Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã kết thúc nhưng báo chí nhiều nơi vẫn tiếp tục đưa tin và bình luận về các sự cố khi Tổng thống Mỹ, Obama đến Trung Quốc dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước G20. Cách hành xử của Trung Quốc như người xưa nói là chó cậy gần nhà. Sự cố Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng cầu thang thông thường không có thảm đỏ khi ông bước xuống máy bay tại sân bay thành phố Hàng Châu đã gây ra nhiều suy đoán rằng Tổng thống Mỹ không được Bắc Kinh đón tiếp chu đáo. Ngày 4-9 tờ Thời báo Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, một quan chức Washington đã quyết định dùng cầu thang thường và từ chối đề nghị của Bắc Kinh nhằm cung cấp thang bộ có trải thảm đỏ cho nhà lãnh đạo Mỹ giống các nguyên thủ khác.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng cầu thang thông thường không có thảm đỏ khi ông bước xuống máy bay tại sân bay thành phố Hàng Châu.
Nhưng còn các sự cố khác phía Trung Quốc đến nay không đưa ra lời giải thích nào. Thứ nhất là việc một quan chức Trung Quốc đã cản trở cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice khi bà đi qua khu vực dành cho truyền thông và tiến tới đoàn xe hộ tống Obama. Vụ việc này đã khiến hai quan chức nảy mâu thuẫn và đôi co với nhau. Thứ hai, quan chức nêu trên cũng cản trở các nhà báo khi họ đứng đúng vị trí sau dãy ngăn để tác nghiệp đưa tin về tổng thống Obama tại sân bay. Việc này khiến cho một trợ lý báo chí của Nhà Trắng phải can thiệp thì bị chính vị quan chức Trung Quốc nêu trên nổi nóng và khi đôi co đã có lời khiếm nhã. Thứ ba, an ninh Trung Quốc tiếp tục cản trở các nhà báo vào phòng hội đàm của hai nhà lãnh đạo.
Trước các sự cố nêu trên một số nhà ngoại giao cho rằng Trung Quốc cố ý gây sự cố ngoại giao này. Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, ông Jorge Guajardo lên tiếng “Trung Quốc biết cách phải đón tiếp các nhà lãnh đạo tại sân bay như thế nào cho đúng. Họ sẽ không làm sai trừ khi họ muốn như vậy”, sự cố này là một “thông điệp mà Chính phủ Trung Quốc gửi tới người dân rằng họ có thể phớt lờ Tổng thống Mỹ”.
Trước khi đến Trung Quốc, ngày 2-9 trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN, Tổng thống Barack Obama nói rằng Mỹ ủng hộ Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” nhưng Bắc Kinh cần hiểu rằng “sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng cao”, “khi chúng tôi thấy họ (Trung Quốc) vi phạm luật pháp và chuẩn mực Quốc tế, như chúng ta đã thấy trong một số vụ việc ở Biển Đông hay trong một số hành vi của họ về chính sách kinh tế, chúng tôi luôn cứng rắn. Và chúng ta phải cho họ thấy rằng hành động đó sẽ phải gánh chịu hậu quả”, ông Obama nhấn mạnh.
Phát biểu của Tổng thống Obama trước ngày đi dự Thượng đỉnh G20 chắc chắn đã làm Trung Quốc khó chịu. Các sự cố nêu trên rất có thể là sự “trả đũa” của Bắc Kinh.
Ngược lại với cách hành xử của Bắc Kinh, ông Obama đã phát biểu với báo giới trước thềm khai mạc Hội nghị G20 chiều ngày 4-9 rằng mọi người không nên “nghiêm trọng hóa” vấn đề, đồng thời cho biết sự cố xảy ra do sự khác nhau trong phương thức hậu cần ở mỗi nước. Có thể thấy thái độ “không chấp” của Obama.
Điều có thể khẳng định là Trung Quốc đang muốn trở thành vị trí “số một” Thế giới, họ không bao giờ muốn báo chí Thế giới đưa tin dày đặc về sự kiện Tổng thống Mỹ tham dự G20 diễn ra trên chính đất nước họ.
Trong lịch sử các hoàng đế Trung Quốc luôn coi mình là “Trung tâm Vũ trụ”, họ luôn bắt các nước trong khu vực thần phục. Ngày nay lãnh đạo Trung Quốc không chỉ muốn các nước trong khu vực mà muốn cả Thế giới phải “thần phục” phải coi họ là số một. Nhưng cách mà họ làm là bất chấp luật pháp Quốc tế, sẵn sàng xâm chiếm đất đai, biển đảo của nước khác bằng sức mạnh quân sự, thậm chí trả thù Tổng thống Mỹ bằng hành động của tiểu nhân thì chắc chắn giấc mơ của họ không bao giờ thành hiện thực. Muốn làm Hoàng đế nhưng hành xử kiểu tiểu nhân thì không bao giờ được người khác tôn trọng.