Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCân nhắc khi nào ''Việt Nam có thể kiện TQ ở Hoàng...

Cân nhắc khi nào ”Việt Nam có thể kiện TQ ở Hoàng Sa”

“Khi nào cần thiết, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc. Chúng ta không từ bỏ quyền nào cả nhưng hiện vẫn bảo lưu, chưa sử dụng đến”.

“Khi nào cần thiết, Việt Nam sẽ khởi kiện Trung Quốc. Chúng ta không từ bỏ quyền nào cả nhưng hiện vẫn bảo lưu, chưa sử dụng đến”.

Nhiều cơ sở vững chắc

Ngày 17/8, tại Hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” ở Khánh Hòa, bà Amy Searight, nghiên cứu viên cao cấp thuộc CSIS nhận định, việc Tòa Trọng tài ngày 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” Trung Quốc đơn phương đưa ra ở Biển Đông và khẳng định không có cấu trúc nào ở Trường Sa được hưởng quy chế đảo đã tạo ra một tiền lệ tốt.

“Việt Nam cũng có thể căn cứ luật quốc tế để kiện Trung Quốc ở Hoàng Sa”, bà Searight nói.

Trong khi đó, chuyên gia người Đức Gerhard Manfred đánh giá trong phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa không đề cập rõ đến Hoàng Sa, tuy nhiên phán quyết có “tác động gián tiếp” và sẽ “có ích cho tương lai Hoàng Sa”.

Trước ý kiến trên, trao đổi với chúng tôi, TS Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao thừa nhận phán quyết của tòa PCA hôm 12/7 tại La Hay, Hà Lan đã mở ra những cơ hội và tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, nhất là chủ quyền tại Hoàng Sa.

Theo TS Thái có 3 điểm chính trong phán quyết PCA Việt Nam có thể căn cứ để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền tại các khu vực Trung Quốc xâm phạm trái phép.

Thứ nhất tòa làm rõ quy chế về đảo, đá. Lần đầu tiên tòa trọng tài thường trực thành lập ra bộ luật này căn cứ vào đệ trình của Philippines đã làm rõ được thế nào là đảo, thế nào là đá. Và những định nghĩa như vậy được áp dụng không chỉ trong khu vực mà Philippines nêu trong đệ trình mà có thể áp dụng ra cả biển Đông cũng như các khu vực khác trên thế giới.

Thứ hai, tòa cũng nói rõ những quyền lịch sử mà Trung Quốc tuyên bố đòi hỏi trên cơ sở đường lưỡi bò. Những cái nào vượt quá 200 hải lý theo quy định của công ước quốc tế của Luật biển năm 1982 tòa cũng đều bác bỏ. Như vậy nó cũng có thể có ảnh hưởng gián tiếp đến Hoàng Sa.

Điểm thứ ba là tòa nói rằng cả Trường Sa không thể được vẽ ra với tư cách là một thực thể thống nhất, không thể có các vùng nước. Đấy cũng là một luận điểm rất sắc bén.

“Hiện nay ở Hoàng Sa, tòa chưa đưa ra phán quyết gì cả cho nên là cái tình trạng ở đó chưa thể nói được gì. Nhưng có thể suy luận, phán quyết ở Trường Sa như vậy thì cũng có thể áp dụng ở các nơi khác, trong đó có Hoàng Sa.

Từ vụ việc vừa rồi mà suy ra thì với Hoàng Sa cũng không thể có 200 hải lý và cũng không thể có đường cơ sở thẳng. Đấy là những điểm mà rất quan trọng mà tòa đã làm rõ và hội thảo hôm 17/8 tại Khánh Hòa đã khẳng định thêm những vấn đề này”, TS Thái nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng, việc Tòa Trọng tài PCA tại La Hay, Hà Lan ra phán quyết không công nhận “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông đã mở ra những cơ hội thuận lợi chưa từng có cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

“Có nhiều điểm tích cực đối với Việt Nam sau phán quyết. Đó là nó làm giảm diện tích tranh chấp. Thứ hai, nó cung cấp cho Việt Nam những lập luận hết sức sắc bén. Thứ ba là nó làm rõ ra rất nhiều điểm mà trước đây chúng ta không nghĩ đến, quy chế đảo, đá là gì. Nó là tiền đề lâu dài để sau này đưa vào các quốc gia, để phân định đường biển, là cơ sở quan trọng giải quyết các tranh chấp, ổn định hòa bình với nhau.

Nhưng đó là vấn đề lâu dài. Tranh chấp trên biển Đông rất phức tạp bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như chính trị đối ngoại, vấn đề truyền thông, pháp lý, vấn đề trên thực địa và vấn đề an ninh quốc phòng”, TS Thái khẳng định.

Việt Nam có thể kiện Trung Quốc khi cần thiết

Trước ý kiến của các chuyên gia về việc Việt Nam có thể căn cứ vào Luật quốc tế để kiện Trung Quốc ở Hoàng Sa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng đây là một trong những gợi ý để chúng ta tham khảo khi cần thiết.

“Trong tuyên bố 8 điểm mà Việt Nam đã đệ trình lên tòa ngày 5/12/2014, tại điểm 7 chúng ta đã nói rất rõ: “Việt Nam bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ các lợi ích chính đáng ở biển Đông”. Ở đây biện pháp hòa bình có nhiều loại, trong đó có đàm phán ngoại giao, trung gian hòa giải, có sử dụng Tòa Trọng tài.

Điều này có nghĩa là khi nào cần thiết thì Việt Nam có thể  khởi kiện Trung Quốc. Việt Nam không từ bỏ quyền nào cả tuy nhiên hiện nay Việt Nam vẫn bảo lưu những quyền như vậy, chưa sử dụng đến”, TS Thái phân tích.

Theo vị chuyên gia, việc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc trên những điểm nào thì cần phải cân nhắc và có sự tính toán rất kỹ, đặc biệt chỉ sử dụng khi các biện pháp đàm phán không phát huy hiệu quả.

“Đó chỉ là gợi ý của các chuyên gia thôi. Còn kiện cái gì, kiện ở đâu, kiện như thế nào, trình tự ra sao, quá trình chuẩn bị… còn rất nhiều vấn đề phải tính đến.

Tuy nhiên vụ kiện của Philippines đã cho Việt Nam rất nhiều bài học bổ ích. Ở đây cụ thể là việc chọn tòa như thế nào, công ty luật ra sao, quá trình thủ tục, tranh tụng rất rõ ràng”, TS Thái nhận định.

Nhìn tổng thể mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những tranh chấp trên biển Đông thời gian qua, vị chuyên gia khẳng định, phán quyết PCA đã tác động nhiều đến mối quan tâm chung của 2 nước trên biển Đông. Bằng chứng là các nhà lãnh đạo 2 nước đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán song phương về phân định khu vực cửa vịnh Bắc Bộ.

“Hiện nay quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có rất nhiều kênh khác nhau. Trên thực tế là Việt Nam – Trung Quốc đã có trên 7 vòng đàm phán, trong đó có 1 số vòng đàm phán về phân định khu vực cửa vịnh Bắc Bộ. Rõ ràng với phần còn chồng lấn, chồng chéo hiện nay, chủ yếu ở khu vực cửa vịnh Bắc Bộ, hai bên đã ngồi vào đàm phán với nhau”, TS Thái nói.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao khẳng định, Việt Nam tôn trọng những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tuy nhiên để thực hiện thì cần phải suy xét toàn diện vấn đề, không thể nóng vội, làm theo cảm tính được.

“Trong trường hợp của Việt Nam với bối cảnh như hiện nay, kiện Trung Quốc chưa chắc đã có lợi. Hoặc ngược lại cần đặt câu hỏi kiện có làm tốt hơn hay không? Cái đấy phải có một quá trình đánh giá. Ngay cả sau vụ kiện của Philippines họ đã đi được đến đâu, chúng ta vẫn đang trong quá trình theo dõi chưa kết luận được. Cho nên ý kiến của các chuyên gia đó chỉ là một ý kiến tham khảo thôi.

Chúng ta phải nhìn tổng thể, đánh giá toàn diện. Nhưng tôi khẳng định, phán quyết PCA không phải là cây đũa thần còn tiếp cận như thế nào để vừa đảm bảo được hòa bình, vừa duy trì bảo vệ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đó mới là cái khó”, TS Thái nêu quan điểm.

RELATED ARTICLES

Tin mới