Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinDân Nhật muốn Chính phủ cứng rắn hơn với TQ

Dân Nhật muốn Chính phủ cứng rắn hơn với TQ

Theo kết quả thăm dò ý kiến do nhật báo Nikkei phối hợp với kênh truyền hình TV Tokyo tiến hành từ hôm 26 – 28/8, khoảng 55% người Nhật cho rằng chính phủ nên có một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc – nước gần đây thường cho tàu xâm nhập bất hợp pháp vào vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vào vùng lãnh hải Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày 6/8/2016.

Đáng lưu ý, trong số những người ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền củaThủ tướng Shinzo Abe, 63% muốn có một phản ứng mạnh mẽ hơn từ Nhật Bản. Nhưng đa số người ủng hộ liên minh giữa Đảng Công Minh (Komeito) và Đảng Dân chủ đối lập lại ủng hộ việc tăng cường đối thoại với Bắc Kinh.

Ngoài ra, kết quả cuộc thăm dò ý kiến trên cũng cho thấy, số người ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Abe đã tăng 4% so với cuộc thăm dò tiến hành từ ngày 9 – 11/8, lên 62%. Số người không ủng hộ giảm 5% xuống còn 27%.

Tình hình tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc gần đây đang có dấu hiệu gia tăng căng thẳng. Từ đầu tháng 8, Trung Quốc đã nhiều lần điều các tàu tuần duyên xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Việc cho tàu đi qua vùng nước đang do Nhật kiểm soát dường như đã trở thành thường xuyên với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối liên tục, mạnh mẽ của Nhật Bản.

Hai bên cũng có những động thái quân sự đáng chú ý.

Hôm 18/8, Hải quân Trung Quốc cũng vừa tổ chức một cuộc tập trận đối đầu quy mô lớn ở vùng biển Nhật Bản.

Mặc dù các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc nói rằng, cuộc thao dượt quân sự của họ là hoạt động bình thường, nhằm tăng cường sức mạnh hải quân ở vùng biển cách xa duyên hải Trung Quốc, nhưng giới quan sát vẫn cho đây là một động thái bất thường, nhằm “nắn gân” Tokyo ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong khi đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngày 28/8 cũng tổ chức tập trận tái chiếm đảo quy mô lớn, kết hợp các lực lượng trên không, trên biển và mặt đất và bắn đạn thật.

Nhật báo Nikkei nhận định, cuộc tập trận với nội dung chiếm lại hòn đảo xa bờ bị đối phương đánh chiếm, thể hiện ý đồ cảnh báo Trung Quốc sau hàng loạt vụ các tàu nước này xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngưtranh chấp.

Hiện hai nước đang cố thu xếp một cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra vào đầu tháng 9 tới tại Hàng Châu, Trung Quốc, với hi vọng giảm nhiệt căng thẳng.

RELATED ARTICLES

Tin mới