Thủ tướng Singapore có thể sẽ rời nhiệm sở khi cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo tại Singapore có kết quả, bởi đó là điều ông Lý Hiển Long chờ đợi nhất.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: pap.org.sg.
Việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phải dừng lại bài phát biểu trước quốc dân được truyền hình trực tiếp trong ngày Quốc khánh lấn thứ 51 vì bị xỉu ngay tại bục phát biểu, khiến cho dư luận đặt ra nhiểu câu hỏi về sức khoẻ của ông.
Nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long sau đó ít phút đã quay trở lại diễn đàn để hoàn tất bài phát biểu của mình thì lại khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi đáng quan tâm hơn.
Phải chăng chỉ vì ngài Thủ tướng không muốn người dân mất vui trong Ngày Độc lập? Hay ông Lý Hiển Long chỉ vì không muốn người dân và chính quyền quá lo lắng mà có thể gây bất ổn cho Singapore?
Cá nhân người viết cho rằng, ông Lý Hiển Long quay trở lại diễn đàn để quyết hoàn tất bài phát biểu mang một ý nghĩa quan trọng khác. Nó cho thấy đảo quốc sư tử đã chuẩn bị cho một sự thay đổi thế hệ lãnh đạo – thế hệ lãnh đạo thứ tư sẽ nắm quyền điều hành đất nước.
Có thể nhận diện, việc chuyển giao quyền lực đã được ông Lý Hiển Long chuẩn bị xong và chỉ còn chờ ngày gửi gắm cho người kế nhiệm. Vì vậy, có thể ông Lý Hiển Long không muốn kết thúc trong dang dở bài phát biểu trên cương vị Thủ tướng.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã hoàn tất vai trò của mình
Cho đến lúc này có thể thấy rằng, ông Lý Hiển Long đã hoàn thành xuất sắc vai trò Thủ tướng chính phủ Singapore. Thành quả mà ông mang lại cho đất nước Singapore là hiệu ứng phát triển tích cực trong cả kinh tế, chính trị, xã hội và quan hệ đối ngoại.
Ông Lý Hiển Long đã giúp đưa nền kinh tế Singapore thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu năm 2008 một cách an toàn nhất.
Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vì nền kinh tế Singapore gần như phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế thương mại và dịch vụ.
Theo cia.gov, kinh tế công nghiệp đóng góp chưa tới 15% GDP của đất nước Singapore, còn kinh tế nông nghiệp thì gần như là con số không. Nền kinh tế Singapore phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào việc khai thác nguồn lực từ các đối tác.
Trong khi đó, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu đã khiến cho rất nhiều đối tác của Singapore rơi vào cảnh suy thoái, trì trệ. Điều đó khiến cho nguồn lực phát triển của kinh tế Singapore bị suy giảm nghiêm trọng.
Chính phủ Thủ tướng Lý Hiển Long đã giảm tối đa tác động tiêu cực bởi suy thoái kinh tế toàn cầu tới kinh tế nước này. Kinh tế Singapore vẫn tăng trưởng đều đặn.
Và quan trọng nhất là đất nước Singapore không phải đánh đổi lợi ích cho tăng trưởng như nhiều nước khác. Ngược lại, trong khủng hoảng chính phủ Thủ tướng Lý Hiển Long đã xây dựng được cơ chế biến Singapore trở thành một trong những nơi đáng sống nhất hành tinh.
Sinh thời, nhà lập quốc Lý Quang Diệu đã nhận diện sự phát triển Singapore sẽ đến lúc tao ra sự lệch pha giữa cơ chế quản lý kinh tế với thể chế chinh trị.
Sự lệch pha đó sẽ phát triển thành mâu thuẫn giữa lực lượng cầm quyền và những người bất đồng chính kiến.
Tầm nhìn vượt thời đại của ông Lý Quang Diệu về việc hình thành lực lượng đối lập chính trị tại đảo quốc sư tử đã thành hiện thực.
Điều đó có thể gây lãng phí tài năng – tài nguyên duy nhất mà Singapore có được, nếu không có quy chế đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ ấy.
Vì vậy, ngay từ năm 1984 cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đề nghị xem xét chế độ đặc biệt cho lực lượng đối lập tại Singapore.
Tuy nhiên, trong những năm nắm quyền cuối cùng của ông Lý Quang Diệu và cả thời kỳ nắm quyền của ông Ngô Tác Đống, điều ấy chưa trở thành hiện thực.
Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc khoá 13, Thủ tướng Lý Hiển Long đã chính thức đề xuất quy chế số ghế tối thiểu cho lực lượng đối lập tại Quốc hội nước này.
Điều đó khiến cho tiếng nói của lực lượng chính trị đối lập tại Singapore có giá trị lớn hơn trong chính sách của chính phủ.
Có thể thấy rằng, quy chế tuyên thệ trung thành với Tổ quốc cho tất cả Nghị sĩ Quốc hội trước khi nhận nhiệm vụ, và quy chế về số ghế tối thiểu cho lực lượng đối lập, được xem là đóng góp quan trọng nhất của Nhà nước Singapore cho nền văn minh nhân loại, trong lĩnh vực chính trị.
Tại Singapore, vận mệnh gia tộc Lý Quang Diệu gần như gắn liền với vận mệnh quốc gia.
Vì vậy mọi ứng xử trong gia tộc này được xem là hình mẫu trong “đối nhân xử thế” cho người dân tại đảo quốc này.
Điều đó đã được ông Lý Quang Diệu đặt nền móng ngay từ thời lập quốc.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã chọn phát triển đất nước dựa trên nền tảng giáo dục gia đình gắn liền với xã hội, đảm bảo giá trị nhân văn cho những hành xử, ứng xử trong xã hội.
Bởi lẽ, gia đình là tế bào của xã hội, và gia đình cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự nhân văn của con người.
Thủ tướng Lý Quang Diệu đã về cõi vĩnh hằng, nhưng các con ông ngày hôm nay vẫn giữ được truyến thống của nền tảng giáo dục gia đình gắn liền với xã hội mà ông để lại.
Cuộc tranh luận giữa anh em ông Lý Hiển Long về việc tổ chức giỗ đầu ông Lý Quang Diệu đã thể hiện rõ điều ấy.
Trước thực trạng đất nước Singapore nghèo khó và người Hoa chiếm hơn 2/3 dân số khi tuyên bố độc lập, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nhận diện hai đối tác quan trọng nhất trong chiến lược đối ngoại của Nhà nước Singapore sẽ là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Với thành quả của Bretton Woods làm hồi sinh cả Châu Âu một cách nhanh chóng, nhà lập quốc Singapore đã chọn bang giao với Hoa Kỳ ngay sau ngày độc lập.
Đó là lựa chọn chính xác vì lợi ích có được từ quan hệ Hoa Kỳ là đóng góp quan trọng nhất giúp Singapore hoá rồng.
Cố Thủ tướng Singapore đã dự báo sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thế kỷ 21 nên ông quyết hoàn tất kết nối bang giao với quốc gia khổng lồ này, chỉ vài tháng trước khi ông rời bỏ quyền lực.
Những quyết định của ông Lý Quang Diệu luôn thế hiện một tầm nhìn chuẩn xác.
Thủ tướng Lý Hiển Long hiện nay đã giúp biến Singapore là nơi cạnh tranh lợi ích của Hoa Kỳ và Trung Quốc như ý nguyện của cha ông.
Khi Singapore có cơ chế phát huy tối đa nguồn lực con người, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài thì đảo quốc này sẽ tránh được thiệt hại bởi cạnh tranh nước lớn.
Như vậy là từ kinh tế, chính trị, xã hội và quan hệ đối ngoại của đất nước Singapore dưới thời nắm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát triển đúng định hướng của các bậc tiền bối.
Chính phủ Lý Hiển Long đã giúp khai tác tốt nhất lợi ích cho người dân và đất nước Singapore.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã chuẩn bị xong quá trình chuyển giao quyền lực
Cũng như kế thừa những thành quả của các bậc tiền bối, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng chuẩn bị cho thế hệ kế nhiệm những giá trị cốt lõi cho sự phát triển cả về kinh tế, chính trị, xã hội và quan hệ đối ngoại cho Singapore trong thời kỳ mới.
Singapore đang bước vào giai đoạn phát triển quốc gia thông minh, cho nên dù nền tảng phát triển không thay đổi, nhưng cơ chế vận hành thì phải hiệu chỉnh cho phù hợp yêu cầu phát huy nội lực kết hợp với nguồn lực bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước.
Người viết cho rằng, việc xây dựng cơ chế đối tác Chính phủ – Doanh nghiệp được xem là chính sách quan trọng nhất của chính phủ Thủ tướng Lý Hiển Long.
Chính nó tạo ra lợi ích và giúp Singapore khai thác hiệu quả nguồn lực từ các thực thể kinh tế cả trong và ngoài nước.
Chính phủ tồn tại nhờ đóng góp của hệ thống doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển nhờ chính sách của chính phủ.
Đó chính là bản chất của quan hệ đối tác ràng buộc về trách nhiệm, chia sẻ về lợi ích giữa Chính phủ và Doanh nghiệp.
Cơ chế này sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho đất nước.
Bên cạnh đó, trong một xã hội đa sắc tộc, quyền lợi của các cộng đồng dân cư sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vào số dân của các cộng đồng trong cơ cấu dân số của Singapore.
Điều đó đã bắt đầu phôi thai sự bất ổn trong lòng xã hội Singapore, khi gần đây cộng đồng người Hoa đã thể hiện “đặc quyền” so với những cộng đồng thiểu số khác.
Để giải quyết vấn đề đó, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp nhằm tạo ra cơ chế thích hợp cho việc bầu chọn Tổng thống là người của các sắc tộc thiểu số, chứ không chỉ xoay quanh cộng đồng người Hoa, Malaysia hay Ấn Độ.
Khi một Tổng thống là người thuộc các cộng đồng lớn thì thường quyền lợi của những sắc tộc thiểu số bị hạn chế. Nhưng khi Tổng thống là người thuộc các sắc tộc thiểu số thì quyền lợi sẽ ngang bằng hơn, bởi chiếc ghế Tổng thống sẽ không vững vàng nếu các cộng đồng lớn bất bình.
Như vậy là, với cả ba định chế quan trọng của thể chế chính trị Singapore là Quốc hội, Tổng thổng, Chính phủ đều được Thủ tướng Lý Hiển Long tạo ra những cơ chế đảm bảo sự công bằng giữa các cộng động dân cư, nhằm ổn định xã hội – điều kiện quan trọng nhất cho phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực đối ngoại thì chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ sau 31 năm của một Thủ tướng Singapore đã đưa ông Lý Hiển Long bước vào ngôi nhà của những chính trị gia xuất sắc Châu Á.
Ông Lý Hiển Long đã đưa Singapore vượt tầm của “nước nhỏ” ra toàn cầu.
Dù TPP là nơi tranh chấp lợi ích giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng ông Lý Hiển Long vẫn chọn cứu Hiệp ước thương mại thế kỷ này, bởi chính phủ của ông đã xây dựng được cơ chế khai thác lợi ích của cả hai nền kinh tế khổng lồ, dù có cạnh tranh hay xung đột.
Có thể thấy rằng, ông Lý Hiển Long đã chọn hoàn thiện cơ chế để đảm bảo sự phát triển ổn định cho đất nước Singapore.
Bởi lẽ, cơ chế vừa là mũi tên có thể nhắm vào nhiều đích, đồng thời cơ chế cũng là tấm khiên đỡ tốt nhất trước mọi mũi tên nguy hại hướng vào Singapore.
Do vậy, việc ai kế nhiệm ông Lý Hiển Long không còn quá quan trọng và đó là sự khác biệt lớn nhất của việc chuyển giao quyền lực lần này.
Người kế nhiệm ông Lý Hiển Long được cho hoặc sẽ là Phó Thủ tướng Teo Chee Hean, hoặc sẽ là Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat.
Việc người kế nhiệm không quan trọng nên quan trọng là thời điểm chuyển giao quyền lực.
Ông Lý Quang Diệu rời ghế Thủ tướng năm 67 tuổi, ông Ngô Tác Đống nhường ghế cho Lý Hiển Long khi ở tuổi 64.
Nay ông Lý Hiển Long đã 64 tuổi, do vậy việc ông rời ghế Thủ tướng Singapore có thể diễn ra trong thời gian chỉ còn tính bằng tháng mà thôi.
Người viết cho rằng, Thủ tướng Singapore có thể sẽ rời nhiệm sở khi cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo tại Singapore có kết quả, bởi đó là điều ông Lý Hiển Long chờ đợi nhất trong việc tạo ra một sự thay đổi lớn nhất trong hệ thống chính trị của Cộng hoà Singapore.
Trong bài phát biểu nhân Quốc khánh lần thứ 51 của Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, mọi kế hoạch phát triển đất nước trong tương lai chỉ có thể được triển khai có hiệu quả khi tại Singapore có một chế độ chính trị tốt, lực lượng cầm quyền được nhân dân gửi niềm tin và trao quyền lực.
Và có thể nhận diện, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tạo ra những cơ chế thích hợp nhất trong việc xây dựng một chế độ chính trị hợp lòng dân tại Singapore.
Điều đó đảm bảo cho thành quả của đất nước Singapore sẽ luôn gìn giữ và ông Lý Hiển Long hoàn toàn thanh thản khi rời khỏi chính trường.