Mỹ muốn Biển Đông căng thẳng ở mức độ đủ để có lợi cho Washington, nhưng không muốn nó vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh với ASEAN ở Lào
Bình luận trên Press TV mới đây, ông Michael Penn, một nhà báo và nhà bình luận chính trị chuyên về khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có một số nhận định đáng chú ý xung quanh sự can thiệp của Mỹ trong khu vực Biển Đông, sau phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một hội nghị thượng đỉnh của khu vực Đông Nam Á.
Trả lời câu hỏi “Mỹ đang làm gì ở Biển Đông?” của Press TV, ông Penn cho rằng, những gì Mỹ đang làm là cố gắng sắp xếp một liên minh của các quốc gia nhỏ dọc biên giới Trung Quốc để kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh, trước hết là sự bành trướng quân sự của nước này, sau đó là các kiểu bành trướng chính trị khác. Mỹ không muốn thấy Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực châu Á và bằng cách lợi dụng, hoặc làm việc với các nước nhỏ hơn, họ hi vọng sẽ “bao vây” được Trung Quốc ở một mức độ nào đó.
Theo ông Penn, Mỹ là một cường quốc toàn cầu và ít nhất từ năm 1945, không có một quốc gia đơn lẻ nào trên thế giới nào mà Mỹ không can thiệp ở một mức độ nào đó. Việc Mỹ quan tâm tới Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông là không có gì ngạc nhiên.
Trước một số ý kiến cho rằng, phát biểu của ông Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa diễn ra ở Lào có sự mâu thuẫn với hành động của Mỹ: Ông Obama nói về giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, làm giảm căng thẳng và mang lại sự ổn định cho Đông Nam Á, cho Biển Đông, nhưng Washington dường như lại đang khuấy động căng thẳng hơn nữa ở khu vực nhạy cảm này thông qua sự hiện diện quân sự, hay triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, ông Penn nhận định:
Mỹ muốn khu vực này có sự căng thẳng nhất định để khiến các nước nhỏ hơn bên cạnh Trung Quốc đủ quan ngại để “gia nhập” vào các liên minh chính trị, kinh tế và quân sự khác nhau với Mỹ.
Nhưng đồng thời, Mỹ lại không muốn kích động một cuộc chiến tranh “nóng” với Trung Quốc, bởi vì đây sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người, bao gồm cả nền kinh tế toàn cầu. Mỹ đang đầu tư sâu vào nền kinh tế toàn cầu và do đó, họ muốn giữ căng thẳng đủ độ để phục vụ cho lợi ích của Mỹ, chứ không muốn nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Nhưng khu vực cũng chẳng hòa bình, ổn định hơn nếu theo lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vừa qua: Tự giải quyết các vấn đề của mình.
Bởi, sẽ là lý tưởng với Trung Quốc nếu loại được Mỹ và Nhật Bản, cũng như các cường quốc khác ra khỏi khu vực, vì khi đó họ sẽ là thế lực mạnh nhất ở khu vực. Cũng như Mỹ, Bắc Kinh đang cố gắng tối đa hóa ảnh hưởng của họ. Và sự cạnh tranh giữa hai cường quốc này tạo ra cả cơ hội và rủi ro cho khu vực.