Bộ trưởng Quốc phòng Iran cho biết, Nga sẽ được phép sử dụng cơ sở quân sự Nojeh gần thành phố Hamadan “miễn là họ cần”.
Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga tại một căn cứ không quân ở Iran. (Ảnh: AP)
Reuters đưa tin, quân đội Nga ngày 22/8 cho biết, các máy bay của Nga làm nhiệm vụ không kích các mục tiêu khủng bố từ căn cứ không quân ở Iran đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, Nga cũng bỏ ngỏ khả năng tiếp tục sử dụng căn cứ không quân Hamadan nếu tình thế yêu cầu.Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Nga đã ngừng sử dụng các cơ sở của nước này cho các cuộc không kích ở Syria.
Máy bay Nga hoàn thành nhiệm vụ ở Iran
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov trong một tuyên bố cho biết: “Máy bay quân sự của Nga tham gia vào các hoạt động không kích từ căn cứ không quân Hamadan của Iran nhằm vào những mục tiêu khủng bố ở Syria đã hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
“Việc các lực lượng Không gian vũ trụ Nga có tiếp tục sử dụng căn cứ không quân Hamadan tại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hay không sẽ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận song phương để chống lại chủ nghĩa khủng bố và tùy thuộc vào tình hình thực tế tại Syria”, ông Konashenkov nói.
Ngày 16/8, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và tiêm kích đa nhiệm Su-34 của Nga xuất phát từ căn cứ không quân Hamedan của Iran đã không kích các mục tiêu phiến quân ở Syria.
Đây cũng là lần đầu tiên máy bay Nga sử dụng một căn cứ ở Iran để tấn công phiến quân tại Syria, và cũng là lần đầu tiên kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran cho phép quân đội nước ngoài sử dụng lãnh thổ của họ cho các hoạt động quân sự.
Một số nghị sỹ của Iran gọi động thái này là hành vi vi Hiến, bởi Hiến pháp của Cộng hòa Hồi giáo Iran cấm “việc thành lập căn cứ quân sự nước ngoài tại Iran dưới bất kỳ hình thức nào, ngay cả khi việc làm này là vì mục đích hòa bình”.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan bác bỏ những chỉ trích này nhưng cũng khiển trách Nga cho công bố hoạt động của máy bay Nga ở Iran và mô tả động thái này của Moscow giống như sự khoe mẽ và “phản bội lòng tin”.
Ông Dehgan nói với hãng thông tấn Fars đêm 21/8: “Chúng tôi không giao bất kỳ căn cứ quân sự nào cho Nga và họ cũng không ở lại đây”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Iran, “không có văn bản thỏa thuận nào” giữa hai nước và sự hợp tác chỉ ở mức hạn chế và tạm thời.
Trước đó, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết: “Điều này thật không may, nhưng cũng không bất ngờ. Thực sự thì hành động này chỉ làm rắc rối thêm tình hình vốn đã rất phức tạp và dễ gây bất đồng”.
Theo ông Toner, việc Nga sử dụng căn cứ Hamadan của Iran có thể vi phạm nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, song không đồng nghĩa với việc ngăn cản Washington đạt thỏa thuận với Moscow về hợp tác chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Kết thúc đột ngột
Ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, việc Nga sử dụng căn cứ của Iran để phát động tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria đã kết thúc.
Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi: “Nga không có căn cứ ở Iran và không đóng quân tại đây. Hoạt động của Nga tại căn cứ này hiện đã kết thúc”.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran hồi tuần trước tuyên bố rằng, Nga sẽ được phép sử dụng cơ sở quân sự Nojeh gần thành phố Hamadan “miễn là họ cần”.
Trong khi cho rằng Iran từ lâu đã hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, một quan chức Mỹ nhận định, Tehran có thể không muốn công khai sự can dự của mình vào tình hình Syria, đặc biệt trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017.
“Iran không muốn gây sự chú ý bằng những động thái ồn ào. Họ chỉ không muốn cả thế giới biết rằng, họ đang góp phần vào cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria. Cuộc bầu cử đang đến gần, khoảng thời gian trước bầu cử luôn là thời điểm mà các chính khách rất cẩn trọng trong hành động”, vị quan chức giấu tên cho biết.
Quan hệ giữa Iran và Nga đang ở trong “tuần trăng mật” kéo dài và đã được nâng lên một cấp độ mới sau khi Nga quyết định chính thức can thiệp vào Syria theo lời đề nghị của Tổng thống Assad – đồng minh thân cận của chính quyền Tehran hồi tháng 9 năm ngoái.
Sau nhiều trì hoãn, cuối cùng Nga cũng đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran – đây là minh chứng cho sự hợp tác ngày càng bền chặt giữa hai nước, cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của Nga ở Trung Đông.
Thậm chí như để bù đắp cho sự chậm trễ, Nga còn đề nghị cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dehghan, Iran không mấy quan tâm đến đề nghị này vì Tehran đang phát triển hệ thống phòng thủ của riêng mình.
Hôm qua (22/8), Iran cho trình làng hệ thống phòng thủ tên lửa mới Bavar 373. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến đấu và cả tên lửa đạn đạo.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran cũng cho biết, Tehran thể hiện sự quan tâm đến việc mua các chiến đấu cơ Su-30 của Nga và cho đến nay đã “nhận được phản hồi tích cực” của Moscow.
Tuy nhiên, để ngăn chặn tham vọng củng cố năng lực phòng không của Iran, Mỹ cho biết sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn chặn khả năng các nước bán máy bay chiến đấu cho Iran.