Sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại thủ đô Vientiane, Lào vào đầu tháng 9 này được dư luận quan tâm.
Bởi đây là chuyến thăm lịch sử đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Lào và ông Barack Obama sẽ hội đàm, thảo luận với lãnh đạo các nước ASEAN, cũng như lãnh đạo các quốc gia ngoài ASEAN. Còn tờ Manila Times vừa dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông sẽ không đưa vấn đề Biển Đông ra các cuộc họp cấp cao ASEAN, bởi nó sẽ là trọng tâm trong các cuộc thảo luận song phương đã được lên kế hoạch giữa Bắc Kinh và Manila. Việc này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào ngày 4 và 5-9 tại thành phố Hàng Châu và Bắc Kinh không muốn ASEAN ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài.
Không chấp nhận hành động tay sai
Ngày 24-8, tờ The Cambodia Daily đưa tin, Quốc hội Campuchia sẽ kiến nghị ASEAN loại bỏ các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông khỏi nội dung dự thảo tuyên bố chung của khối trong cuộc họp tại Vientiane. Việc này đã được Nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP), ông Cheam Yeap xác nhận. Theo đó, Quốc hội Campuchia sẽ yêu cầu người đứng đầu Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) loại bỏ các nội dung liên quan đến Biển Đông khỏi dự thảo tuyên bố chung của AIPA. Ông Cheam Yeap cũng ủng hộ lập trường của Thủ tướng Hun Sen trong vấn đề Biển Đông. Tuyên bố của ông Cheam Yeap khiến dư luận bất bình bởi nếu Campuchia muốn gạt “tất cả các nội dung liên quan đến Biển Đông” khỏi dự thảo tuyên bố chung của khối, đồng nghĩa với việc phủ nhận tất cả những nhận thức chung mà ASEAN đã đạt được về Biển Đông trước phán quyết hôm 12-7 của Tòa Trọng tài. Tờ The Cambodia Daily đã dẫn lời của Giáo sư Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, nếu Campuchia tiếp tục hành động như tay sai cho lợi ích của Trung Quốc, làm tổn hại đến việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thì ASEAN nên xem xét thay đổi nguyên tắc đồng thuận thành nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Nếu Campuchia tiếp tục cản trở các cuộc họp, cần cảnh báo rằng, tư cách thành viên ASEAN của họ có thể bị quản chế, đình chỉ hoặc thu hồi.
Ngày 22-8, tại Jakarta, Indonesia đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Vấn đề an ninh hàng hải khu vực châu Á: Thách thức và cơ hội cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”. Theo các học giả, các quốc gia cần tuân thủ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để giải quyết các thách thức an ninh trên biển hiện nay, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Thứ trưởng Bộ Điều phối Hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia Arif Havas Oegroseno cho rằng, các nước ASEAN có tranh chấp trên Biển Đông, cần đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, cần đưa ra được cam kết rõ ràng về các động thái và cách hành xử trên biển.
Học giả Lý Lệnh Hoa đưa ra cảnh báo sau tuyên bố hôm 16-8 của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Phong. Bởi theo ông Lưu Phong, Biển Đông đã hạ nhiệt là không phù hợp với thực tế và quan điểm của nhà nghiên cứu này giống với ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông do Bắc Kinh thành lập và đặt tại đảo Hải Nam. Nhiều học giả và chuyên gia khuyến cáo, phải tỉnh táo trước những “đột phá của Trung Quốc”. Bởi mỗi khi Bắc Kinh tuyên bố “có bước đột phá”, bản chất sự việc diễn ra không như vậy. Tại cuộc họp giữa quan chức cấp cao của Bắc Kinh với ASEAN ở Nội Mông mới đây đã thông qua nguyên tắc về đường dây nóng cho các tình huống khẩn cấp hàng hải, tuyên bố chung về áp dụng Quy tắc cho các va chạm bất ngờ trên biển (CUES) và hoàn tất dự thảo khuôn khổ cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017.
Tàu đệm khí Trung Quốc tham gia tập trận đổ bộ ở Biển Đông |
Ngoại giao kém cỏi
Tờ báo Tài Tấn của Đài Loan vừa đăng bài bình luận của tác giả Cao Đạt Mỹ, nói về những thất bại trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời gian gần đây và Ngoại trưởng Vương Nghị là người phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Theo tác giả Cao Đạt Mỹ, việc Mỹ chuẩn bị lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc là thất bại thứ nhất. Tiếp đến là phán quyết của Tòa Trọng tài đối với “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Tờ Foreign Policy cho rằng, thất bại của Trung Quốc trong vụ kiện “đường lưỡi bò” là đòn đau trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, tạo cơ hội để Mỹ quay trở lại châu Á.
Giới phân tích cũng cảnh báo về kiểu phản ứng “nước đôi” của Bắc Kinh sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Ngày 17-8, tờ National Interest đăng bài phân tích của Joel Wuthnow, chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu quân đội Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ (NDU), trong đó phân tích phản ứng “nước đôi” của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa Trọng tài. Và đây là hành động nhỏ trong chiến lược cân bằng lớn mà Bắc Kinh đang áp dụng ở Biển Đông. Theo tờ The Diplomat, trong khi tuyên bố “Năm hợp tác hàng hải ASEAN – Trung Quốc”, nhưng Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh hoạt động bồi đắp trái phép, tiếp tục xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng và cản trở việc đàm phán COC. Tờ The Diplomat cho rằng, thách thức cơ bản ở Biển Đông không phải là thiếu luật hoặc cơ chế xử lý khủng hoảng, mà là sự trỗi dậy quyết đoán và táo bạo của Trung Quốc muốn thay đổi thực trạng theo hướng có lợi cho họ và sẵn sàng phá luật, gây nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Do đó, đường dây nóng hay quy tắc ứng xử đều vô dụng nếu Bắc Kinh không thay đổi.
Tiến sĩ Pierre Journoud, Giáo sư môn Lịch sử đương đại thuộc Trường Đại học Paul-Valery Montpellier 3 và là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp cho rằng, sau phán quyết của Tòa Trọng tài, các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cần tiếp tục ngồi lại với nhau để đàm phán và đây sẽ là những cuộc đàm phán kéo dài để tránh kịch bản xung đột và chiến tranh. Đồng thời nhấn mạnh, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ không làm thay đổi cơ bản tình hình, bởi tranh chấp chủ quyền trên các đảo nhỏ, và bãi đá ngầm ở Biển Đông là vấn đề nằm trong bức tranh toàn cảnh địa – chính trị rộng lớn hơn nhiều.
Tập trận để phô trương
Theo tờ PLA Daily, hải quân Trung Quốc đã tập trận trong vùng biển Nhật Bản, nơi được coi là ranh giới của nhiều nước Đông Bắc Á. Và một số tàu tham gia lần này vừa mới hoàn tất cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC 2016 do Mỹ tổ chức. Tân Hoa xã cho biết, nhiều máy bay nước ngoài cố theo dõi cuộc tập trận nhưng đã gặp phải “phản ứng thích hợp” từ các tàu chiến của Trung Quốc. Biển Nhật Bản là tuyến đường thủy chiến lược giáp Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Điều đáng nói là vừa kết thúc tập trận đổ bộ ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc lập tức tập trận tại vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Tờ Hoàn Cầu thời báo khoe rằng, Hạm đội Nam Hải điều tàu đệm khí diễn tập đổ bộ đột kích tấn công cách xa bờ hàng trăm hải lý, không phải chỉ vài hải lý như các cuộc diễn tập thông thường. Hãng Reuters cho rằng, hải quân Trung Quốc ngày càng có xu hướng tập trận ở vùng biển xa nhằm “trau dồi khả năng hoạt động của quân đội”.
Tờ PLA Daily cũng cho biết, Bắc Kinh vừa hoàn thành việc huấn luyện cho nhóm phi công tàu sân bay có số lượng lớn nhất sau 3 năm đào tạo. Và 16 phi công tiêm kích J-15 đã được Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh Hải quân Trung Quốc Đinh Nghị trao chứng chỉ tốt nghiệp khóa huấn luyện chuyên sâu kéo dài 3 năm, đặc biệt là cất và hạ cánh vào ban đêm. Giới chuyên gia hải quân cho rằng, nhóm phi công mới tốt nghiệp kể trên có thể giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng phi đội chiến đấu cơ trên tàu sân bay Type 001A, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), từ ngày 22 đến 24-8, một đơn vị hải cảnh của Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ (nằm giữa đảo Hải Nam và vùng biển phía bắc Việt Nam). Cũng từ ngày 22-8, Đài Loan bắt đầu tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất từ trước đến nay (kéo dài trong 5 ngày), với kịch bản đối phó với nguy cơ bị Trung Quốc tấn công. Cuộc tập trận diễn ra với sự tham gia của 3 quân chủng tại đảo Bành Hồ, đảo Kim Môn và những nơi được đánh giá có thể là trọng điểm tấn công của quân đội Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, 18 quân đoàn, với quân số khoảng 30.000-100.000 người mỗi quân đoàn, sẽ được tái tổ chức thành 25-30 sư đoàn theo mô hình Mỹ để trở thành một lực lượng tác chiến tinh gọn, phản ứng linh hoạt hơn. Theo mô hình tổ chức mới, các sư đoàn sẽ nhận chỉ thị từ Bộ Tư lệnh chiến lược khu liên quan, nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Sở Chỉ huy Liên quân trực thuộc Quân ủy Trung ương. Việc cải tổ lục quân là một phần trong chiến dịch cải tổ quân đội quy mô lớn do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khởi xướng. Theo đó, Trung Quốc đã giải thể 4 Bộ Tư lệnh, thành lập 15 cơ quan mới. 7 quân khu được tái tổ chức thành 5 chiến lược khu. Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc 2015 từng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc xây dựng các đơn vị theo kiểu Mỹ – đa chức năng, quy mô nhỏ để đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trong các chiến dịch hiệp đồng.