Thursday, April 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ có thể thất bại ngay trên sân nhà trước thềm G20

TQ có thể thất bại ngay trên sân nhà trước thềm G20

G20 liệu có đi đúng hướng như Trung Quốc mong muốn và nỗ lực xoay chiều suốt thời gian qua?

 

Công tác chuẩn bị cho G20 đã được thực hiện từ nhiều tháng nay.

Đóng cửa nhà máy, khuyến khích dân đi nghỉ mát 

Giữ vai trò chủ trì trong thượng đỉnh G20 lần này, Trung Quốc hi vọng có thể khẳng định vai trò cường quốc của mình.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đề cao quan điểm, rằng G20 là dịp để Trung Quốc thể hiện vai trò dẫn đầu trong việc định hình các nguyên tắc quản lý toàn cầu và tiến về phía trước với sự tăng trưởng bền vững. Nhân dân Nhật báo còn cho rằng: Đây có thể là một trong những hội nghị G20 gặt hái nhiều thành quả nhất. 

Có thể thấy rõ Bắc Kinh dồn không ít tâm sức cho hội nghị G20 sẽ diễn ra trong 2 ngày 4-5/9 tại Hàng Châu. Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn đóng cửa hàng loạt nhà máy và yêu cầu công nhân nghỉ phép trong khoảng từ 1-7/9. Người dân cũng được khuyến khích đi nghỉ mát ngoài thành phố để giảm ùn tắc.

Tuy nhiên, theo Reuters, Bắc Kinh vẫn canh cánh một mối lo.

Nước này sợ phương Tây sẽ phủ nhận điều mà Trung Quốc xem là vị trí đúng đắn dành cho mình trên trường quốc tế. Vì thế, đảm bảo chuyện đó không xảy ra là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là một mốc quan trọng đánh dấu Trung Quốc đã thành công tới mức nào với G20.

Bắc Kinh muốn coi hội nghị sắp tới tại Hàng Châu là dịp để thảo ra một chiến lược sâu rộng hơn thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, tuy nhiên các nhà ngoại giao cho rằng, nhiều khả năng các cuộc hội đàm sẽ bị phủ bóng bởi nhiều vấn đề khác, trong đó có tranh chấp lãnh thổ.

Lấn át bởi “chuyện bên lề”

“Từ vị trí của Trung Quốc thì có vẻ như người Mỹ đang tìm cách quây họ”, một đại sứ cấp cao của phương Tây đánh giá. Ông cho biết các cuộc đối thoại với giới chức Trung Quốc trước thềm G20 đang bị lấn át bởi tranh chấp trên biển Đông và việc Mỹ đưa hệ thống đánh chặn tên lửa tới Hàn Quốc.

Trung Quốc đã tuyên bố nước này không muốn các vấn đề ấy phủ bóng lên hội nghị.

Tuần trước, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nói với Trưởng ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản, ông Shotaro Yachi rằng Nhật Bản nên “đóng một vai trò xây dựng” tại G20.

Theo Reuters, đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lo ngại Tokyo sẽ can dự vào tranh chấp biển Đông.

Wang Youming, người đứng đầu dự án các nước phát triển tại Viện Nghiên cứu Quốc tế (được Bộ Ngoại giao Trung Quốc hậu thuẫn) đã viết trên Hoàn Cầu rằng: G20 càng tới gần, Nhật Bản sẽ càng tìm cách gây chuyện.

“Nhật Bản đang vướng vào các vấn đề trên biển Đông và biển Hoa Đông, gần gũi với Philippines và hối thúc Trung Quốc tôn trọng ‘cái gọi là’ phán quyết của vụ kiện”, Wang viết, “Nhật Bản lại dùng chiêu cũ. Và thật khó để bỏ đi suy nghĩ rằng, họ đang tìm cách gây chuyện”.

Anh, Australia tức giận

Trong khi đó, ở nước ngoài, Trung Quốc lại vấp phải sự bất mãn bởi Anh và Australia đang đặt ra câu hỏi về các khoản đầu tư chiến lược của Bắc Kinh tại nước của họ và cho rằng có vẻ động thái này là “chế độ bảo vệ nền công nghiệp trong nước”.

Australia đã hủy bỏ thỏa thuận bán lưới điện lớn nhất đất nước cho các nhà thầu Trung Quốc với cái giá 7,7 tỉ USD. Trong khi đó, Anh quyết định tạm hoãn dự án hạt nhân 24 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư.

Tuy nhiên, giới chức phương Tây có những lo ngại riêng về các công ty của mình hoạt động tại Trung Quốc và không còn dè dặt khi đề cập tới vấn đề này.

Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho rằng: Đã có sự thay đổi trong giọng điệu của giới chức phương Tây. Họ đang tỏ ra bất mãn hơn với vấn đề dư thừa sản lượng và việc các công ty châu Âu không được tiếp cận thị trường.

Một quan chức châu Âu có liên quan tới các vấn đề thương mại với Trung Quốc cho hay: “Người Trung Quốc sẽ bắt anh ngừng ngay lập tức nếu anh nói anh muốn mua một trong số lưới điện của họ. Anh có khi còn chẳng kịp nói hết câu”.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ muốn G20 diễn ra suôn sẻ. Nhưng với tình trạng này, G20 khó có thể “xuôi chèo mát mái”.

“Đó là một bãi mìn đối với Trung Quốc”, một nhà ngoại giao nhận định, “Xét về tự tôn dân tộc thì đây đúng là điều rất quan trọng” nhưng chuyện kinh tế bị “cướp diễn đàn” bởi nhiều vấn đề khác trong G20 chẳng phải là lạ.

RELATED ARTICLES

Tin mới