Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinThời báo Hoàn cầu: Những chính sách đối lập của Đài Loan...

Thời báo Hoàn cầu: Những chính sách đối lập của Đài Loan với TQ

Chính sách về Biển Đông của chính quyền Đài Loan do bà Thái Anh Văn đứng đầu có nhiều điểm đối lập với Trung Quốc đại lục, khiến Bắc Kinh bất an.

Bà Thái Anh Văn (trái) thị sát cuộc tập trận ngày 25/8 của quân đội Đài Loan. (Ảnh: United Daily News)

Theo Phó Côn Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông của Đại học Hạ Môn, Trung Quốc, chính quyền đảng Dân tiến cầm quyền tại Đài Loan của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn chỉ coi các chính sách trong vấn đề Biển Đông là công cụ để thực hiện chiến lược “hướng Nam”, tạo cơ hội tham gia vào các vấn đề khu vực và hiện thực hóa mục tiêu “Đài Loan độc lập”.

Ông này phân tích trong bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu rằng, chính sách của đảng Dân tiến trong vấn đề Biển Đông đem lại những “nguy cơ tiềm tàng” đối với Trung Quốc đại lục.

Theo ông Phó, Đài Loan đang ngăn cản giao lưu, trao đổi học thuật trong vấn đề Biển Đông giữa hai bờ eo biển. Gần đây, chính quyền Thái Anh Văn đã đưa ra quy định mới, theo đó cấm các học giả đại lục đến Bảo tàng lịch sử Đài Bắc để tra cứu tài liệu.

Thứ hai, Đài Loan đã chủ động đề cập tới vụ kiện Biển Đông vừa qua giữa Philippines và Trung Quốc.

Chính quyền Thái Anh Văn tuyên bố “không loại trừ khả năng bảo lưu quyền tố tụng theo luật pháp quốc tế”, nhằm thể hiện sự khác biệt với lập trường “không chấp nhận, không thừa nhận” vụ kiện Biển Đông của chính quyền Mã Anh Cửu trước đây.

Theo điều 13 phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) thì các bên không tham gia Công ước, gồm các tổ chức quốc tế, thực thể chính trị, thực thể ngư nghiệp… đều có thể khởi kiện lên Tòa trọng tài.

Chính quyền Thái Anh Văn có thể lợi dụng phương thức này để “bảo vệ quyền lợi cho Đài Loan”, ông Phó bình luận.

Thứ ba, Bắc Kinh lo ngại Đài Loan thách thức các chính sách của Trung Quốc đại lục trong vấn đề Biển Đông.

Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan cho biết, nếu như Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, thì Đài Loan “sẽ không chấp nhận” và đáp trả bằng việc triển khai (trái phép) máy bay vận tải C-130 lên đảo Ba Bình mà không thông báo trước cho phía Trung Quốc.

Đảo Ba Bình, nằm ở quần đảo Trường Sa và thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp.

Do chính sách đối với Đài Loan, chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp với Ba Bình. Tuy nhiên, Phó Côn Thành “quan ngại”, Đài Loan sẽ tiếp tục bác bỏ những (cái gọi là) “bằng chứng lịch sử” mà Trung Quốc đưa ra để xuyên tạc chủ quyền đối với đảo Ba Bình.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh lo ngại Đài Loan nỗ lực tìm kiếm cơ hội tham gia các cơ chế đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông.

Theo ông Phó, mục tiêu của bà Thái Anh Văn là giảm thiểu mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Đài Loan vào Đại lục, thực hiện chính sách hướng Nam, “gây ra mâu thuẫn giữa hai bờ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới