Một nguyên thủ mà năm ngoái vẫn còn là thượng khách được Bắc Kinh tiếp đón bằng nghi thức đặc biệt, thì tại G20 năm nay là bầu không khí “lạnh lẽo”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (Ảnh: Reuters)
Ngày 15/8, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thông báo, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 11 sẽ diễn ra trong hai ngày 4-5/9 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự và chủ trì hội nghị, đồng thời có những cuộc gặp mặt và các hoạt động không chính thức với lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Đây là lần đầu tiên G20 được tổ chức tại Trung Quốc. Câu hỏi lớn được đặt ra cho các nhà lãnh đạo của Trung Quốc là làm thế nào thể hiện được triết lí phát triển cũng như tư duy quản trị toàn cầu của quốc gia này.
Theo trang Đa Chiều, trong số các lãnh đạo khách mời, nhân vật khiến ông Tập phải “ngại ngần nhất” không ai khác ngoài Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Bởi cũng vào tháng 9 năm ngoái, bà Park là một trong những “thượng khách” tại lễ duyệt binh trên quảng trường Thiên An Môn.
Bà đã “sánh vai” cùng Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga Vladimir Putin lên lễ đài, bất chấp sự hiện diện của mình tại Bắc Kinh khiến đồng minh Mỹ bất mãn.
Đa Chiều chỉ ra, điều đáng nói là tại thời điểm đó rất nhiều nguyên thủ phương Tây từ chối lời mời tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc.
Ngay cả Anh và một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) đứng đầu trong việc đầu tư vào Trung Quốc cũng vắng mặt tại lễ duyệt binh năm ngoái. Bởi vậy Bắc Kinh đã đánh giá rất cao động thái của bà Park Geun Hye và dành cho bà nghi lễ tiếp đón trang trọng ngang với ông Putin.
Trung Quốc sẽ tiếp tục dồn ép Tổng thống Hàn Quốc?
Tại thời điểm đó, có thể thấy quan hệ Trung-Hàn bước lên một tầm cao mới, bước vào giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước..
Tuy nhiên, việc Seoul nhất trí để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc đã khiến quan hệ song phương xấu đi nhanh chóng.
Trung Quốc đã thực hiện một loạt hành động có tính răn đe đối với Hàn Quốc, bất chấp việc bố trí THAAD vẫn chưa được tiến hành.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm 7/8 đã ra tuyên bố cứng rắn, phản bác lại những chỉ trích trước đó của Trung Quốc và cho rằng, Bắc Kinh cần bình tĩnh đối phó với những chiêu trò khiêu khích của Triều Tiên.
Tuyên bố này đã giáng một đòn mạnh vào quan hệ hợp tác Trung-Hàn.
Các học giả Trung Quốc cho rằng, chính phủ nước này cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn đối với Hàn Quốc, bởi đó không chỉ là lời cảnh báo đối với riêng Seoul mà còn đối với các nước láng giềng khác.
Thậm chí, nhiều học giả còn nhận định, cần thiết phải gia tăng áp lực đối với bà Park. Nếu áp lực lớn đến mức khiến bà này phải từ chức thì đây sẽ là diễn biến có lợi cho Trung Quốc.
Bởi vậy đối với Trung Quốc, việc tiếp tục gia tăng áp lực lên Hàn Quốc vào lúc này được Bắc Kinh cho là hướng đi đúng.
Dù Tổng thống Park Geun Hye không phải rút lui vì những mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ thì với việc Trung Quốc gia tăng áp lực, quan hệ hai nước sẽ ngày càng lún sâu vào bế tắc. Và sắp tới khi cả bà Park và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đều hết nhiệm kì, đây sẽ là “thời cơ vàng” cho Trung Quốc.
Trong giai đoạn căng thẳng leo thang như hiện nay, cuộc gặp Tập-Park có khả năng được tổ chức để giảm căng thẳng song phương hay không? Cho đến nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng một hội nghị thượng đỉnh Trung-Hàn trong khuôn khổ G20 “chưa xác định”.
Trung Quốc sẽ đón tiếp vị khách khiến mình ngại ngùng nhất như thế nào vẫn đang là tiêu điểm chú ý của dư luận quốc tế.