Theo tin mới nhất từ The New York Times, bất chấp những tuyên bố ngừng sử dụng nội tạng tù nhân để phục vụ ngành ghép tạng, Trung Quốc tiếp tục phải nhận những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế về ngành công nghiệp mờ ám này của mình. Nhiều chuyên gia cũng đã từ chối tham dự hội nghị quốc tế về cấy ghép tạng ở Hồng Kông hôm 18/8 mới đây.
Các bác sĩ Trung Quốc đang cầm nội tạng tươi dùng để cấy ghép tại một bệnh viện tại tỉnh Hà Nam vào ngày 16/8/2012. (Screenshot/Sohu.com)
Những tranh luận gay gắt về vấn đề thu hoạch nội tạng phi pháp của Trung Quốc một lần nữa đã bùng lên tại hội nghị ghép tạng quốc tế ở Hồng Kông. Rất nhiều bác sĩ và các nhà đấu tranh nhân quyền lên tiếng tẩy chay hội nghị này, The New York Times đưa tin.
Các quan chức y tế Trung Quốc tuyên bố rằng nước này đã ngừng sử dụng nội tạng của tử tù kể từ ngày 1/1/2015 sau nhiều thập kỷ tận thu nguồn lợi dồi dào này.
Họ cũng khẳng định Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một hệ thống hiến tạng tự nguyện, không bao gồm các tù nhân.
Dù đã quay lại sáp nhập vào Trung Quốc từ năm 1997, Hồng Kông vẫn có một hệ thống hiến tạng riêng biệt, tách khỏi các hoạt động cấy ghép nội tạng ở đại lục.
Tuy nhiên, chỉ một ngày trước thềm hội nghị lần thứ 26 của Hiệp hội Cấy ghép quốc tế ở Hồng Kông, trong bài viết đăng trên tờ American Journal of Transplantation, bác sĩ Jacob Lavee (Trung tâm y tế Sheba, Israel) và bác sĩ Torsten Trey (giám đốc tổ chức Bác sĩ chống mổ cắp nội tạng, Mỹ) đã đưa ra những lời chỉ trích kịch liệt.
“Trong bối cảnh hiện tại, không thể xác minh tính xác thực trong những tuyên bố của giới chức Trung Quốc. Vẫn còn quá sớm để coi Trung Quốc như là một đối tác đầy đủ tư cách đạo đức trong cộng đồng quốc tế cấy ghép tạng”.
“Cho đến khi chúng tôi có được những bằng chứng độc lập và khách quan cho thấy sự chấm dứt hoàn toàn việc thu hoạch nội tạng phi đạo đức từ các tù nhân, cộng đồng y tế quốc tế có trách nhiệm duy trì lệnh cấm vận đối với các bác sĩ ghép tạng Trung Quốc”.
Các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Y học thế giới và Hiệp hội Cấy ghép đều cho rằng ở bất cứ quốc gia nào thi hành án tử hình, việc sử dụng nội tạng từ tù nhân đều vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức. Bởi lẽ, các tù nhân không thể đưa ra lựa chọn một cách tự do.
Hồng Kông không áp dụng án tử hình. Nhưng ở đại lục, hình phạt này vẫn còn được sử dụng rất rộng rãi.
Trên trang web của Quỹ Phát triển ghép tạng Trung Quốc, một thông báo đăng ngày 5/5/2016 cho hay các tù nhân được quyền hiến tặng nội tạng. Tuy nhiên, những cú điện thoại gọi tới để xác minh sau đó đều không nhận được hồi đáp.
Trong một cuộc phỏng vấn tiến hành trên ứng dụng nhắn tin WeChat, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, Huang Jeifu thừa nhận ngành ghép tạng Trung Quốc đang thay đổi nhưng còn xa mới trở nên hoàn hảo.
“Chúng tôi mới chỉ đi được những bước đầu tiên trên cuộc hành quân 10.000 dặm. Nhiệm vụ rất nặng nề và quãng đường còn rất xa. Nhưng chúng tôi đang đi trên một con đường rất sáng sủa”.
Tuy nhiên, bác sĩ Lavee, Chủ tịch Hiệp hội Ghép tạng Israel cho hay việc tổ chức hội nghị lần này ở Hồng Kông cho thấy cộng đồng quốc tế đã “từ bỏ thứ vũ khí duy nhất khiến Trung Quốc phải tuân thủ việc sử dụng các nguồn nội tạng phù hợp với đạo đức hơn như chính nước này tuyên bố”.
Ông cũng cho biết cần phải áp đặt một lệnh cấm vận lâu dài đủ để gây áp lực với Trung Quốc, buộc nước này thay đổi chính sách cấy ghép nội tạng của mình.
Là thành viên trong Ủy ban đạo đức của Hiệp hội Cấy ghép và nằm trong Hội đồng tư vấn của tổ chức Bác sĩ chống mổ cắp nội tạng, Bác sĩ Lavee cũng cho biết mình sẽ không tham dự các cuộc họp ở Hồng Kông như một cách bày tỏ sự phản đối.
Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép quốc tế, bác sĩ Philip O’Connell cùng hai người tiền nhiệm đều đã từ chối đưa ra bình luận cụ thể.
Trên trang chủ của mình, Hiệp hội Cấy ghép quốc tế đã lên tiếng phản đối việc thu hoạch nội tạng phi đạo đức và từng 3 lần yêu cầu các bác sĩ Trung Quốc tiết lộ nguồn gốc của các bộ phận nội tạng mà họ đề cập đến trong những bài báo khoa học trước đây.
Trong bài viết trên tạp chí American Journal of Transplantation, các tác giả cho biết họ thực sự lo ngại về vấn đề đạo đức với 10 bài tham luận của các bác sĩ Trung Quốc được trình bày trong hội nghị ở Hồng Kông vừa rồi.
Bức màn đen tối mổ cướp nội tạng sống học viên Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc ngày càng được hé mở tại khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Internet.
Bác sĩ Lavee đặc biệt quan tâm tới những báo cáo “lâu dài” và “đáng tin cậy” trong Nghị quyết được Hạ viện Mỹ thông qua trong tháng 6 năm nay về việc yêu cầu Trung Quốc chấm dứt thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, chủ yếu là từ các học viên Pháp Luân Công, một môn khí công bị chính quyền nước này đàn áp và đặt ra ngoài vòng pháp luật từ năm 1999.
Theo Minh Huệ, một trang web độc lập theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, chính quyền nước này đã ép các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ phải thử máu để cung cấp thông tin cho kho dữ liệu ghép tạng.
háng 6/2016, Tổ chức Thế giới điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã công bố kết luận điều tra cho thấy ĐCSTQ dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết hại 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng.
Các báo cáo cũng cho biết, chính phủ Trung Quốc đã không có bất kỳ điều chỉnh luật pháp nào để ngăn cấm việc thu hoạch, sử dụng các bộ phận nội tạng trên cơ thể tù nhân.
Bác sĩ Lavee kể rằng, năm 2005, ông có một bệnh nhân tim chờ phẫu thuật. Anh này được nói cho biết rằng sẽ có một quả tim mới sẵn sàng chờ ở Trung Quốc sau 2 tuần.
“Tôi là một người Do Thái. Con trai tôi đã sống sót qua thảm họa diệt chủng Holocaust. Lý do tôi dành quá nhiều thời gian vào việc này là vì tôi không thể giữ im lặng khi đối mặt với một tội ác mới chống lại loài người”, bác sĩ Lavee kết luận.