Khả năng vấn đề biển Đông được Mỹ cùng một số đồng minh, đối tác nêu ra trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu sắp tới khiến Trung Quốc bối rối.
(Ảnh: Getty Images)
Theo tờ Manichi (Nhật Bản), nhiều khả năng Nhật sẽ không đề cập vấn đề biển Đông tại G20nhằm tạo bầu không khí cho sự đột phá quan hệ Trung-Nhật, vốn đang có tín hiệu tốt sau hội nghị ngoại trưởng ba bên Trung-Nhật-Hàn tại Tokyo hôm 24/8.
Manichi cho hay, mục tiêu của Nhật Bản là nỗ lực hiện thực hóa một hội nghị thượng đỉnh giữa nguyên thủ 3 nước vùng Đông Bắc Á trong năm nay, và việc làm mất lòng Trung Quốc ngay trên “sân nhà” của họ ở G20 không phải là bước đi khôn ngoan.
Manichi cho biết, sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague đưa ra phán quyết vụ kiện biển Đông ngày 12/7, trong các diễn đàn quốc tế vào tháng 7 như hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) ở Mông Cổ, Nhật Bản đều tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc.
Nhưng tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tokyo nhận thấy “kinh tế là vấn đề thảo luận chủ yếu” nên quyết định không đụng chạm đến vấn đề biển Đông.
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) chỉ ra, tình hình biển Đông luôn là vấn đề nóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chắc chắn sẽ được thảo luận trong, hoặc bên lề chương trình nghị sự của G20.
Hồi giữa tháng 8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du Ấn Độ và đưa ra thông điệp “cảnh cáo” New Delhi không nhắc đến biển Đông ở G20.
Từ đầu tháng 8, Trung Quốc bắt đầu “chĩa mũi giáo” vào Nhật Bản bằng hàng loạt hành động quyết liệt trên biển Hoa Đông, được giới phân tích cho là nhằm “nắn gân” Tokyo, đồng thời giảm nhiệt sự quan tâm của dư luận quốc tế ở biển Đông sau phán quyết PCA.
Nhật Bản nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh đã liên tiếp điều các tàu tuần duyên, tàu hải cảnh và tàu cá xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên tranh chấp.
Đại sứ Trung Quốc tại Nhật, ông Trình Vĩnh Hoa đã ít nhất 2 lần bị Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida triệu tới để chỉ trích và trao công hàm phản đối.
Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc cũng tiến hành hai cuộc tập trận đối đầu quy mô lớn trên biển Hoa Đông.
Đáp lại, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngày 28/8 tiến hành tập trận tái chiếm đảo quy mô lớn, với sự tham gia của các lực lượng trên không, trên bộ và trên biển.
Tokyo cũng triển khai các hệ thống tên lửa hiện đại ra các đảo lân cận Senkaku/Điếu Ngư.
Nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đề xuất Quốc hội Nhật phê duyệt ngân sách quốc phòng tăng cao nhằm bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời tính đến việc đẩy nhanh thảo luận việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Nhật.
Nhưng trong cuộc hội đàm song phương giữa ông Vương Nghị và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 24/8, quan hệ Trung-Nhật dường như có tín hiệu hòa dịu.
Ông Vương chủ động “chìa cành ô liu” khi tỏ ý hy vọng hai nước nhanh chóng khởi động cơ chế liên lạc khẩn cấp trên biển và trên không.
Chuyên gia phân tích cho rằng, dựa trên nhu cầu của mỗi bên và suy tính chiến lược, quan hệ Trung- Nhật có thể đạt được sự đột phá và tiến triển trong thời gian ngắn sắp tới.
Theo Kyodo News (Nhật Bản), Bắc Kinh không hy vọng cạnh tranh quá mức cần thiết tại biển Hoa Đông với Nhật do lo ngại ảnh hưởng đến việc thúc đẩy chiến lược hải dương của nước này.
Ngoài ra, bối cảnh quan hệ Trung-Hàn rơi vào bế tắc do Seoul chấp thuận triển khai THAAD, cộng thêm Trung Quốc không muốn nhìn thấy Nhật Bản và Hàn Quốc thân thiết quá mức, đã thúc đẩy Bắc Kinh hòa dịu với Nhật.
Nhưng do mâu thuẫn căn bản giữa hai nước không thay đổi, lợi ích chia rẽ, nên quan hệ song phương vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.