số các sản phẩm của Việt Nam sản phẩm nào có chất lượng tốt, có sự khác biệt và có thể kích thích tiêu dùng thì sẽ tập trung phát triển mặt hàng đó. Cùng với tác động của tiêu thụ, nó sẽ tạo dựng nên thương hiệu cho một số sản phẩm Việt Nam. 

Nhưng lúc đầu họ cần lợi nhuận thì như thế, còn nếu doanh nghiệp Thái bị tác động bởi chính trị và vì lý do nào đó phải tập trung tiêu thụ hàng cho nông dân Thái Lan thì lúc ấy câu huyện khác.

Tôi không rõ khi Tập đoàn Thái Lan mua Metro Việt Nam, chính phủ ta có đặt điều kiện với họ không nhưng TCC sẽ hoạt động theo mục tiêu của họ. Cho nên, như đã nói ở trên, họ sẽ tái cơ cấu nguồn hàng, trong đó có những sản phẩm của Việt Nam có cơ hội phát triển nhưng cũng có sản phẩm bị thu hẹp.

Mức độ tái cơ cấu đến đâu chưa rõ vì vẫn còn sự cạnh tranh của hàng Nhật, Hàn,… trong khi hàng Việt thì lèo tèo, ngày càng yếu. Doanh nghiệp Việt không được trợ giúp nhiều nên  hàng Việt ngày càng khó cạnh tranh. Việt Nam chỉ có một lợi thế là có sẵn kênh bán lẻ đưa hàng về tận nông thôn, từng gia đình, còn nếu để vào siêu thị, chắc chắn hàng Việt sẽ thua bởi các siêu thị đã bị các tập đoàn nước ngoài thâu tóm, lấn át”, ông Nam chỉ rõ.

Việt Nam mất cả thị trường bán buôn và bán lẻ

Từ khi đại gia người Thái thâu tóm Metro Việt Nam đã có nhiều lo ngại Metro sẽ trở thành kênh cung cấp hàng hóa Thái Lan tại Việt Nam. Với kế hoạch hợp nhất Metro Việt Nam và BigC Thái Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng lo ngại ấy sẽ thành hiện thực nhưng nó diễn ra từ từ. Xét về mặt sản xuất, kể cả hàng tiêu dùng lẫn hàng nông sản, hàng Thái Lan tốt hơn Việt Nam, cả về chất lượng, độ an toàn thực phẩm, giá cả… Chính vì thế, nguy cơ Việt Nam mất thị trường bán buôn và bán lẻ, cạnh tranh thua là chắc chắc, ông Nam khẳng định.

Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp Việt có giành lại được thị trường từ tay doanh nghiệp ngoại hay không, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, tùy thuộc vào chủ trương, chính sách của Chính phủ.

Ông chỉ ra rằng, thực tế cho thấy doanh nghiệp nội địa đang bị phân biệt đối xử với doanh nghiệp ngoại, trong khi doanh nghiệp ngoại được ưu đãi đủ đường thì doanh nghiệp trong nước phải chịu đủ các loại thuế, phí, nhất là các chi phí không chính thức.

“Đã có doanh nghiệp nội nào xin đất dễ như doanh nghiệp ngoại? Có doanh nghiệp nội nào xin được mấy chục lô đất mở siêu thị, mà toàn ở vị trí đẹp như Metro, BigC? Ấy là o chủ trương và hành động của chính quyền, không chỉ chính quyền Trung ương mà cả chính quyền địa phương vì địa phương được quyền cấp phép.

Hay hàng Việt làm sao chen chân được vào siêu thị ngoại khi bị hét đủ các loại phí, chiết khấu cao ngất ngưởng?

Việt Nam đã hội nhập và cam kết mở cửa khi tham gia các hiệp định tự do thương mại, chính vì thế việc các doanh nghiệp ngoại đổ vào Việt Nam là đúng. Nhưng quan trọng vẫn là cơ chế của Việt Nam, trong kinh doanh vẫn luôn có những điều kiện nhất định, không thể để doanh nghiệp ngoại muốn làm gì thì làm”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý.

RELATED ARTICLES

Tin mới