Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề ảnh hưởng lớn đến quan hệ Việt-Trung, đó là vấn đề Biển Đông.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Thường Vạn Toàn duyệt đội danh dự Quân đội Trung Quốc.
Ngày 30/8, Lễ đón Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, sang thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc được tổ chức trọng thể tại trụ sở Bộ Quốc phòng Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh.
Ngay sau lễ đón, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã hội đàm với Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc, do Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định lại chính sách quốc phòng của Việt Nam là mang tính tự vệ, không đi với nước này chống nước khác, không bao giờ cho nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, gây mất ổn định và an ninh cho sự phát triển chung của cả khu vực.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ với các nước láng giềng chung biên giới có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, là ưu tiên hàng đầu. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam là xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, ổn định lâu dài, tin cậy, hợp tác toàn diện với Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam. Theo Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Trung Quốc và Việt Nam có nhiều mục tiêu và lợi ích tương đồng.
Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hợp tác thực chất của quan hệ Việt – Trung, đó là vấn đề Biển Đông.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, quan điểm nhất quán của Việt Nam là hai bên cần tuân thủ nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp và nhất là không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp; duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, ASEAN luôn coi Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang đặt ra những thách thức lớn đối với quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Trung Quốc.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng, tăng cường hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng.
Thượng tướng Thường Vạn Toàn cho biết, Trung Quốc mong muốn xử lý thỏa đáng các bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Trong chương trình thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã tới chào xã giao ông Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa tại Đại Lễ đường nhân dân. Ngoài ra, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng hội kiến với Thượng tướng Phạm Trường Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Về vấn đề Biển Đông, khi tới chào xã giao ông Lý Nguyên Triều và hội kiến Thượng tướng Phạm Trường Long, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà Việt Nam và Trung Quốc đều có thể chấp nhận được, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị, hai bên cần thực hiện có hiệu quả nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kiểm soát tốt tình hình trên biển, chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển bình tĩnh, kiên trì, kiềm chế, tránh hiểu lầm, không để xảy ra xung đột.
Hai bên cần chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ trên biển đối xử nhân đạo với ngư dân hai nước theo thông lệ quốc tế và truyền thống hữu nghị của hai nước, không có hành động gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.