Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTại G20 : TQ – “Gái ... già mồm”?

Tại G20 : TQ – “Gái … già mồm”?

Theo Reuters, trong quá trình diễn ra Hội nghị G20 tại Hàng Châu, các quan chức và truyền thông Trung Quốc cùng hô hào phương Tây gỡ bỏ chế độ bảo hộ kinh tế, trong khi chính Trung Quốc đang bị chỉ trích vì chỉ biết tận dụng thị trường nước khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (L) cùng các quan chức chính phủ khác của
hai nước trong một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hôm 5/9/2016.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc vừa ca ngợi việc hội nghị đã thành công tốt đẹp và không bị phủ bóng bởi các tranh chấp ở Biển Đông vừa chỉ trích phương Tây đã cố cản trở tham vọng kinh tế của Bắc Kinh.

Một bài viết trên hãng thông tấn Tân Hoa Xã hôm 5/9 có đoạn mỉa mai chính sách của Mỹ và một số nước phương Tây đối với các mặt hàng Trung Quốc: “Đối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ nên kiềm chế chế độ bảo hộ nền công nghiệp trong nước và tháo dỡ các biện pháp chống thương mại vì chủ nghĩa cô lập kinh tế không phải là một giải pháp để giải quyết tình trạng tăng trưởng chậm chạp”.

Tân Hoa Xã còn viết thêm: “Để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu cởi mở, toàn diện, dựa trên các nguyên tắc, cần phải ngăn chặn việc chế độ bảo hộ đang làm xói mòn nền tảng giúp phục hồi kinh tế một cách nhanh hơn và bền vững hơn”.

Trước khi G20 diễn ra, Trung Quốc đã đặc biệt khó chịu với những chỉ trích và nghi ngờ của nhiều nước đối với đầu tư từ Trung Quốc. 

Một vài tuần trước, Australia đã chặn việc bán gói thầu điện lực trị giá 10 tỷ đô la Úc (khoảng 7,7 tỷ USD) cho các nhà thầu Trung Quốc, trong khi nước Anh trì hoãn một dự án hạt nhân trị giá 24 tỷ USD có đầu tư từ Trung Quốc. Thậm chí, Australia còn ban hành cẩm nang cảnh báo các nghị sĩ nước này phải cảnh giác với các dự án đầu tư từ Trung Quốc.

Trong khi đó, các quan chức phương Tây cáo buộc ngược lại rằng, chính Trung Quốc mới là nước không thực sự cởi mở thị trường và đang áp dụng thái quá chính sách bảo hộ khiến các nhà đầu tư bị hạn chế rất nhiều tại thị trường Trung Quốc.

Một mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc là họ thấy ngày càng khó khăn khi kinh doanh tại Trung Quốc, do luật pháp và chính sách mới của Bắc Kinh đang tìm cách cản trở họ.

Ông James Zimmerman, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã báo động về sự cần thiết trong việc đối phó với sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới. Nhưng cần phải hành động thay vì lời nói và Trung Quốc nên thực hiện các cải cách cần thiết ở trong nước,  mở cửa thị trường hơn với các hàng hóa, dịch vụ và công nghệ nước ngoài”.

Theo ông Zimmerman, Trung Quốc cần có những chính sách khuyến khích mở cửa cho tất cả những người tham gia, chứ không chỉ cho vài người trong thị trường nội địa.

Một ví dụ về việc Trung Quốc đang bị Mỹ và các nước phương Tây chỉ trích đó là về ngành thép. Các nước đang bị khủng hoảng về sản xuất thép như Anh cho rằng thép nhập khẩu giá rẻ do được bảo hộ của Trung Quốc là nguyên nhân khiến nhiều nhà máy thép của họ bị phá sản.

Một số nhà ngoại giao tại G20 cho biết Trung Quốc phản đối việc đưa thép vào trong thông cáo chung. Tuy nhiên, cuối cùng vấn đề về thép đã được các nhà lãnh đạo G20 cho vào thông cáo chung sau khi kết thúc hội nghị dưới tác động lớn của Anh và Mỹ.

Trước đó,  trong cuộc phỏng vấn với CNN ngay trước khi tới Trung Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhấn mạnh, Trung Quốc cần có trách nhiệm hơn và cần tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.

Ông cho rằng Trung Quốc phải xây dựng môi trường thương mại công bằng chứ không chỉ tự do. Ông nói: “Bạn phải mở cửa thị trường của mình nếu bạn muốn những người khác mở cửa thị trường với bạn”.

Ông Obama nói thêm: “Một phần những vấn đề tôi đang cố nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Mỹ có được sức mạnh một phần là do đã kiềm chế được bản thân. Bạn biết đấy, chúng ta ràng buộc mình vào một loạt các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế đó là vì chúng ta nhận ra rằng trong dài hạn, việc xây dựng một trật tự quốc tế chặt chẽ đem lại lợi ích cho chúng ta”.

RELATED ARTICLES

Tin mới