Thực phẩm Trung Quốc không chỉ “mất giá” trên thị trường thế giới mà còn thua trận ngay trên sân nhà. Người dân nước này đang ngày càng quay lưng lại với hàng Trung Quốc và chuyển sang dùng thực phẩm ngoại nhập.
Ảnh minh họa.
Ngày nay, bất cứ là ăn một bát mỳ ngoài tiệm hay mua một thứ trái cây ở trong siêu thị, người Trung Quốc lúc nào cũng canh cánh nỗi lo ngộ độc, nhiễm bệnh bởi thực phẩm bẩn.
Có rất nhiều nguyên do dẫn đến việc đó từ việc ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước đến việc quản lý thị trường lỏng lẻo hay tình trạng suy thoái đạo đức kinh doanh nói riêng và đạo đức xã hội nói chung ở Trung Quốc.
Ô nhiễm nguồn đất
Năm 2014, một công trình nghiên cứu cho thấy, có trên 19% đất trồng trọt tại Trung Quốc bị nhiễm các chất độc hoá học có thể gây ung thư và khuyết tật thai nhi như catmi, kẽm và arsen.
Tháng 5 vừa qua, Quốc Vụ viện Trung Quốc cũng thông qua một bản kế hoạch hành động nhằm đưa 90% đất trồng trọt bị ô nhiễm trở lại an toàn trong vòng 4 năm tới.
Lâu nay, ô nhiễm đất luôn là vấn đề khiến nhiều người Trung Quốc lo ngại. Dự kiến kinh phí cho chiến dịch làm sạch đất ô nhiễm có thể lên tới 760 tỉ USD, theo Reuters.
Dù vậy, các tổ chức quốc tế như Greenpeace (Hoà Bình Xanh) tỏ ra nghi ngờ về các kế hoạch làm sạch đầy hoài bão này của Trung Quốc bởi chính quyền địa phương ở nước này thiếu năng lực và chuyên môn để thực hiện.
Các nhà phân tích ước tính thị trường tẩy độc đất có thể trị giá đến 154 tỉ USD nếu các công ty tư nhân được phép thực hiện việc này, nhưng nhà chức trách Trung Quốc vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm xem ai là người trả tiền.
Phần lớn các khu vực bị nhiễm độc nặng lại là các vùng nghèo của Trung Quốc, vì vậy chính quyền địa phương khó có thể gánh nổi chi phí tẩy độc đất.
Ô nhiễm nguồn nước
Không chỉ trong đất, các nguồn nước ở Trung Quốc cũng chứa đầy kim loại nặng như chì, cadmium, những hóa chất và nước thải công nghiệp.
Những kim loại nặng như cadmium, chì và thạch tín gây ô nhiễm nguồn nước và đất ở Trung Quốc vẫn được dùng để tưới tiêu cho cây quả.
Năm 2011, các báo cáo đã chỉ rõ, hơn một nửa các hồ lớn và các hồ chứa của Trung Quốc đã quá ô nhiễm và không còn sử dụng được nữa. Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc công bố vào tháng 04/2015 cho thấy 16% nước lấy mẫu có chất lượng “rất kém”.
Thực phẩm dán mác hữu cơ cũng không an toàn
Tổ chức Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) thường xuyên từ chối những lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do do chúng đều là đồ độc hại ngấm đủ loại phụ gia không an toàn, dư lượng thuốc thú y và được dán nhãn sai lệch.
Trong năm 2007, thức ăn nhiễm melamine của Trung Quốc đã giết chết hàng ngàn thú cưng như chó và mèo ở Mỹ, theo Epoch Times.
Do các sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn, các nhà cung ứng thực phẩm có thể gian lận dán nhãn “hữu cơ” trên sản phẩm của mình để lừa dối khách hàng, thu thêm lợi nhuận bất chính.
Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, có tới 9 trong trong tổng số 23 trường hợp gian lận giấy chứng nhận hữu cơ tại Mỹ từ tháng 02/2011 đến tháng 06/2013 là thuộc về các công ty của Trung Quốc.
Vấn đề tham nhũng
Ở Trung Quốc tồn tại một mạng lưới phức tạp các mối quan hệ của các nhóm lợi ích. Tình trạng tham nhũng rất phổ biến. Những đường dây hối lộ vươn ra gắn kết từ hệ thống tòa án, chủ doanh nghiệp và quan chức chính phủ.
Tình trạng hối lộ để được cấp giấy phép là rất phổ biến. Đồng tiền không khác gì bình phong che đậy những hành vi trái đạo lý và pháp luật.