Từ một nước ít lên tiếng và thường bày tỏ quan điểm trung lập về các tranh chấp Biển Đông, Singapore gần đây đã thể hiện rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn lập trường của họ trong vấn đề nhạy cảm này, khiến Trung Quốc phải nhiều phen “hậm hực” ra mặt.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Quan điểm độc lập của Singapore về Biển Đông
Phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong Thông điệp Quốc khánh trực tiếp trên truyền hình Singapore hôm 21-8-2016 chính là tuyên bố mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất từ trước đến nay của quốc đảo sư tử trong vấn đề Biển Đông, sự đoàn kết của ASEAN. Trước quốc dân và cộng đồng quốc tế, lãnh đạo Singapore dõng dạc tuyên bố: Nước Cộng hòa Singapore phải có lập trường kiên định và có nguyên tắc riêng của mình trong vấn đề Biển Đông, bất chấp áp lực từ các quốc gia khác.
Ông Lý Hiển Long khẳng định, mặc dù không có khiếu nại riêng ở Biển Đông, cũng không đứng về tuyên bố cụ thể của bên tranh chấp nào, nhưng Singapore vẫn có rất nhiều lợi ích ở 3 lĩnh vực: Luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và thống nhất trong ASEAN. Singapore phải hỗ trợ và phấn đấu cho một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” , phụ thuộc vào các cam kết và điều ước, bởi “nếu các quy tắc này không được tuân theo, những nước nhỏ như Singapore sẽ không có cơ hội sống sót”.
Ông Lý cũng nhấn mạnh, Biển Đông là một trong những “động mạch quan trọng” nối Singapore với thế giới, do đó việc giữ cho “tranh chấp Biển Đông không ảnh hưởng đến tự do hàng hải và tự do bay ngang bằng tàu hoặc máy bay” là rất quan trọng đối với nước này.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, mặc dù tiếng nói của Singapore trên trường quốc tế có trọng lượng hạn chế, nhưng tiếng nói của cả khối ASEAN có thể khiến nhiều người phải lắng nghe hơn – nếu như khối thực sự đoàn kết. Ông lưu ý rằng, ASEAN đã gặp khó khăn để có một lập trường chung rõ ràng về vấn đề Biển Đông, khi mà các thành viên của khối có lợi ích khác nhau. Chẳng hạn, Campuchia và Lào rất gần gũi với Trung Quốc, trong khi Philippines và Thái Lan là đồng minh hiệp ước của Mỹ. Bên cạnh đó, trong số các nước ASEAN, các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei là những quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông. “Nếu ASEAN không thể đối phó với một vấn đề lớn như thế này trước cửa nhà mình, trực tiếp ảnh hưởng đến các thành viên của khối, thì về lâu dài, nó sẽ đặt ASEAN vào tình trạng nghiêm trọng” và điều này là xấu cho Singapore và mọi thành viên ASEAN.
Với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc trong nhiệm kỳ đến tháng 8-2018, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore đã làm hết sức mình để “là một nhà môi giới trung thực, giao tiếp với tất cả các bên”, mặc dù mỗi bên đều muốn Singapore ngả về bên họ nhiều hơn.
Mối quan hệ tay ba Mỹ – Singapore – Trung Quốc
Đề cập đến mối quan hệ với các nước khác trên thế giới, đặc biệt với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, Thủ tướng Singapore khẳng định quốc đảo Đông Nam Á muốn có quan hệ tốt với các nước khác, nhưng cũng phải chuẩn bị cho những thăng trầm theo thời gian. Và trên hết, Chính phủ Singapore phải có lập trường quốc gia, quyết định những gì nằm trong lợi ích tổng thể của Singapore. Đó là danh tiếng mà Singapore có và phải mất một thời gian dài để xây dựng, cũng như phải rất cẩn trọng để duy trì, bảo vệ.
“Chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác, nhưng chúng tôi quyết định dựa trên những tính toán của riêng mình. Đó là những gì khiến chúng tôi đáng tin, tin cậy và giá trị với mọi người”, cho dù là các đối tác trong ASEAN, Mỹ và Trung Quốc.
Ông dẫn lại câu chuyện trong quá khứ, Singapore đã từng tuyên phạt đánh 6 roi cậu thiếu niên người Mỹ Michael Fay vì tội phá hoại xe hơi và tài sản công cộng hồi năm 1994. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ấy đã nỗ lực tác động để Fay không bị đánh. Chính quyền Singapore “nể tình” giảm xuống bốn roi nhưng vẫn nhất quyết thi hành bản án. Hay như Trung Quốc cũng có vài lần không hài lòng vì cảm thấy Singapore không quan tâm tới lợi ích của họ. Tuy nhiên, quan điểm của Singapore là thượng tôn pháp luật và đặt lợi ích, danh tiếng quốc gia lên trên hết.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, đối với Singapore, Trung Quốc và Mỹ đều là những người bạn tốt và sẽ dễ dàng hơn, nếu hai người bạn này của Singapore quan hệ tốt với nhau. Ông cũng tin rằng, “Thái Bình Dương đủ lớn để chứa cả hai cường quốc”.
Singapore vui khi thấy Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng trong một “tinh thần xây dựng và hòa bình” . Tình bạn của Singapore với Trung Quốc đã kéo dài nhiều thập niên và “rộng lớn hơn nhiều so với Biển Đông”. Nhưng Singapore cũng rất trân trọng “tình bạn ấm áp và sâu sắc” với Mỹ, được thể hiện qua chuyến thăm chính thức gần đây của ông Lý Hiển Long tới Washington.
“Chuyến thăm của tôi cũng là một dấu hiệu cho thấy Mỹ coi trọng bạn bè và đối tác của mình và đánh giá cao sự ủng hộ của Singapore cho vai trò mà Mỹ đã đóng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong hơn 70 năm kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Singapore hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục như vậy, ngay cả khi ảnh hưởng của Trung Quốc phát triển” – Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Phát biểu về Biển Đông của Thủ tướng Lý Hiển Long trong Thông điệp Quốc khánh dự kiến sẽ khiến Bắc Kinh không vui, nếu không muốn nói là có thể tức giận. Chỉ mới cách đây hơn một tuần, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã ngầm chỉ trích lập trường của Singapore trong vấn đề Biển Đông khi cho biết, Trung Quốc hy vọng Singapore sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc điều phối đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN và không can thiệp vào chuyện Biển Đông.
Gần đây Trung Quốc tỏ ra “rất khó chịu” với Singapore vì sự gần gũi với Mỹ và quan điểm của quốc đảo sư tử trong vấn đề Biển Đông.
Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, Singapore đã tuyên bố phán quyết là “sự khẳng định mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền trên biển. Bắc Kinh đáp trả bằng cách kêu gọi Singapore nên có “thái độ khách quan và công bằng”, trong vai trò người điều phối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
Trung Quốc tiếp tục khó chịu hơn nữa sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu tháng này là ông hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục hành động một cách tích cực ở Đông Nam Á. Ông Obama trả lời rằng Singapore và Mỹ là “các đối tác bền vững như bàn thạch”.
Trước đó, chính lãnh đạo Singapore đã gợi ý Mỹ xoay trục về châu Á và tăng cường quân sự nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tiết lộ thông tin trên trong một cuộc phỏng vấn của Straits Times hồi đầu tháng 8-2016.