Tổng thống Philippines từng thóa mạ Giáo hoàng và đại sứ Mỹ tại Philippines bằng ngôn từ tục tĩu.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 5/9 đe dọa sẽ gọi ông Obama là “con của gái gọi” nếu bị hỏi về số người bị bắn chết không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Tổng thống Mỹ sau đó hủy cuộc gặp song phương với người đồng cấp Philippines tại Lào.
Ông Duterte bày tỏ hối tiếc khi phát biểu của ông trước báo chí gây ra rất nhiều tranh cãi và nói rằng bình luận của mình vốn không nhằm công kích cá nhân ông Obama.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Philippines văng tục khi nói về các lãnh đạo thế giới, theo Time.
Trong bài phát biểu thông báo quyết định tranh cử tổng thống Philippines, ông Duterte đã chỉ trích Giáo hoàng Francis vì gây ùn tắc giao thông ở Manila, khi ông đến thăm nước này hồi năm ngoái.
“Chúng tôi đã mất 5 tiếng đồng hồ để đi được từ khách sạn đến sân bay. Tôi hỏi mọi người rằng ai đến thế và họ bảo đó là Giáo hoàng. Lúc đó, tôi muốn nói với ông ấy rằng: “Giáo hoàng, con của gái gọi, hãy về nhà đi. Đừng đến thăm nữa”, ông Duterte nói.
Tuy nhiên, ông Duterte sau đó bày tỏ mong muốn đến thăm Vatican để đích thân xin lỗi Giáo hoàng. Ông cũng viết thư xin lỗi Giáo hoàng. Vatican đã hồi đáp rằng Giáo hoàng sẽ cầu nguyện cho ông trong chiến dịch tranh cử.
Tháng trước, ông Duterte cũng gây ra một tranh cãi ngoại giao với Washington khi ông gọi Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg là “gã đồng tính” và “con của gái gọi”. Mỹ đã triệu đại sứ Philippines ở Mỹ để yêu cầu giải thích về vấn đề này.
Ông Duterte hôm 2/9 nói rằng ông sẽ không gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Lào, vì ông “không có thời gian”, Business Standard đưa tin. Hồi tháng 8, ông đã gọi Liên Hợp Quốc là “ngu ngốc” vì tổ chức này lên tiếng về cuộc chiến ma túy của Philippines. Ông cũng dọa rút khỏi Liên Hợp Quốc nhưng sau đó giải thích rằng ông chỉ nói đùa.
Không chỉ có những phát biểu thiếu ngoại giao với các lãnh đạo khác, ông Duterte cũng nhiều lần có các bình luận về các vấn đề nhạy cảm, khiến dư luận xôn xao.
Năm 1989, Jacqueline Hamill, một phụ nữ Australia, bị hãm hiếp và bị giết trong một cuộc bạo loạn tại nhà tù mà cô làm việc ở thành phố Davao, miền nam Philippines. Ông Duterte, khi đó là thị trưởng Davao, nhắc đến vụ việc khi phát biểu trong chiến dịch tranh cử.
“Họ cưỡng hiếp tất cả phụ nữ”. “Khi họ đưa các nạn nhân ra, tôi nhìn thấy cô gái người Australia này. Tôi nhìn khuôn mặt của cô ấy và nghĩ: Trời đất ạ. Thật đáng tiếc. Họ đã lần lượt hãm hiếp cô ấy. Tôi rất tức giận vì cô ấy bị hãm hiếp nhưng cô ấy rất đẹp. Tôi nghĩ lẽ ra thị trưởng phải là người đầu tiên”.
Trong một bài phát biểu trước 10.000 người ủng hộ ở Taguig, Davao khi vẫn còn là thị trưởng, ông Duterte nói với đám đông rằng ông không chỉ có hai vợ mà còn có hai bạn gái.
“Tôi có một người vợ ốm. Sau đó, tôi lấy vợ hai, cô ấy đến từ Bulacan”, ông nói, theo Inquirer. “Tôi còn có hai bạn gái. Một người đang là nhân viên thanh toán còn người còn lại làm việc cho một cửa hàng mỹ phẩm tại trung tâm thương mại. Cô làm việc tại cửa hàng mỹ phẩm trẻ hơn nhưng cô kia lại đẹp hơn”.
Phát biểu tại một sự kiện ở Pasay năm ngoái, ông Duterte còn tiết lộ rằng ông rất biết ơn thuốc cường dương Viagra và muốn trao thưởng cho hãng sản xuất Pfizer.
Nguy cơ tự cô lập
Theo Inquirer, nghị sĩ Philippines Raul Daza lo sợ lời thóa mạ của ông Duterte với ông Obama có thể hủy hoại quan hệ ngoại giao của nước này với các đồng minh.
“Tôi sợ rằng nếu chúng ta tiếp tục những bình luận như thế này, chúng ta có thể tự cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới”, ông Daza nói.
Nghị sĩ Edgar Erice thì cho rằng ông Duterte nên học một khóa kiềm chế tức giận để ngăn chặn tình huống tương tự xảy ra.
Nghị sĩ Gary Alejano cho rằng Tổng thống Philippines nên thận trọng và không nên làm các nước khác tức giận, đặc biệt là các đồng minh.
“Vào thời đại này, hợp tác quốc tế rất quan trọng vì các nước hiện giờ có lợi ích đan xen về chính trị, ngoại giao, và quân sự”, ông Alejano nói.