Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTuyên bố vội vàng của ông Lê Phước Vũ

Tuyên bố vội vàng của ông Lê Phước Vũ

“Tôi chọn bắt cá, bắt tôm, chọn môi trường trong lành để phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp không khói là du lịch cho Cà Ná chứ không chọn nhà máy thép”.

“Tôi chọn đánh bắt tôm, cá cho Cà Ná

Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” của Tập đoàn Hoa Sen với công suất 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 10,6 tỉ USD đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025 đang khiến dư luận không khỏi lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM đã bày tỏ sự băn khoăn trước dự án này khi “Formosa là một bài học quá lớn mà chúng ta không tỉnh ngộ thì nguy. Đừng để Cá Nà thành bài học thứ hai”.

Theo GS Bá, hiện tại thép xây dựng thông thường trên thế giới đang thừa, nhất là ở Trung Quốc và họ tiến hành bán phá giá sang nhiều nước nên bị phản ứng dữ dội.

“Bây giờ mình sản xuất thép ra chất lượng có thể cạnh tranh với các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… không? Hay là lại đi theo con đường sản xuất thép của Trung Quốc.

Theo thông tin tôi được biết qua báo chí, thì các chuyên gia mà Tôn Hoa Sen mời vào thăm dò thiết kế là người Trung Quốc, ông Lê Phước Vũ có nói rằng, họ mới đi thăm dò còn chưa quyết định chọn ai nhưng tôi không tin tưởng lắm vào vào việc này.

Giá chào thầu của Trung Quốc thường thấp hơn nhưng công nghệ lại lạc hậu và quan trọng hơn là, không chỉ có nhà máy luyện cán thép mà còn nhiều nhà máy ở khu vực Cà Ná thì vùng ven biển này có thể gặp nguy hiểm”, GS Bá nêu.

GS môi trường cho rằng ông Lê Phước Vũ tuyên bố hơi thái quá - Ảnh 1.

GS.TSKH Lê Huy Bá. Ảnh: Tuổi trẻ.

Bình luận về việc đại diện lãnh đạo Hoa Sen khẳng định, với dự án Cà Ná, doanh nghiệp này “không để một giọt nước thải ra biển” và ông Lê Phước Vũ cũng nhấn mạnh “nếu dự án thép Hoa Sen – Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước…”, GS Bá cho rằng, tuyên bố như vậy là “hơi thái quá”.

“Tôi cho rằng, làm sao ông Vũ có thể đảm bảo được như vậy, bởi đối với khu luyện gang thép có rất nhiều các nhà máy phụ trợ thì sẽ sản sinh ra nhiều thứ không những nước thải mà còn là khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn… Khi đó, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sinh kế bị mất đi.

Còn như báo chí đã nói, số vốn của ông Vũ thực có để làm dự án này là hạn chế, ngoài ra phải huy động thêm, vay ngân hàng… Nếu chẳng may, xảy ra sự cố môi trường thì ông Vũ lấy đâu ra tiền mà đền”, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường nhấn mạnh.

Nhìn nhận thêm về phát ngôn “ngu gì không làm thép” của ông Vũ tại đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoa Sen, ông Bá đánh giá, đây là phát ngôn thiếu chuẩn mực.

“Bởi vì làm thép là ảnh hưởng đến môi trường. Như ý kiến của ông Chu Xuân Phàm, nguyên Giám đốc đối ngoại của Formosa dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tôi cho là đúng khi cho rằng “muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi…”.

Chúng ta bỏ tôm, bỏ cả là bỏ đánh bắt thủy hải sản mà đây nguồn lợi rất lớn cho nền kinh tế, đời sống của người dân và như những gì đã diễn ra ở Formosa thì du lịch, xã hội cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Chúng ta nên đi theo công nghệ sạch, thân thiện với môi trường chứ không cần gang thép quá nhiều đến như vậy.

Tôi chọn bắt cá, bắt tôm, chọn môi trường trong lành để phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp không khói là du lịch cho Cà Ná chứ không chọn nhà máy thép. Cá nhân tôi cũng mong, Chính phủ, Nhà nước cần có ý kiến về dự án này”, GS Bá đưa ý kiến.

Cần thận trọng

Trao đổi với chúng tôi, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, ông ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án lớn nhằm thay thế ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài, tuy nhiên phải hài hòa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích Quốc gia.

Với dự án thép tại Cà Ná – Ninh Thuận do Tập đoàn Tôn Hoa Sen đầu tư, theo ông Mại cần thận trọng.

“Lúc này không nên đầu tư thêm bất kỳ dự án thép nào nữa bởi dự án thép chúng ta đang đi sau các nước với quy mô mức trung bình, sản xuất khó cạnh tranh trong khi đầu tư lớn”, GS. Nguyễn Mại nhận định.

Ông Mại cũng thông tin, dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen đi vào hướng thép cuốn và thép cao cấp, đây cũng chính là mặt hàng Formosa đang đầu tư.

Trong khi theo thông tin, dự án gần như Hoa Sen phải nhập toàn bộ quặng sắt, than cốc, toàn bộ vật liệu khác… có nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thép, như vậy sẽ khó cạnh tranh.

Thực tế, hiện nay gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua. Vì vậy thay vì sản xuất thép doanh nghiệp Việt Nam nên đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano.

Mặt khác, gang thép được xếp vào công nghiệp cổ điển, ở các nước phát triển gần như không có nhà máy thép. Sự dịch chuyển được chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển như Việt Nam.

Ngoài vấn đề lợi nhuận không thể so với công nghệ hiện đại, có thể thấy sự dịch chuyển này xuất phát từ ảnh hưởng của môi trường. Theo đó, các dự án đầu tư như cán sắt, thép, nhuộm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Lấy lại thực tế từ Formosa, GS Nguyễn Mại cho rằng, thực tế, dự án của Formosa cũng từng thực hiện đánh giá tác động môi trường khá bài bản nhưng sau khi đưa vào vận hành thì không dễ đo đếm được lượng chất thải.

“Trên thế giới, khâu đánh giá tác động môi trường được coi trọng nhưng không quan trọng bằng việc theo dõi trong xây dựng, bắt đầu đưa vào vận hành. Liệu với dự án của Hoa Sen có thể thực hiện được điều đó không?”, nguyên Thứ trưởng Bộ KH – ĐT đặt câu hỏi

Còn GS.TSKH Phùng Viết Ngư, Hội KHKT Đúc luyện kim Việt Nam thì cho rằng, trong tình hình thực tế hiện nay, khi lượng thép trên thế giới, nhất là từ Trung Quốc đang thừa nhiều thì lợi nhuận đối với thép là khá khó khăn.

“Thông tin mà tôi có được thì Việt Nam mỗi năm dùng khoảng trên 10 triệu tấn thép, trong khi đó, theo kế hoạch thì nguyên Formosa khi đi vào hoạt động giai đoạn 1 hòa thành đã là trên 10 triệu tấn rồi nên không hiểu là nếu thêm nhà máy của Tôn Hoa Sen thì sẽ phát triển như thế nào, bán đi đâu?”, GS Ngư nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới