Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngBiết Mỹ-Ấn đạt thỏa thuận lịch sử, TQ vẫn yên tâm về...

Biết Mỹ-Ấn đạt thỏa thuận lịch sử, TQ vẫn yên tâm về biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar ngày 29/8 bắt đầu chuyến công du Mỹ 4 ngày, trong đó hoạt động quan trọng nhất là ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar họp báo chung tại Lầu Năm Góc hôm 29/8. (Ảnh: AP)

Tờ The Hindu (Ấn Độ) cho biết, mục đích chính chuyến đi của Parrikar là “chính thức ký kết bản thỏa thuận vốn đã bị trì hoãn một thời gian khá dài”.

Thỏa thuận cho phép quân đội hai nước sử dụng căn cứ quân sự của nhau cho mục đích vận chuyển, tiếp tế, sửa chữa và điều chỉnh nhân sự, nhưng không đồn trú binh sĩ.

Báo The Times of India (Ấn Độ) hôm 29 bình luận, chuyến công du Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ là sự kiện quan trọng trong cơ chế đối thoại chiến lược song phương. 

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) bình luận, truyền thông Mỹ “hào hứng” với thỏa thuận quốc phòng này hơn hẳn báo giới Ấn Độ.

Tạp chí Forbes (Mỹ) nhận định thỏa thuận Mỹ-Ấn là một phần trong chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của chính quyền ông Obama. Theo đó, Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai 60% lực lượng trên mặt nước của mình đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tờ này cũng đánh giá Ấn Độ đang dần “rời xa vòng tay” của đồng minh thời Chiến tranh Lạnh là Nga để hướng về các đồng minh mới, như Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Sau khi ký thỏa thuận với New Delhi, Mỹ không cần phải xây dựng căn cứ và cơ sở hạ tầng quân sự như Washington phải làm tại Iraq và Afghanistan, bởi nước này có thể dựa vào “cơ sở trang bị quân sự khổng lồ của Ấn Độ để thực hiện một số sắp xếp đơn giản”, thậm chí áp sát và đe dọa Trung Quốc.

Giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tồn tại tranh chấp ở biên giới, trong khi hai nước cũng là đối thủ trong nhiều lĩnh vực kinh tế.

Theo Forbes, thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Ấn còn là động thái đáp trả những hành động của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời đả kích chủ nghĩa khủng bố – kẻ thù chung của hai nước – như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tuy nhiên, giới nghiên cứu Trung Quốc tin rằng báo cáo của Forbes không đúng với thực tế và việc quân đội Mỹ có thể sử dụng căn cứ tại Ấn Độ cũng không có gì đáng ngại.

Chuyên gia Diệp Hải Lâm từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc bình luận trên Thời báo Hoàn Cầu: “Mỹ có sử dụng căn cứ của Ấn Độ thì cũng chỉ hiện diện ở Ấn Độ Dương, làm sao có thể đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông?”

Ông này cho rằng thỏa thuận Mỹ-Ấn không bình đẳng bởi “Ấn Độ không thể sử dụng căn cứ của Mỹ”.

“Trên thực tế thỏa thuận quốc phòng là Mỹ lợi dụng Ấn Độ nhiều hơn,” ông Diệp nói.

Trong bài xã luận đăng tải sáng 30/8, Thời báo Hoàn Cầu so sánh Mỹ-Ấn thắt chặt quan hệ quốc phòng là động thái giống như Trung-Mỹ đã làm trong thập niên 1970, khi mà “tình hình an ninh quốc gia của Trung Quốc hết sức nghiêm trọng, đối diện với mối đe dọa thực sự từ Liên Xô”.

Mỹ và Ấn Độ khó đi đến một “cái bắt tay” chống Trung Quốc bởi theo Bắc Kinh, vị thế của Ấn Độ ở Nam Á rất vững chắc và gần như không có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc chiến.

Hoàn Cầu đe dọa, nếu “nhập bọn” với Mỹ/đồng minh, New Delhi chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc, Pakistan và đặc biệt là Nga.

“Ấn Độ chẳng những không an toàn hơn mà còn gặp thêm phiền phức về mặt chiến lược. Nếu không khéo họ sẽ trở thành trung tâm bùng phát tranh chấp địa chính trị mới ở châu Á,” tờ báo “diều hâu” Trung Quốc cảnh cáo.

RELATED ARTICLES

Tin mới