Một công ty du lịch Trung Quốc đã trở thành chủ đề gây chú ý trên mạng sau khi hơn 200 nhân viên của công ty này bị phạt vì quên bình luận cho các bài viết trên kênh truyền thông mạng xã hội của ông chủ họ.
Một người phụ nữ đang làm công việc online trong văn phòng công ty ở Bắc Kinh, ngày 4 tháng 2 năm 2010. (Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)
Trương Minh (Zhang Ming), tổng giám đốc của Cơ quan Văn hóa Du lịch quốc tế Giai Hoa Sơn Đông ở tỉnh Sơn Đông, là một fan cuồng Weibo. Không chỉ thường xuyên đăng bài trên trang mạng xã hội phổ biến giống như Twitter này tại Trung Quốc, ông còn yêu cầu toàn bộ nhân viên công ty theo dõi (follow), bình luận (comment), và “like” bài của mình, theo ghi nhận của tờ báo nhà nước Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh.
Nhân viên cũng được kỳ vọng là sẽ đọc các cập nhật của Trương vào mỗi buổi sáng. “Chúng tôi cử một người đọc hết các cập nhật này cho những người khác nghe qua một cái loa, và tất cả mọi người sẽ thay phiên nhau làm việc này”, một nhân viên nói với tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh.
Các bài viết, chủ yếu nói về các hoạt động của công ty hoặc một số câu trích dẫn truyền cảm hứng, ít nhận được sự chú ý từ phía hàng trăm nhân viên, phần lớn trong số họ chỉ đơn giản để lại biểu tượng “like” cho các bài viết này như một cách để cho qua chuyện.
Nội dung thông tin thường “không có gì quan trọng”, một nhân viên cấp cao yêu cầu được giấu tên, cho biết.
Rốt cuộc một nhân viên đã tức điên lên sau khi anh ta và 200 nhân viên khác mới đây bị phạt 50 NDT (khoảng $ 7,60) mỗi người vì đã không bình luận về các bài viết. Một người trong đó đã bị phạt 150 NDT trong một tháng, theo Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh.
“Tôi đã hoàn toàn chết lặng khi nhận được thông báo phạt”, một nhân viên giấu tên, người đã làm việc tại công ty này trong nửa năm, nói trên Weibo. Người này cũng đã công bố một danh sách dài các nhân viên bị phạt. “Tôi đã không biết rằng công ty có loại quy tắc này, và không tin rằng loại quy tắc này có tồn tại ở nơi nào khác trên trái đất”, anh viết.
Trương Minh phản hồi bằng tuyên bố rằng các khiếu nại “không xác thực” và cho rằng đó là “phỉ báng Jiahua từ sau lưng.” Công ty chúng tôi, ông đã viết trên Weibo, tin tưởng vào “số lượng lớn những người luôn dõi theo và đóng góp cho công ty, cũng như có thể đồng nhất bản thân với văn hóa và phong cách quản lý của công ty… Những ai ăn không ngồi rồi và chỉ nhận lương nhưng không làm việc thì nên rời khỏi công ty. “
Triệu Như Tân (Zhao Ruxin), giám đốc tiếp thị của công ty, khẳng định đây là một điều lệ đã được thiết lập nhưng cho rằng đó là một cách để tạo động lực cho người lao động và thực thi văn hóa công ty.
“Những người trẻ thiếu thái độ làm việc tích cực, họ cần một “gia sư” để hướng dẫn họ cách làm việc và rèn luyện các khái niệm phản ứng nhanh”, Triệu nói với Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh.“Bình luận dưới các bài viết trên Weibo của lãnh đạo là một cách tốt để đầy mạnh văn hóa công ty.”
Triệu cho rằng hầu hết các nhân viên đều tán thành điều lệ này. “Có thể những nhân viên mới và những người không thể đương đầu với áp lực không bằng lòng và coi đó là một gánh nặng,” ông nói thêm.
Nhiều nhân viên được tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh phỏng vấn phủ nhận quan điểm của người quản lý. “Không ai dám đứng lên và lên tiếng phản đối,” một người cho biết. Một trong số họ kể rằng anh ta đã phản ảnh vấn đề này tới đường dây nóng của thị trưởng, nhưng chẳng có gì thay đổi.
Một luật sư Bắc Kinh, Han Xiao, nói với tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh rằng hình phạt này đã vi phạm luật lao động Trung Quốc.
“Chỉ có các cơ quan hành chính hoặc các cơ quan có thẩm quyền mới có thể thực hiện phạt tiền như là một hình phạt hành chính”, Han cho biết. “Các nơi làm việc thông thường không có quyền phạt tiền người lao động về việc không tuân theo các điều lệ.”
Đây không phải là lần đầu tiên công ty này phạt tiền để trừng phạt nhân viên. Trước đó, các nhân viên đã phải nộp phạt vì dùng túi xách không có biểu tượng của Jiahua.
Nhiều công ty khác ở Trung Quốc thì sử dụng phương pháp sỉ nhục công khai để “tạo động lực cho nhân viên”. Một công ty trang trí, ví dụ, cho những đại diện bán hàng thành tích kém ăn mướp đắng trước mặt các đồng nghiệp, trong khi một công ty khác để các nhân viên nữ bò bằng tay và đầu gối nơi công cộng dưới sự chỉ đường bởi một đồng nghiệp nam vẫy một lá cờ đỏ.