Những nhận định về quan hệ đồng minh chính trị, quân sự Trung – Nga không chỉ đến từ phương Tây, mà từ chính Trung Quốc và Nga.
Hình minh họa, ảnh: Internet.
Xã luận Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh ngày 13/9 bình luận, cuộc tập trận chung Trung – Nga đang diễn ra ở Biển Đông thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau.
Tờ báo cho biết, tác chiến chống tàu ngầm và chiếm đảo là hai nội dung bên cạnh cuộc tập trận bắn đạn thật. Chắc chắn đây là một cuộc tập trận chung quy mô lớn, có chiều sâu.
Hai nước đã thông báo rằng, cuộc tập trận này không nhằm vào một bên thứ ba nào, nhưng Mỹ – Nhật lại quá nhạy cảm, Thời báo Hoàn Cầu bình luận. Tờ báo viết:
“Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Nga được điều chỉnh một phần là do Hoa Kỳ duy trì chiến lược gây sức ép với cả hai nước.
Cuộc tập trận chung ở Biển Đông không khác nhiều so với các cuộc tập trận ở những vùng biển khác.
Tuy nhiên, Mỹ thường đưa tàu chiến đến thực hiện cái gọi là tự do hàng hải, và đã cố gắng lôi kéo cả Nhật Bản, Australia tham gia cùng trong một cuộc tuần tra quốc tế ở Biển Đông.
Trong những trường hợp như thế, họ chỉ có thể xem cuộc tập trận chung Trung – Nga như một phương tiện chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Cả Trung Quốc và Nga vẫn là hai cường quốc. Họ là đối tác chứ không phải đồng minh, và họ đang tăng cường hợp tác về chính trị và quân sự.
Động thái này được thúc đẩy bởi nhu cầu của chiến lược an ninh 2 nước mà không nhất thiết nhằm mục tiêu vào bất kỳ nước nào.
Bất cứ khi nào Mỹ và các đồng minh của mình gây áp lực lên Bắc Kinh hay Moscow, họ sẽ cảm thấy khả năng phục hồi sự phối hợp trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Mặc dù cả hai tái khẳng định rằng hai nước không tạo thành liên minh, phương Tây vẫn xem họ như đồng minh và dự đoán sự hỗ trợ quân sự lẫn nhau giữa hai nước sẽ diễn biến thế nào.
Cho đến nay Trung Quốc và Nga đã thể hiện sự tự tin của mình trong việc đối phó với các mối đe dọa quân sự một cách độc lập, và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước đã củng cố thêm sự tự tin này.
Washington và các đồng minh càng gây sức ép với Trung Quốc và Nga, sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước càng có kết quả.
Cả Trung Quốc và Nga vẫn là cường quốc hạt nhân. Nếu cả hai không thể bảo vệ an ninh của chính họ hoặc duy trì không gian chiến lược của họ để tồn tại và phát triển, thế kỷ 21 sẽ lấp đầy bởi bóng tối và kinh dị.
Miễn là một quốc gia thứ 3 không có động cơ thầm kín, họ không có lý do gì để lo lắng về cuộc tập trận chung Trung – Nga.
Nếu một số quốc gia nào đó đang tìm kiếm quyền bá chủ toàn cầu và chiếm lĩnh tây Thái Bình Dương thì nên suy nghĩ thận trọng, vì Trung Quốc và Nga khó có thể đối phó độc lập, họ sẽ liên kết với nhau.”
Người viết cho rằng, Thời báo Hoàn Cầu giải thích Trung – Nga không phải “đồng minh” là điều không cần thiết.
Những nhận định về quan hệ đồng minh chính trị, quân sự Trung – Nga không chỉ đến từ phương Tây, mà từ chính Trung Quốc và Nga.
Thậm chí Yue Gang, một Đại tá quân đội Trung Quốc nghỉ hưu nói với South China Morning Post, Bắc Kinh và Moscow lo ngại khả năng hình thành một liên minh quân sự Mỹ – Nhật – Hàn sau vụ THAAD và tập trận chung Trung – Nga là cách đối phó hiệu quả nhất.
Còn các học giả và truyền thông Nga đưa tin, bình luận về cuộc tập trận chung này, người viết đã đề cập ở những bài viết trước.
Trong tháng Sáu, Nhật Bản còn phát hiện 3 tàu hải quân gần quần đảo Senkaku / Điếu Ngư ở Hoa Đông.
Thứ hai, Thời báo Hoàn Cầu tự mâu thuẫn khi ở trên thì nói cuộc tập trận không nhằm vào nước nào, Mỹ và Nhật quá nhạy cảm. Ở dưới lại nói Trung – Nga điều chỉnh hợp tác vì Hoa Kỳ gây sức ép.
Cạnh tranh giữa các siêu cường ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng ngày càng gay gắt là thực tế không thể phủ nhận.
Nga đã chọn đứng hoàn toàn về phía Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông cũng là một thực tế không thể phủ nhận.
Những động thái này có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đông, tác động ảnh hưởng không chỉ đến Mỹ – Nhật mà Thời báo Hoàn Cầu nhắc đến, mà còn các nước khác trong khu vực.
Nhất là khi nội dung cuộc tập trận bắn đạn thật này có khoa mục tác chiến chống tàu ngầm, đổ bộ chiếm đảo. Điều này khiến các bên liên quan không thể không suy nghĩ.
Thứ ba, cho dù cuộc tập trận chung này được lên kế hoạch từ trước, nhưng nó diễn ra sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông chỉ 2 tháng, phát biểu của Putin ủng hộ Trung Quốc chống lại phán quyết này chỉ vài ngày.
Do đó, dù có cố gắng phủ nhận mối liên hệ giữa các sự kiện này cũng khó giảm bớt nghi ngờ trong dư luận.