Chúng ta phải làm gì khi đối mặt với giới trẻ mang trong mình tư tưởng của Đức quốc xã, hung hăng, chửi thề và luôn sẵn sàng cho bất bạo động?
Bộ ba Francois Holland – Angela Merkel – Mateo Renzi, biểu tượng của “tam trụ” trong EU thời hậu Brexit. Ảnh: newsweek.com.
BBC ngày 28/8 đưa tin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã cảnh báo rằng, EU có thể sụp đổ nếu Brexit không được xử lý cẩn thận.
Nếu EU trả đũa nước Anh trong việc nhanh chóng đưa nước này rời khỏi liên minh, Brexit có thể đưa EU tới bờ vực.
Lời cảnh báo của ông Sigmar Gabriel đưa ra trong bối cảnh chính phủ của nữ Thủ tướng Anh Theresa May sẽ họp trong tuần này để thảo luận việc rút Vương quốc Anh khỏi EU.
Lãnh đạo EU thì sẽ họp nghị thượng đỉnh vào tháng 9 bàn về tương lai của liên minh sau Brexit.
Phó Thủ tướng Đức lo lắng, khi nước Anh ra đi không êm thấm thì nhiều sự thật của EU sẽ được phơi bày và sẽ có nhiều thành viên khác ra đi:
“Brexit là xấu, nhưng nó sẽ không làm tổn thương chúng ta nhiều về kinh tế như một số người lo sợ – đó chỉ là tâm lý. Nguy hại là vấn đề chính trị.”
Trong khi đó, đàm phán về Hiệp định Thương mại và Hợp tác Đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU (TTIP) đã thất bại.
Sau 14 phiên thảo luận các bên vẫn không tìm được bất cứ tiếng nói chung nào trong số 27 vấn đề cần thương thảo.
Những người chỉ trích nói rằng, TTIP mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn, song sẽ mang đến hậu quả cho người lao động, người tiêu dùng và môi trường.
Theo ông Sigmar Gabriel, TTIP thất bại là dấu hiệu cho thấy có rất nhiều khó khăn chính trị mà EU đang phải đối mặt.
Như vậy là hơn 2 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh với kết quả là người dân xứ sở sương mù chọn rời EU, sự thể ngày càng ảm đạm hơn với liên minh kinh tế hùng mạnh này.
Trong khi phía bên kia biển Manche, tình hình nước Anh lại ngày một sáng hơn.
Cá nhân người viết cho rằng, “đòn đau Brexit” sẽ khiến cho EU còn phải chịu nhiều hệ luỵ thêm nữa, từ đó khiến cho cơ chế liên minh – liên kết ngày càng mong manh hơn.
Lãnh đạo EU ngày càng bị động trong đối phó và giải quyết nhiều vấn đề thời hậu Brexit
Lãnh đạo EU khẳng định rằng, Brussels không chấp nhận nhượng bộ Washington trong đàm phán về TTIP vì không muốn hạ chuẩn chất lượng sản phẩm của mình để Hoa Kỳ hưởng lợi.
Đó là nguyên nhân khiến cho đàm phán giữa hai bên về TTIP thất bại.
Tuy nhiên theo người viết, lý do quan trọng nhất khiến EU không nhượng bộ Hoa Kỳ là xuất phát từ tâm lý lo sợ phản ứng tiêu cực của người dân các nước thành viên EU.
Brussels không dám nhượng bộ chứ không phải là không chịu nhượng bộ Washington.
Trước Brexit việc không nhượng bộ Washington là thể hiện sự cương quyết của Brussels, nhưng sau Brexit điều đó lại thể hiện sự thiếu quyết đoán của lãnh đạo EU.
Lúc này các cuộc biểu tình phản đối của công dân EU luôn là nỗi ám ảnh với Brussels. Bởi lẽ, khởi phát của Brexit cũng bắt đầu từ phản ứng tiêu cực của người dân tại xứ sở sương mù.
Việc nông dân Pháp hay Hà Lan biểu tình phản đối TTIP cả năm qua, bây giờ không còn là chuyện bình thường được nữa. Đặc biệt, tại Hà Lan đã có dư luận đề xuất trưng cầu dân ý về TTIP.
Với Brussels thì có lẽ bốn chữ “trưng cầu dân ý” đã trở thành ác mộng thời hậu Brexit.
Do đó, lãnh đạo EU phải lựa chọn theo hướng triệt tiêu nguyên nhân có thể khởi phát các cuộc trưng câu dân ý tại bất cứ quốc gia thành viên nào, về bất cứ vấn đề gì liên quan tới EU.
Khi nước Anh còn trong EU, liên minh có “tứ trụ”. Bốn quốc gia nằm trong G-7 là Anh, Pháp, Ý, Đức được xem là hạt nhân quyết định nhất những vấn đề quan trọng của EU.
Khi nước Anh rời EU thì “tứ trụ” bị khuyết và cần phải tìm thành viên thay thế Anh.
Cho dù Ba Lan được xem là quốc gia có thể đảm nhận được vai trò của nước Anh để lại, song cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Italia Mateo Renzi với Tổng thống Pháp Francois Holland và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Italia vừa qua, quyết định không tái lập “tứ trụ” đã được đưa ra.
Việc không tái lập “tứ trụ” mà thay bằng “tam trụ” được bà Merkel lý giải rằng, Brexit diễn ra giúp cho EU không còn phải dành quy chế đặc biệt cho một thành viên như nước Anh nữa.
Còn theo như ông Holland, điều này khiến EU dễ dàng nhất thể hoá trong nhiều vấn đề của liên minh.
Nười viết cho rằng, việc không tìm thành viên thay thế nước Anh sẽ khiến cho EU rạn nứt, bởi sự quá đồng thuận trong “tam trụ” khiến cho Brussels trở thành “trung ương tập quyền”.
Những quyết sách của “tam trụ” sẽ thiếu vắng phản biện cần thiết của những ý kiến trái chiều.
Ba Lan đã có những hành động thể hiện sự bất mãn với bộ ba Đức – Ý – Pháp.
Còn việc nhất thể hoá trong EU sẽ không ưu việt như suy nghĩ của người đứng đầu nước Pháp. Nếu EU không thể trở thành Hợp chủng quốc như Hoa Kỳ thì càng nhất thể hoá càng nguy hiểm.
Bởi lẽ, các thành viên EU hiện có rất nhiều khác biệt, nhất là về mức độ phát triển và sức mạnh quốc gia.
Điều đó sẽ phôi thai mâu thuẫn, tạo ra rạn nứt. Do vậy, để tránh một hiệu ứng ly khai hàng loạt, Brussels hướng vào nhất thể hoá, nhưng sự gượng ép ấy sẽ là khởi phát cho những lần ly khai EU tiếp theo.
Khi Brexit diễn ra, lãnh đạo EU kêu gọi sự đoàn kết trong liên minh. Sau cuộc họp của “tam trụ”, sự gắn kết được thể hiện qua ý tưởng nhất thể hoá trong Liên minh.
Tuy nhiên, điều đó có thể khiến EU trả giá, giống như nước Nguỵ của Tào Tháo trúng kế “liên thuyền” của Bàng Thống trong trận Xích Bích năm xưa.
Những mâu thuẫn nội tại gia tăng trong EU khiến cho vị thế giữa nước Anh và Liên minh Châu Âu đã đảo ngược thời hậu Brexit, khi số 10 phố Downing có chủ nhân mới.
Lúc này nước Anh có thể gây sức ép cho EU, chứ không phải nhận sự trả đũa từ bờ đông eo biển Manche.
Điều đó đã được Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo:
“Nếu chúng ta tổ chức Brexit một cách sai lầm, chúng ta sẽ phải hối hận. Vì vậy, chúng ta cần phải làm sao để nước Anh có thể hành xử một cách thân thiện với EU.”
Liên minh Châu Âu chịu nhiều thiệt hại từ hiệu ứng thừa nước đục thả câu của cả kẻ thù, đối thủ và đối tác
Có lẽ chưa bao giờ khủng bố tấn công vào EU lại dễ dàng như hiện nay.
EU nằm cùng với Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Thái Lan trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ không phải là sào huyệt của lực lượng khủng bố quốc tế, nhưng lại có nguy cơ bị tấn công khủng bố cao nhất.
Sự nguy hại đó có nhiều nguyên nhân, song với người viết thì mâu thuẫn nội tại giữa chủ quyền quốc gia và cơ chế liên minh là nguyên nhân quan trọng nhất.
Điều đó được thể hiện rõ ràng trong phát biểu của Tổng thống Pháp Holland sau vụ khủng bố tại Paris tháng 11/2015.
“Theo Reuter, chính Tổng thống Hollande phải cay đắng cho biết, ông sẽ tăng thêm 5.000 nhân viên an ninh, thêm 2.500 nhân viên cai ngục và tránh cắt giảm chi tiêu quốc phòng trước năm 2019.
Ông Holland thừa nhận điều này sẽ phá vỡ quy tắc ngân sách của EU.”
Rõ ràng, cơ chế liên minh đã có hạn chế đối với chủ quyền quốc gia. Khi sự gắn kết, đoàn kết trong EU thời hậu Brexit được nâng tầm lên nhất thể hoá, thì chủ quyền quốc gia còn bị bó hẹp thêm nữa bởi những cơ chế ràng buộc mới.
Những kẻ khủng bố đã chào đón Brexit bằng hàng loạt những cuộc tấn công khủng bố tại trung tâm của Liên minh Châu Âu theo những cách thức hoàn toàn khác lạ.
Sau khi bị tấn công khủng bố là việc truy tìm nguyên nhân và xem có sự liên hệ với IS, Al-Qeda hay Taleban không.
Thực ra, nguyên nhân đã nằm ngay trong lòng Châu Âu.
Khi sự bó hẹp không gian cho những khác biệt ngày càng tăng lên với sự gia tăng gắn kết nhiều mặt trong EU, điều đó khiến cho sự khác biệt hình thành nên sự cực đoan và tâm lý muốn phản kháng.
Trong khi đó, việc tăng cường sức đề kháng – chi phí cho an ninh lại bị khống chế bởi Brussels, từ đó khiến cho việc chuyển hoá từ tâm lý phản kháng sang hành động tấn công, phản kháng dễ dàng hơn.
Người Anh chọn Brexit là chọn mở rộng không gian cho sự khác biệt trong nội tại.
Còn EU thì ngược lại, nhất thể hoá để tránh hiệu ứng ly khai hàng loạt.
Ông Sigmar Gabriel cho rằng đó là sai lầm: “Chúng ta phải làm gì khi đối mặt với giới trẻ mang trong mình tư tưởng của Đức quốc xã, hung hăng, chửi thề và luôn sẵn sàng cho bất bạo động?”
Khi nước Anh rời EU thì liên minh này còn tới 27 thành viên, vậy nhưng không thành viên nào có thể gánh vác trách nhiệm với vấn nạn dân nhập cư, khiến cho Brussels phải cầu cạnh tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù vậy, vấn nạn này vẫn còn quấn chặt lấy EU.
Việc quýt (Nga – Mỹ) làm, cam (EU) chịu, khiến cho Brussels phải gánh hậu quả nặng nề bởi lời “tiên tri” của Đại tá Gaddafi về vấn nạn dân nhập cư với Châu Âu, trước khi bị lật đổ.
EU vừa mất tiền, vừa phải nghe quở trách của Ankara, làm cho nhiều công dân EU bức xúc.
Dân chúng nước Đức biểu tình chống lại hành động nhân đạo của Thủ tướng Merkel trong việc giải quyết vấn nạn dân nhập cư, có thể được nhận diện là sự phản kháng, chống lại nhất thể hoá trong một EU quá nhiều sự khác biệt.
Người Đức không chấp nhận ngang bằng với nước khác.
Khi EU bất ổn bởi tấn công khủng bố và những hành động phản kháng của công dân EU, thì chắc chắn đây là cơ hội quá tốt cho Washington và Bắc Kinh khai thác lợi ích cho mình.
Hai đối thủ sẽ tận dụng thời cơ để làm thay đổi vị thế trong “bộ ba 10.000 tỷ USD”.
“Washington đã thất vọng về một thỏa thuận mà EU ký kết với Canada, bởi vì nó chứa đựng các yếu tố mà Hoa Kỳ không muốn thấy trong TTIP.”
Như vậy, khi TTIP bế tắc có thể khiến Washington có hành động trả đũa để đưa Brussels vào thế phải chấp nhận nhượng bộ.
Tuy nhiên, điều nguy hại là Washington và Bắc Kinh có thể hè nhau dìm Brussels xuống để hưởng lợi. Con bài chung mà cả hai có thể cùng sử dụng đó là nước Anh.
Chỉ cần London hiệu chỉnh chính sách thân thiện với Bắc Kinh, sau khi đã có lời cảnh báo từ vụ Hinkley Point. Lúc đó, cả Washington và Bắc Kinh hướng vào nâng tầm cho nước Anh thì EU sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn khôn lường.
Bởi lẽ, tín hiệu tốt từ nước Anh thời hậu Brexit luôn là nguy hại cho EU.
Tóm lại, việc nước Anh rời Liên minh Châu Âu đã gây ra hệ luỵ rất lớn cho liên minh kinh tế hùng mạnh này.
Brussels đang bắt đầu ngấm “đòn đau Brexit”, không chỉ bởi những đòn phản công tử bờ tây của eo biển Manche, mà còn bởi những hành động “đục nước béo cò” từ cả kẻ thù lẫn đối thủ và đối tác của EU.