Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iran Hoa Lê Minh đã dẫn chứng hậu quả nặng nề sau 36 năm đối đầu Mỹ của Iran, cũng như ngầm cảnh tỉnh Bắc Kinh nếu cố tình “dẫm vào vết xe đổ”.
Iran đã rất lao đao vì chọn con đường đối đầu với nước Mỹ. (Ảnh:businessinsider)
Trong những năm gần đây, những động thái của Trung Quốc trên lĩnh vực hàng hải – bao gồm vấn đề biển Đông – hay lĩnh vực kinh tế đều thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới.
“Bài học 36 năm” của Iran
Theo giới quan sát, Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi trật tự thế giới hiện có. Tuy nhiên ngày 4/9, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông), cựu Đại sức Trung Quốc tại Iran Hoa Lê Minh cảnh báo: “Đắc tội với Mỹ sẽ phải trả giá rất đắt”.
Cựu đại sứ này khi đề cập đến trật tự quốc tế đã công nhận rằng, Mỹ hiện là siêu cường duy nhất, không chỉ có lực lượng quân sự và kinh tế đứng đầu thế giới mà quan trọng hơn chính là “sức mạnh mềm” cũng rất mạnh.
“Nếu Mỹ muốn đối đầu với một nước, nước này sẽ phải trả giá. Ví dụ điển hình nhất chính là Iran”, Hoa Lê Minh nhấn mạnh.
Ông này chỉ ra, sau cuộc Cách mạng Iran năm 1979, nước này đã chọn con đường đối đầu với Washington và 36 năm sau đó, Tehran đã phải trả một cái giá rất đắt, thậm chí hy sinh cả một thế hệ cho đến khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015.
“Thế giới ngày nay, [các nước] không thể đắc tội với nước Mỹ. Họ [Mỹ] có thể không phái tàu chiến, không đưa máy bay đi xâm lược nhưng họ có thể trừng phạt kinh tế, hoặc cô lập [bạn] về ngoại giao”, ông Hoa tiếp tục đưa ra cảnh cáo.
Đa chiều (Mỹ) ngày 5/9 dẫn nguồn bài viết trên tạp chí The National Interest (Mỹ) nhằm chứng minh nhận định trên.
Theo NI, nếu Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự tại bãi cạn Scarborough, Washington đầu tiên sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao, bao gồm tạm dừng đàm phán hiệp định đầu tư song phương và tiếp tục hủy bỏ các cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế.
“Nếu nước Mỹ quyết tâm khai chiến trên biển Đông sẽ cực kỳ nguy hiểm”, tờ này nhận định.
TQ rời xa chiến lược ngoại giao Đặng Tiểu Bình
“Trung Quốc giờ đây đã không còn khiêm tốn như trước… Ở một số mặt, chính là quân sự”.
Đây là nhận định của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski khi bình luận về việc Bắc Kinh có hay không thay đổi chiến lược ngoại giao “thao quang dưỡng hối, vĩnh bất tranh bá” (giấu sức mạnh, phô cái yếu, mãi mãi không tranh bá) của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Ông Brzezinski cũng cho rằng, về mặt lí luận, những thay đổi của Trung Quốc đã rất rõ ràng và không thể tranh cãi cho nên nước này có nhiều lý do để “tự hào” và việc “không khiêm tốn như trước kia” cũng là điều dễ hiểu.
Đặc biệt theo Brzezinski, thành tựu kinh tế Trung Quốc hiện có sức ảnh hưởng tới rất nhiều nước trên thế giới và điều này giúp Trung Quốc dễ dàng tìm kiếm những “đồng minh tiềm năng quan trọng”.
Tuy nhiên, theo vị cố vấn này, Trung Quốc cũng nên cẩn thận, bởi ví như xung đột Trung Đông hiện nay sẽ trở thành vấn đề địa chính trị ảnh hưởng toàn cầu. Vấn đề Trung Đông có thể sẽ dẫn đến xung đột giữa Iran và Israel, thậm chí có thể dẫn đến xung đột hạt nhân.
Bất kỳ một trong những tình huống trên xảy ra đều sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, đồng thời tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc.
Năm 2015, một bài viết trên The National Interest chỉ ra, nếu nền kinh tế Trung Quốc gặp khủng hoảng thì nước này sẽ mất đi “tính đe dọa” về sức mạnh quân sự.
Nhưng nếu kinh tế Trung Quốc dẫn đầu thế giới, chính phủ của họ sẽ tỏ ra cứng rắn, táo bạo hơn thông qua những chính sách ngoại giao mang nhiều tham vọng và mạo hiểm.
Tờ này cho hay, hiện giới quan sát Trung Quốc tin rằng, sức mạnh của phương Tây cũng như nước Mỹ đang giảm dần và không tránh khỏi suy yếu, ngược lại Bắc Kinh đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Bắc Kinh hiện không những bành trướng, mở rộng ảnh hưởng trên lĩnh vực kinh tế mà còn bắt đầu công khai thách thức trật tự an ninh do Mỹ dẫn đầu ở khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, ngạo mạn và kiêu căng sẽ khiến Bắc Kinh vấp phải những khó khăn về chính sách kinh tế và an ninh mà Đặng Tiểu Bình gặp phải trước kia.
Do đó, cựu Đại sứ Hoa Lê Minh đưa ra kiến nghị, Bắc Kinh cần kiềm chế và nâng cao “sức mạnh mềm”, đặc biệt cần thêm nhiều đối tác, đồng minh nhằm nhận được sự tôn trọng thực sự của các nước trên thế giới.
“[Trung Quốc] cần cho thế giới thấy, Trung Quốc là nơi mà thế giới có thể hướng đến. Đây là điều [Trung Quốc] hiện nay vẫn chưa thể làm được”, ông Hoa kết luận.