Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc ngày 4/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn của thế giới tập trung tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xử lý khủng hoảng thép toàn cầu, thương lượng Brexit…
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục các nhà lãnh đạo G20 tránh các cuộc bàn thảo không hiệu quả. Theo ông Tập, kinh tế toàn cầu đang hồi phục nhưng đối mặt nhiều thách thức tài chính và thương mại. Trước hội nghị, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, IMF có thể sẽ giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017. Trước đó, sau khi có kết quả bỏ phiếu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của thế giới xuống 3,1% cho năm 2016 và 3,4% năm 2017.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên mà Thủ tướng Anh Theresa May tham dự. Tại cuộc họp báo chung giữa bà Theresa May và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Obama nói rằng, nhiệm vụ đầu tiên của Anh sau đợt trưng cầu ý dân về Brexit là “làm rõ Brexit nghĩa là gì đối với châu Âu”. Ông Obama nói thêm rằng, Mỹ sẽ ưu tiên đàm phán với Liên minh châu Âu, trước khi đàm phán với Anh, về hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo về tác động tiêu cực của Brexit đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Anh.
Xem xét dự án điện hạt nhân Anh mà Trung Quốc tham gia
Về dự án điện hạt nhân Hinkley Point có vốn đầu tư lên tới 18 tỷ bảng Anh, Thủ tướng Theresa May hôm qua nói rằng, bà sẽ “xem xét các bằng chứng và cân nhắc dự án này”. Trước đó, chính phủ Anh bất ngờ quyết định trì hoãn dự án có sự góp vốn của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc. “Tôi sẽ có quyết định (về dự án) trong tháng này”, Thủ tướng Anh nói hôm qua. Bà May sẽ thảo luận về Hinkley Point với ông Tập trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước về quyết định trì hoãn dự án.
Tháng trước, lãnh đạo Bộ Nội vụ Anh nói rằng, Thủ tướng May không hài lòng về cách tiếp cận sốt sắng đối với việc đầu tư của Trung Quốc trong dự án Hinkley Point mà chính phủ tiền nhiệm thúc đẩy. Theo ông Nick Timothy – cố vấn của bà May, tình báo Anh tin rằng, việc tham gia Hinkley Point sẽ tạo điều kiện cho các điệp viên Trung Quốc tiếp tục hoạt động chống lại lợi ích của Anh.
Việc Trung Quốc tiếp tục sản xuất thép giá rẻ một cách ồ ạt cũng là một vấn đề trong ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng, Trung Quốc phải xử lý vấn đề thừa công suất công nghiệp của mình. Việc ngành thép châu Âu mất quá nhiều việc làm vào tay Trung Quốc những năm gần đây là “không thể chấp nhận được”, ông Juncker nói. “Thừa công suất là một vấn đề toàn cầu, nhưng có một nhân tố đặc biệt là Trung Quốc”, ông nhận định.
Ông Juncker cũng bảo vệ quyết định của Liên minh châu Âu về việc buộc hãng Apple phải trả 13 tỷ euro tiền thuế chưa trả. “Chúng tôi ra quyết định dựa trên thực tế và luật pháp. Đây không phải là một quyết định chống lại Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói.
Lùm xùm quanh chuyện đón tiếp ông Obama
Sáng Chủ nhật, phía Trung Quốc trải thảm đỏ đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo G20 tới Hàng Châu dự hội nghị thượng đỉnh, như Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Nga, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Brazil, Thủ tướng Anh… Nhưng khi máy bay chở Tổng thống Mỹ Barack Obama hạ cánh xuống sân bay chiều thứ Bảy, phía chủ nhà không cung cấp thang nâng, khiến ông chủ Nhà Trắng phải ra khỏi chiếc Air Force One bằng cửa bụng – lối đi hiếm khi dùng.
Ngay sau khi máy bay của ông Obama hạ cánh, một quan chức Trung Quốc tìm cách cản đường cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice bước tới đoàn xe mô tô hộ tống khi bà vượt qua khu vực dành riêng cho báo chí. Vị quan chức Trung Quốc nói với bà một cách giận dữ, trước khi một đặc vụ Mỹ bước tới can thiệp. Hiện chưa rõ vị quan chức Trung Quốc có biết bà Rice là một quan chức cấp cao, không phải là phóng viên hay không. Cũng vị quan chức này quát vào mặt một trợ lý báo chí Nhà Trắng khi người này đang hướng dẫn các phóng viên nước ngoài về vị trí tác nghiệp khi Tổng thống Obama rời Air Force One. “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”, vị quan chức Trung Quốc giận dữ nói bằng tiếng Anh.
Bà Susan Rice nói rằng, bà ngạc nhiên trước cách thức tiếp đón ông Obama tại sân bay Hàng Châu. “Họ (Trung Quốc) làm những việc mà ta không thể đoán trước được”, bà nói. Ông Jorge Guajardo, cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc, cho rằng, việc tiếp đón Tổng thống Obama như vậy không phải là vô tình mà là cố ý, nhằm hạ thấp hình ảnh của Mỹ.