Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThời báo Hoàn Cầu lên tiếng chia rẽ quan hệ Việt Nam...

Thời báo Hoàn Cầu lên tiếng chia rẽ quan hệ Việt Nam với Campuchia và Lào

Do nguyên nhân địa chính trị, cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Khmer Đỏ đã được các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ ủng hộ.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: themalaymailonline.com.

Đan Nhân Bình, một nhà bình luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 38/8 viết bài bình luận trên báo này về những tranh cãi, lời qua tiếng lại giữa Thủ tướng Campuchia Hun Sen và một số facebooker được cho là người Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Bài bình luận của ông Đan Nhân Bình có tiêu đề: “Hun Sen cừ lắm, Campuchia có quyền lên tiếng độc lập về Biển Đông”.

Sau khi thuật lại nội dung sự việc như truyền thông đã phản ánh, nhà bình luận của Thời báo Hoàn Cầu bắt đầu xuyên tạc, kích động chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia và Lào.

Thời báo Hoàn Cầu viết:

“Hun Sen vì phản đối ASEAN chọn bên trong vấn đề Biển Đông, chủ trương tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán giữa các nước liên quan trực tiếp, nên bị một số phần tử cấp tiến ở Việt nam công kích.

Đồng thời ông cũng phải đối mặt với áp lực từ dư luận phương Tây.

Việt Nam, Lào và Campuchia từng nằm trong liên bang Đông Dương thời kỳ Pháp thuộc. Việt Nam cũng từng thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1951 với mục tiêu thành lập Liên bang Đông Dương.

Đồng thời, vì những vướng mắc trong quá khứ dã dẫn đến những bất đồng giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia với những ký ức lịch sử cực kỳ phức tạp.”

Có thể nói đây là những lời lẽ xuyên tạc trắng trợn của Đan Nhân Bình mà lẽ ra Thời báo Hoàn Cầu, với tư cách một cơ quan ngôn luận hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc phải lưu ý khi biên tập, xuất bản, nhưng đã bỏ qua.

Tạm gác vấn đề Biển Đông sang một bên. Riêng vấn đề lịch sử và quan hệ 3 nước Đông Dương đã bị Thời báo Hoàn Cầu bóp méo, xuyên tạc trắng trợn hòng gây chia rẽ.

Thứ nhất, Đông Dương Cộng sản Đảng là một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập năm 1929. Đầu năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Với quan niệm Đông Dương có ba quốc gia dân tộc, phải thành lập đảng cách mạng trong từng quốc gia, dân tộc, Người chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các nhóm cộng sản thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong khi đó Quốc tế Cộng sản chủ trương chỉ thành lập ở Đông Dương một Đảng Cộng sản duy nhất, theo Tiến sĩ Vũ Quang Hiển, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Văn kiện của Quốc tế Cộng sản “Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương” được lưu trữ đã nêu rõ: “Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”.

Hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng tháng 10/1930 đã đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản.

Việc đổi tên này xuất phát từ nhận thức khi đó cho rằng, vô sản Việt Nam, Campuchia và Lào tuy tiếng nói, phong tục và nòi giống khác nhau, nhưng về mặt chính trị và kinh tế thì cần phải liên lạc mật thiết với nhau.

Điều này đủ đập tan luận điệu xuyên tạc của Thời báo Hoàn Cầu và Đan Nhân Bình rằng Việt Nam “âm mưu thành lập Liên bang Đông Dương” nhằm chia rẽ quan hệ với Lào và Campuchia.

Thứ hai, đến Đại hội II diễn ra năm 1951, Đại hội đã quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Mác – Leenin riêng.

Ở Việt Nam, Đại hội thành lập Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai. Thông tin của ông Đan Nhân Bình là hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc sự thật.

Thời báo Hoàn Cầu viết:

“Năm 1978 quân đội Việt Nam tấn công Campuchia, có Liên Xô hỗ trợ đằng sau.

Lúc đó Khmer Đỏ đang thi hành chính sách đàn áp cao độ trong nước, nhưng do nguyên nhân địa chính trị, cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Khmer Đỏ đã được các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ ủng hộ.

Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tình thế ở Campuchia cũng thay đổi, chính quyền Campuchia mà Việt Nam ủng hộ dần dần ổn định, mặt phức tạp trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia lại nổi lên.

Hun Sen trở thành Ngoại trưởng trong chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia thành lập sau khi Khmer Đỏ bị đuổi khỏi Phnom Penh, sau đó ông trở thành nhân vật thực quyền.

Từ năm 1998 đến năm 2013 trải qua 4 lần bầu cử, Hun Sen đều chiến thắng và giữ ghế Thủ tướng.

Ông lãnh đạo Campuchia trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn, nỗ lực xác lập vị thế độc lập cho Campuchia không bị khống chế bởi bất kỳ quốc gia láng giềng nào.

Cũng trong thời gian ông nắm quyền, Campuchia bắt đầu thiết lập quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.

Một số người trong dư luận xã hội Việt Nam chỉ trích ông nặng nề, có thể thấy rõ điều này sẽ làm tổn thương Hun Sen và xã hội Campuchia.

Campuchia theo chế độ quân chủ lập hiến đa đảng, đảng Nhân Dân Campuchia của Hun Sen cầm quyền đã lâu, phe đối lập đang tạo ra những thách thức ngày càng lớn.

Có người cho rằng, Hun Sen lớn tiếng đáp trả một vài công kích từ “cộng đồng mạng Việt Nam” là để kiếm phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2018.

Trước áp lực từ bên ngoài, bảo vệ độc lập chủ quyền đối với Campuchia là lựa chọn tuyệt đối chính xác.

Dư luận xã hội Trung Quốc nên ủng hộ những phát biểu thẳng thắn của Hun Sen, ủng hộ thái độ tỉnh táo của ông về Biển Đông.

Dân số Campuchia ít hơn Việt Nam, trình độ phát triển kinh tế lại thấp hơn.

Với thực lực yếu như thế mà không khuất phục trước áp lực từ bên ngoài, là điều đáng quý, khó làm.

Bên ngoài liên tục có những hiểu lầm rằng, Trung Quốc chủ yếu dựa vào Campuchia để tìm kiếm sự trung lập của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Từ sự hiểu lầm này có thể thấy, những hoạt động ly gián quan hệ Trung Quốc – Campuchia thâm độc thế nào.

Hun Sen và Campuchia có thể giữ vững lập trường, hiển nhiên không phải vì các bên đều bỏ tiền mua chuộc, nhưng Bắc Kinh trả giá cao nhất.”

Những bình luận xuyên tạc đầy ác ý này của Thời báo Hoàn Cầu, Đan Nhân Bình đã nói lên đầy đủ sự giả dối mà có lẽ Thủ tướng Hun Sen và những nạn nhân của Khmer Đỏ may mắn sống sót là người cảm nhận rõ nhất.

Người viết xin không bình luận thêm, chỉ nhắc lại mấy điểm đáng chú ý trong bài bình luận của Thời báo Hoàn Cầu để Thủ tướng Campuchia Hun Sen suy ngẫm.

Một là, ai đứng sau cổ súy Khmre Đỏ gây ra cuộc thảm sát, diệt chủng đối với đất nước Chùa Tháp? Đó chính là Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu có cho thêm vào cả Hoa Kỳ.

Hai là, ai đã cứu đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng? Thời báo Hoàn Cầu gián tiếp khẳng định, đó là Việt Nam.

Ba là, ai đã giúp Thủ tướng Hun Sen có ngày hôm nay? Thời báo Hoàn Cầu khẳng định, đó là Việt Nam.

Đặt ra ba câu hỏi này người viết không có ý và không có quyền “kể công” xương máu của cha anh. Chỉ đơn giản là không thể im lặng trước những lời lẽ xuyên tạc, xúc phạm sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh mình chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, vì sự hồi sinh của nhân dân Campuchia anh em.

Ngày nay, Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn trong xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, nhưng vẫn cố gắng giúp đỡ trong khả năng có thể đối với nước láng giềng liền giậu, liền sân.

Nhưng chắc chắn Việt Nam không nhiều tiền, lắm của để có thể “mua chuộc” Campuchia như ai đó. Câu trả lời đã được Đan Nhân Bình và Thời báo Hoàn Cầu đưa ra, phần còn lại để ngài Thủ tướng Hun Sen nghiền ngẫm. 

RELATED ARTICLES

Tin mới