Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngCặp Trung Quốc-Philippines đối thoại được bao lâu nữa?

Cặp Trung Quốc-Philippines đối thoại được bao lâu nữa?

Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos vừa kết thúc cuộc đối thoại “song hành” với Trung Quốc, tức các cuộc đối thoại trên cả diễn đàn chính thức và không chính thức.

Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra tuần tra ở biển Đông. (Ảnh: Weibo)

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho hay, theo các nhà phân tích thì cuộc đối thoại “hai kênh” này tuy chưa thể giải quyết những vấn đề thực chất, nhưng ít nhất đã hạ nhiệt quan hệ hai nước. Hai bên có thể đạt được một số thành quả bước đầu.

Trung Quốc không nhượng bộ

Đặc phái viên của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cựu tổng thống Fidel Ramos, đã kết thúc chuyến thăm quan trọng tới Hồng Kông vào ngày 12/8.

Tại Hồng Kông, với tư cách cá nhân ông đã có cuộc gặp mặt với Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách các vấn đề đối ngoại Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh và Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc Ngô Sỹ Tồn.

Hai bên đã thảo luận về việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác giữa hai quốc gia. Trước khi kết thúc chuyến viếng thăm lần này, Fidel Ramos cho biết hai bên chưa nhắc đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Ông Gregory Poling, chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, nên gọi cuộc đối thoại giữa ông Ramos và Phó Oánh là “song hành 1.5”.

Ông lý giải, hiện tại bà Phó đang giữ cương vị trong chính quyền Trung Quốc và Ramos là đặc phái viên do chính tổng thống Duterte chỉ định, vì thế, cuộc trao đổi giữa họ có thể xem là “mang tính chất” đại diện cho chính quyền song phương.

Ông cũng cho rằng cuộc đối thoại như vậy sẽ mở ra cơ hội đối thoại chính thức giữa hai quốc gia, nhưng sẽ chưa đem lại những kết quả thực chất.

Ông Poling nói: “Đối thoại giữa hai nhân vật này là bước đi đầu tiên có vai trò quan trọng, nếu như không có những cuộc đối thoại như vậy, chính phủ hai nước sẽ không có những cuộc đối thoại nghiêm túc. Vì thế, cuộc gặp mặt và trao đổi lần này ít nhiều cũng mở ra cánh cửa lớn.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghi ngờ về khả năng nó có thể đạt được những kết quả thực chất hay không, thực tế họ đã nhắc tới nhiều vấn đề liên quan tới bãi cạn Scarborough.

Đó là những thành quả sơ bộ, nhưng tôi cho rằng như vậy là chưa hề đủ. Điều này sẽ không thực sự làm dịu đi quan hệ căng thẳng giữa hai nước.”

Ông Poling cho biết thêm, nếu muốn hòa giải thực sự mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia, Trung Quốc cần phải nhượng bộ nhiều hơn, ví dụ bỏ lại các tài nguyên ở một số đảo đá giáp với Philippines.

Nhưng đến nay, ông vẫn chưa nhận thấy bất kỳ tín hiệu nào trong vấn đề này từ phía Bắc Kinh.

Phán quyết PCA cũng có thể khiến Philippines “gặp khó”

Gregory Poling cho rằng, bởi nguyện vọng của người dân cũng như hiến pháp của Philippines, phán quyết của PCA khiến cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Philippines và Trung Quốc sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống Philippines chắc chắn không thể nhượng bộ về thềm lục địa cũng như vùng trời trên lãnh hải trong bất kỳ các cuộc đàm phán nào với Trung Quốc, đặc biệt khi PCA đã bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Bắc Kinh ở biển Đông, cũng như căn cứ pháp lý của yêu sách “Đường 9 đoạn” do nước này áp đặt.

Ông nói: “Phán quyết này đã trở thành một giới hạn về sự chấp thuận và tính hợp pháp tại Philippines…”

Phía Chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh tuyên bố “bảo vệ toàn vẹn (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông”.

Trước ngày PCA ra phán quyết, Trung Quốc nhấn mạnh, chỉ cần Philippines không cưỡng chế thực thi phán quyết, Trung Quốc sẽ đồng ý đối thoại.

Sau khi phán quyết được công bố vài ngày, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa đưa ra thông điệp cho Philippines là có thể khôi phục tiến trình đàm phán với điều kiện tiên quyết là không đề cập đến phán quyết của PCA.

Tuy nhiên, điều này đã bị ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khước từ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 13/8, ông Yasay cho biết, Philippines không hề có áp lực, và rằng nước này cần phải đàm phán với Trung Quốc. Ông nói, Philippines có thể chờ đến khi Trung Quốc đồng ý ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Richard Bush,Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á của Viện Brookings (Mỹ) cho biết:

“… Tôi không nghĩ rằng họ (Philippines) muốn bỏ qua vụ này.

Tôi cũng chưa nhận thấy Trung Quốc sẽ chấp nhận đàm phán trong tình hình như vậy, mặc dù tôi hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi, bởi điều này thực sự tạo cơ hội để hạ nhiệt tranh chấp. Vì thế, các cuộc đàm phán có thành công hay không hoàn toàn tùy thuộc vào cơ sở đàm phán là gì.”

RELATED ARTICLES

Tin mới