Đội ngũ trí thức đang ngày càng đông hơn, nhưng môi trường để họ lao động, cống hiến vẫn còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là tiền lương chưa tương xứng.
Diễn đàn của Liên hiệp hội Việt Nam.
Đội ngũ trí thức ngày càng tăng lên
Sáng 30/8/2016, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức diễn đàn khoa học “Tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ đất nước” với sự tham dự của các nhà khoa học, đại diện một số cơ quan của Đảng, lãnh đạo một số hội chuyên ngành…
Phát biểu tại diễn đàn, TS Lê Công Lương, Chánh Văn phòng Liên hiệp hội Việt Nam, cho biết với quy mô giáo dục phát triển nhanh chóng, số lượng đội ngũ trí thức cũng tăng mạnh.
Nếu như năm 2000, đội ngũ trí thức cả nước chỉ có khoảng 1,3 triệu người thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên hơn 6,5 triệu người (tăng gần gấp 5 lần), trong đó số thạc sỹ từ 10.000 người lên hơn 118.653 người (tăng 11,86 lần), số tiến sĩ tăng từ 12.691 người lên 24.667 người (tăng 1,94 lần).
Ngoài trí thức trong nước, có còn khoảng 400.000 trí thức Việt kiều (trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao) trên tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Đội ngũ trí thức đã xây dựng những luận cứ khoa học góp phần quan trọng trong việc hoạch định, phản biện và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Họ cũng góp phần tích cực vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp quan trọng, quyết định trong sự nghiệp GD-ĐT, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Ngoài ra đội ngũ trí thức là lực lượng trực tiếp góp phần duy trì và phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước, tiếp thu nền văn hóa, văn minh nhân loại. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu, sáng tạo khoa học của tri thức Việt Nam ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng”, TS Lương khẳng định.
Nghịch lý lương TS 3 triệu, thuê ô sin 5 triệu/tháng
Phát biểu tại diễn đàn, vấn đề được nhiều nhà khoa học nhắc đến là chế độ đãi ngộ với trí thức, mức lương, thưởng hiện nay còn quá thấp, chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra.
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, đã lấy chính câu chuyện của con gái mình để mở đầu câu chuyện về tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức.
GS Dũng kể rằng, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ, con gái ông quyết định về nước làm việc trong viện nghiên cứu khoa học với mức lương khởi điểm trên dưới 3 triệu. Sau một thời gian dài công tác, mới đây, cô vui mừng thông báo với ông được tăng mức lương lên 3,9 triệu đồng.
“Mức lương như vậy làm sao đủ để sống tại Hà Nội? Thực tế là dù chỉ hưởng lương hơn 3 triệu nhưng hiện nay con gái tôi phải trả lương cho ô sin giúp việc nhà lên tới gần 5 triệu, chưa kể tiền ăn uống. Nhiều bạn cùng khóa với cháu đã ở lại nước ngoài làm việc để có mức thu nhập tương xứng. Thử hỏi với số tiền gần 4 triệu, làm sao đủ trang trải cho cuộc sống gia đình ở Hà Nội?”, GS Dũng đặt câu hỏi.
Bên cạnh tiền lương, GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các viện nghiên cứu các xưởng sản xuất (pilot) vừa để thực hành, ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, vừa tạo thêm thu nhập cho cán bộ.
“Trí thức chân chính nào, dù sống ở trong hay ngoài nước cũng muốn đóng góp ý kiến, năng lực cho đất nước nhưng ý kiến đó phải được các cấp chính quyền lắng nghe và tiếp thu”, GS Dũng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng để thu hút trí thức làm việc tại các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu khoa học thì cần phải tạo môi trường thuận lợi cho trí thức, trước hết phải cải cách tiền lương để trí thức có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình.
“Lương khởi điểm cho người có trình độ đại học tại một viện nghiên cứu của Nhà nước chỉ trên 3 triệu đồng, lương giáo sư tại một trường đại học sư phạm cũng chỉ trên 5 triệu. Trong khi với những người giúp việc thạo việc, chúng ta cũng phải trả số tiền từ 3 đến 4,5 triệu. Với mức lương thấp như thế, làm sao trí thức có thể đủ để trang trải cuộc sống bản thân và gia đình. Muốn họ cống hiến cho khoa học thì phải cho họ đủ mức lương để nuôi sống bố mẹ, vợ con. Có như vậy trí thức mới có động lực để lao động, sáng tạo”, ông Phú nhấn mạnh.
Trí thức trẻ thất vọng rời Việt Nam trở lại Đức làm việc
Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Tạp chí Cộng sản, cho rằng chính sách khuyến khích trí thức Việt kiều phải đi kèm với chính sách sàng lọc để thu được những nhân tố tốt.
Dẫn ví dụ về sự thất vọng của một trí thức trẻ ở Đức về Việt Nam làm việc và phải quay lại Đức, bà Thúy Anh cho biết ở Việt Nam, người này đã vấp phải một môi trường làm việc thiếu khẩn trương, phần nào chưa thật sự nghiêm túc, thiếu kỷ luật và thiếu quyết tâm hướng đến sự chuyên nghiệp.
“Khi ở nước ngoài họ háo hức về nước để cống hiến. Tuy nhiên khi về Việt Nam thì thấy mọi thứ khác quá, mâu thuẫn thế hệ, mâu thuẫn trong cách làm việc, nghiên cứu khoa học… Vì vậy, ngoài chế độ đãi ngộ xứng đáng, chúng ta cũng cần tạo môi trường làm việc và môi trường xã hội công bằng, công khai, minh bạch và chuyên nghiệp cho trí thức hoạt động”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Cũng đưa ra ý kiến tại diễn đàn, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, cho rằng những người đứng đầu cần phải có trách nhiệm và có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, trong sạch cho đội ngũ tri thức.
“Kinh nghiệm làm ĐBQH khóa 13 của tôi cho thấy, với những vấn đề càng phức tạp, nếu chúng ta kiên trì nêu ý kiến, trình bày có cơ sở thì chắc chắn những người có trách nhiệm họ sẽ quan tâm, xem xét giải quyết.
Ở đây tôi khẩn thiết đề nghị các vị lãnh đạo còn đương chức tích cực đưa những quan điểm cá nhân, của tập thể trí thức đến các cơ quan có trách nhiệm để cùng tìm cách tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Khi còn đương chức thì tiếng nói của các vị mới có sức ảnh hưởng và được người khác quan tâm”, bà An trăn trở.