Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao Philippines trước sau không như một với TQ về biển...

Vì sao Philippines trước sau không như một với TQ về biển Đông?

Tổng thống Philippies Duterte phát ngôn tiền hậu bất nhất với Trung Quốc về biển Đông do sức ép từ Mỹ – Nhật và đây chỉ là đối phó mang tính tạm thời, Hoàn Cầu lý giải.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: Reuters/VCG)

Tiền hậu bất nhất?

Ngày 23/8, phát biểu tại dinh tổng thống ở Manila, Tổng thống Philippines Duterte nói rằng ông chờ đợi cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp biển Đông sẽ diễn ra trong năm.

Ông Duterte cũng nói nước này không có ý định nêu phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7 tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 9 tại Vientiane, Lào, nhưng nói thêm rằng: “Nếu một ai đó nêu vấn đề, chúng tôi sẽ thảo luận. Đối với Philippines chúng tôi hi vọng tiến hành đối thoại”.

“Nếu đàm phán chính thức giữa Philippines với Trung Quốc thất bại thì ‘chúng tôi biết đi về đâu?'”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên đến ngày 24/8, tổng thống Philipines bất ngờ cảnh báo “sẽ đến lúc phải ‘thanh toán’ với Bắc Kinh nếu không có giải pháp nào cho các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông”.

“Tôi cam đoan, nếu các anh Trung Quốc vào đây thì giao tranh sẽ rất đẫm máu. Chúng tôi sẽ không dễ dàng nhượng bộ. Các binh lính và thậm chí cả tôi sẽ sẵn sàng hy sinh thân mình”, ông Duterte phát biểu trước các binh sĩ tại một doanh trại quân đội.

Theo giới quan sát kể từ khi nhậm chức, đây là lần đầu tiên ông Duterte thể hiện thái độ khiêu khích nhất với Trung Quốc.

“Thả bóng thăm dò phản ứng của Trung Quốc”

Trả lời Thời báo Hoàn Cầu, nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho biết:

“Thái độ của ông Duterte khi mềm mỏng khi cứng rắn, nhưng nếu phân tích kỹ lưỡng sự mâu thuẫn trong câu nói, thực tế là một sự thống nhất.

Ông Duterte thông qua thái độ này để thả bóng, thăm dò phản ứng của đối phương và đạt được lợi ích mà Philippines mong muốn”.

Hứa cho rằng, mong muốn đối thoại tích cực của Duterte đối với Bắc Kinh đã vô cùng rõ ràng và Manila cũng không hy vọng vấn đề biển Đông sẽ quốc tế hóa, phức tạp hóa.

“Những sự đối đầu sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích cho quan hệ Bắc Kinh – Manila ngược lại sẽ làm giảm sự tin cậy chính trị lẫn nhau”, Hứa nhấn mạnh.

Hoàn Cầu dẫn lời Tiến sĩ Dan Steinbock – chuyên gia về thế giới đa cực mới, khách mời tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (SIIS) – đánh giá, hiện tại Philippines đã lựa chọn hướng hợp tác với Trung Quốc.

Theo ông, hai nước hi vọng phát triển các cuộc đối thoại để giảm bớt ảnh hưởng của địa chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại.

Ông Hứa Lợi Bình cũng đồng quan điểm: “Do Duterte hiểu rất rõ ‘giới hạn cuối cùng’ của Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông nên nhận rõ bản chất của vấn đề biển Đông”.

Học giả Trung Quốc: Duterte hành động “trái ý muốn” vì Mỹ, Nhật

Theo học giả Hứa Lợi Bình, phát ngôn tưởng chừng mâu thuẫn của Duterte thực chất nhằm gây thêm sức ép cho Nhật – Mỹ về vấn đề an ninh và biển Đông.

Do ông Duterte mới nhậm chức nên nền tảng quyền lực chưa ổn định, lại đối diện với lực lượng chống đối trong nước, trong khi Nhật và Mỹ là những đồng minh có ảnh hưởng cực lớn đến quân sự và kinh tế của Philippines.

“Tiến hành đối thoại với Trung Quốc mới là chủ trương Duterte duy trì. Ông ấy đang cố gắng thay đổi chính sách ‘không đối thoại với Trung Quốc’ của người tiền nhiệm Benigno Aquino III”, Hứa nhận định.

Ông Hứa gọi chính sách của cựu tổng thống Benigno Aquino là “hành động đơn phương” và chỉ trích chính hành động này đã khiến vấn đề biển Đông “không ngừng quốc tế hóa, phức tạp hóa”.

“‘Hành động đơn phương’ của người tiền nhiệm khiến lợi ích quốc gia của Philippines không ngừng tổn hại.

Cho nên, từ khi tranh cử đến khi nhậm chức, Duterte luôn hy vọng thay đổi chiến dịch ngoại giao này nhằm tiến hành đối thoại với Trung Quốc. Bởi vì chỉ có như vậy mới phù hợp với lợi ích quốc gia Philipines”, Hứa nói.

Trên thực tế, nhận định này không thực sự chính xác, bởi trong giai đoạn tranh cử, ông Duterte đã có một số tuyên bố rất cứng rắn, như “sẵn sàng ra trận” hay “lên cắm cờ ở bãi cạn Scarborough”, khiến dư luận tin rằng đó là thái độ chủ yếu của ông đối với Bắc Kinh.

Theo Hoàn Cầu, ông Duterte thể hiện thái độ như vậy do chịu sức ép từ Nhật – Mỹ. Để giữ vững vị thế và có thể tiến hành đối thoại với Bắc Kinh, Duterte không thể không tạm thời “nói điều trái với mong muốn” để công kích Bắc Kinh.

“Không cần nói đến thực lực không đủ sức ‘thanh toán’ Trung Quốc, chỉ cần xét từ góc độ tổn hại lợi ích quốc gia do chích sách của Aquino thì ông Duterte sẽ không chọn lại con đường của người tiền nhiệm”, tờ này nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới