Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐừng để khác biệt nhỏ làm rào cản trong quan hệ Việt...

Đừng để khác biệt nhỏ làm rào cản trong quan hệ Việt – Nga

Việt – Nga có rất nhiều điểm chung có thể mang lại lợi ích thiết thực cho hai dân tộc, không nên để những khác biệt nho nhỏ trở thành rào cản.

Giáo sư Dmitry Mosyakov, ảnh: Sputnik News.

Ngày 5/9 tờ Sputnik News bản tiếng Anh và tiếng Trung Quốc của Nga đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc chống lại Phán quyết Trọng tài ngày 12/7 về vụ kiện Biển Đông khiến dư luận đặc biệt quan tâm, chú ý.

Ngày 6/9, phiên bản tiếng Việt của Sputnik News đăng bài viết dẫn lời Giáo sư Dmitry Mosyakov nhận định: “Nga không công nhận quyết định của Tòa án Hague không phải về nội dung mà về hình thức”.

Nhà phân tích chính trị Dmitry Mosyakov được Sputnik News dẫn lời bình luận: 

“Trước hết, từ tuyên bố này cần hiểu rằng Nga không công nhận quyết định của Tòa, không phải là về bản chất, mà là về hình thức. 

Tức là không phải bởi trong phán quyết nói rằng đường chín đoạn không đúng, hoặc rằng kết luận không đúng của Tòa án về hòn đảo hoặc các ngư dân Philippines — hoàn toàn không phải vậy. 

Tổng thống Nga không nói như thế. Ông đã nhấn mạnh rằng đây không phải là lập trường chính trị mà thuần túy là dưới nhãn quan pháp lý.  

Tổng thống đã nói rằng Nga không công nhận phán quyết của Tòa án vì trong một phiên tòa cần có sự tham gia của cả hai bên, thế nhưng đã chỉ có một bên hiện diện. 

Trung Quốc không tham gia vào phiên tòa này và đã không thể bảo vệ lập trường của nước mình theo đúng thể thức”.

Nhưng những lời nhận xét đó, — theo chuyên viên Nga — tuyệt nhiên không có nghĩa là Nga công nhận toàn bộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Đây là điểm rất quan trọng.

Bản tiếng Trung Quốc và tiếng Anh của Sputnik News không có nội dung “giải thích thêm cho rõ” phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin.

Điều này khiến người viết tin rằng, Sputnik News tiếng Việt muốn xoa dịu những phản ứng có phần thất vọng của một bộ phận bạn đọc Việt Nam có tình yêu mến nước Nga ngày nay, Liên Xô ngày trước và với cá nhân ngài Putin.

Điều này cho thấy Sputnik News tiếng Việt rất coi trọng tình cảm của bạn đọc Việt Nam đối với nước Nga cũng như Tổng thống Putin.

Tuy nhiên người viết tự nghĩ, liệu có cần thiết phải nói thêm cho rõ về một tuyên bố rõ ràng, giấy trắng mực đen? Giải thích thêm như vậy có làm thay đổi suy nghĩ của bạn đọc về phát biểu của Tổng thống Putin hay không?

Càng giải thích càng rối

Người viết xin nhắc lại điều đã khẳng định trong bài trước, rằng Tổng thống Putin ủng hộ ai hay quốc gia nào là quyền của ông ấy, dựa trên các tính toán về lợi ích của Nga.

Là người đứng đầu nước Nga, quyết định của ngài Tổng thống phải đặt lợi ích của nước Nga lên trước và trên hết.

Tuy nhiên, vì Tổng thống khẳng định điều ngài nói chỉ là vấn đề thuần túy pháp lý, không phải vấn đề chính trị, nên người viết có vài lời bình luận về góc độ pháp lý của vấn đề, cùng tác động ảnh hưởng của nó.

Nay Giáo sư Dmitry Mosyakov giải thích thêm dường như lại càng làm vấn đề thêm rối, bởi nó mâu thuẫn và bộc lộ những sơ hở về mặt nhận thức pháp lý, có thể dẫn đến những ảnh hưởng lợi bất cập hại.

Tổng thống Putin đã nói:

“Đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là thuần túy pháp lý.

Nó có liên quan đến một thực tế rằng bất kỳ một thủ tục tố tụng trọng tài nào đều phải được khởi xướng bởi các bên tranh chấp, trong khi Tòa Trọng tài cần nghe những lập luận và quan điểm của các bên tranh chấp.

Như bạn đã biết, Trung Quốc đã không chấp nhận giải quyết qua cơ chế trọng tài ở Lahay và không ai nghe thấy lập trường của họ ở đó. Làm thế nào bạn có thể nhận thấy những phán quyết này là công bằng?”

Không ai có thể nắm hết mọi thông tin về một vụ việc cụ thể phức tạp như vụ kiện quốc tế này, đặc biệt là đối với nguyên thủ một cường quốc như Nga với trăm công, ngàn việc mỗi ngày.

Do đó có thể nói, bộ phận tham mưu của Putin đã không hoàn thành nhiệm vụ khi cung cấp thông tin thiếu kiểm chứng một cách độc lập, khách quan và thượng tôn pháp luật cho Tổng thống.

Lập luận trong câu nói này của ông Putin về mặt pháp lý không ổn.

Thứ nhất, cả Trung Quốc và Philippines, tức bên bị và bên nguyên của vụ kiện áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông đều là 2 quốc gia thành viên Công ước, có nghĩa vụ tuân thủ mọi nội dung quy định trong Công ước, bao gồm Phụ lục VII.

Phụ lục VII, UNCLOS 1982 quy định rất rõ về tiến trình tố tụng của các nước thành viên Công ước đối với việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 từ một nước thành viên khác của Công ước.

Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có đầy đủ thẩm quyền xem xét, thụ lý vụ kiện bất luận bên bị là Trung Quốc có tham gia hay không. Phán quyết của Tòa có giá trị chung thẩm.

Hội đồng Trọng tài đã được thành lập đúng trình tự, thủ tục quy định tại Phụ lục VII, UNCLOS 1982 và mỗi bước đều được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là cơ quan thư ký thông báo cho các bên liên quan, bao gồm Trung Quốc, với đầy đủ thủ tục lẫn thời hạn.

Tuy nhiên Bắc Kinh đã liên tục khước từ các quyền hợp pháp của mình.

Thứ hai, Tổng thống Putin nói: “không ai nghe thấy lập trường của họ ở đó. Làm thế nào bạn có thể nhận thấy những phán quyết này là công bằng?” Điều này cũng không đúng.

Mặc dù Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa, nhưng vẫn thể hiện rõ lập trường và lập luận của họ bằng Công hàm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29/7/2013. 

Ngày 14/11/2013 Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Tòa đã gửi một lá thư nhắc nhở các bên kiềm chế, không liên hệ riêng với cá nhân các Trọng tài viên của Hội đồng Trọng tài.

Ngày 7/12/2014 Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố tuyên bố về lập trường của chính phủ nước này xung quanh vụ kiện do Philippines khởi xướng.

Ngày 8/12/2014 Đại sứ quán Trung Quốc gửi đến PCA một công hàm đề nghị Tòa cung cấp bản tuyên bố ngày 7/12/2014 bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh cho 5 thành viên Hội đồng Trọng tài.

Như vậy ai tham mưu cho Tổng thống Putin rằng, lập trường của Trung Quốc không được lắng nghe tại phiên tòa là không đúng sự thật.

Trung Quốc có vận động hành lang đối với Nga hay không?

Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow ngày 6/9 được đài BBC tiếng Việt dẫn lời cho biết:

“Phần đầu trong tuyên bố của Putin chỉ là lặp lại lập trường lâu nay của Nga, rằng chúng tôi không có ý kiến gì về tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và các nước láng giềng, nhưng chúng tôi cực lực phản đối các thế lực ngoài khu vực (ám chỉ Hoa Kỳ) can thiệp vào vấn đề này.

Phần thứ hai thì quan trọng hơn. Đây là lần đầu tiên ông Putin tuyên bố Nga không thừa nhận phán quyết của tòa trọng tài PCA.

Phát biểu của Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc.

Bắc Kinh đã rất nỗ lực để kêu gọi ủng hộ của quốc tế nhưng cho tới nay mới chỉ có một số quốc gia, đa phần không có biển, lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh cũng vận động Moscow một thời gian rất dài nhưng không có kết quả.

Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.

Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa Trọng tài PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea.”

Nhận xét của chuyên gia Vasily Kashin rằng, phát biểu của Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc sau nhiều nỗ lực vận động Moscow nhưng bất thành, lại ngược lại với chính những gì Tổng thống Nga đã nói.

“Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đã phát triển sự tin cậy lẫn nhau, quan hệ rất thân thiện. 

Nhưng ông không bao giờ, tôi muốn nhấn mạnh điều này, không bao giờ tiếp cận tôi với yêu cầu bằng cách nào đó hãy bình luận, bằng cách nào đó hãy can thiệp vào vấn đề này.

Chúng tôi tất nhiên có ý kiến của riêng mình về vấn đề này.” Tổng thống Putin khẳng định.

Có thể đúng là ông Tập Cận Bình chưa bao giờ trực tiếp vận động ông Putin ủng hộ Trung Quốc chống lại Phán quyết Trọng tài, nhưng không có nghĩa là điều đó loại trừ khả năng thuộc cấp của hai nhà lãnh đạo làm việc này.

Điều này khiến người viết đặt câu hỏi, phải chăng thông tin mà Tổng thống Putin có được hoàn toàn do phía Trung Quốc cung cấp? 

Nếu các trợ lý của ông chủ Điện Kremlin làm việc khách quan và có trách nhiệm, thì sẽ không bao giờ để thủ trưởng của mình sử dụng những thông tin sai lệch về tiến trình pháp lý của một vụ kiện trọng tài quốc tế như vậy.

Dư luận bạn đọc Việt Nam có nhiều người buồn, thậm chí thất vọng về những phát biểu của Tổng thống Putin với Biển Đông. Nhưng người viết thiết nghĩ, tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Trong khi Trung Quốc đã tuyên truyền như vũ bão, thậm chí tìm cách chủ động tiếp cận và cung cấp thông tin sai lệch theo ý đồ chính trị của họ, không loại trừ cả hoạt động vận động hành lang với lãnh đạo các nước, bao gồm cả Tổng thống Nga thì chúng ta đã làm những gì, ngoài việc mình nói ta nghe?

Hơn nữa, những diễn biến mới này cho thấy đã đến lúc chúng ta nên dùng lý trí thay vì tình cảm để đánh giá, nhận xét một vấn đề.

Theo cá nhân người viết, chúng ta nên học cách nhìn thẳng sự thật, ứng xử dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thể hiện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20.

Trả lời câu hỏi về những căng thẳng xung quanh nhận thức khác nhau giữa Singapore và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, ông Lý Hiển Long nói rằng, hai nước khác nhau thì tự nhiên sẽ có quan điểm khác nhau trong một số vấn đề.

Đó là điều bình thường. Khi có quan điểm khác biệt, hai bên cần quản lý chúng, chấp nhận chúng và không để chúng ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể.

Đó là một thái độ hết sức thẳng thắn, chân thành, thiện chí và văn minh.

Người viết thiết nghĩ, điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp những phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin về Biển Đông. Hãy xem nó là điều bình thường, bởi suy cho cùng những tuyên bố chính trị không làm ảnh hưởng đến hiệu lực và giá trị của Phán quyết Trọng tài.

Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Nga có rất nhiều điểm chung có thể mang lại lợi ích thiết thực cho hai dân tộc, không nên để những khác biệt nho nhỏ trở thành rào cản hợp tác song phương.

Như vậy trên cơ sở lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc là tối thượng, kết hợp với bảo vệ các giá trị chuẩn mực luật pháp và thông lệ quốc tế hiện tại sẽ giúp chúng ta đánh giá nhìn nhận vấn đề chính xác, cái gì đúng nói đúng, cái gì sai nói sai.

Đồng thời không để một vài sự khác biệt ảnh hưởng đến tổng thể mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác. Bát đũa còn có khi xô, huống hồ quan hệ cấp quốc gia, quốc tế với nhiều mâu thuẫn và lợi ích đan xen phức tạp.

Người viết hy vọng rằng những cảm xúc nhất thời sẽ nhanh chóng được thay thế bởi cái nhìn toàn diện và tích cực. Bởi lẽ người viết cho rằng, nhìn nhận vấn đề bằng cảm xúc, và thể hiện quan điểm chỉ để thỏa mãn cảm xúc có thể đẩy chính chúng ta vào thế kẹt.

RELATED ARTICLES

Tin mới