Truyền thông Hàn Quốc nhận định, hiện nay Trung Quốc hoặc phải ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên, hoặc tự nâng “ly rượu độc” cho chính mình.
Cơn địa chấn hơn 5 độ Richter gây ra từ việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần 5 hồi tuần qua. Ảnh: Reuters/VCG
Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, sau vụ thử hạt nhân hôm 9/9, Trung Quốc đang giữ vai trò quan trọng trong giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên bởi đây là vấn đề vô cùng bất lợi đối với Bắc Kinh.
Một bài xã luận đăng ngày 12/9 trên tờ Korea Times (Hàn Quốc) đã chỉ ra, đánh bại được tham vọng hạt nhân Bình Nhưỡng chỉ có thể là Trung Quốc.
Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên công bố tiến hành thành công thử nghiệm hạt nhân, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố “kiên quyết phản đối” động thái này.
Tuyên bố đốc thúc Bình Nhưỡng cần “tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chấm dứt mọi hành vi leo thang căng thẳng”.
Theo Korea Times, tuyên bố lần hoàn toàn giống với những tuyên bố trong gần 20 năm qua của Bắc Kinh mỗi lần Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, với mức độ phát triển và ảnh hưởng của chương trình hạt nhân Triều Tiên như hiện nay thì tuyên bố trên của Bắc Kinh thực sự khiến dư luận “chán nản”.
Tháng ba vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) nhất trí thông qua lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước tới nay đối với Bình Nhưỡng nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần 4 và phóng tên lửa. Đây là nghị quyết do Mỹ và Trung Quốc soạn thảo.
Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản như xuất khẩu than và yêu cầu Trung Quốc không cung cấp dầu khí cho Bình Nhưỡng. Điều này sẽ khiến chính phủ của ông Kim Jong Un đối mặt với khó khăn trong việc kiếm ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu lao động.
Hiện nay Trung Quốc một mặt bao biện cho phản ứng của mình, mặt khác liên tục chỉ trích phương thức đối phó với Bình Nhưỡng của Washington, đồng thời kêu gọi Mỹ – Triều cần tiến hành đối thoại trực tiếp.
Theo giới quan sát, những động thái trên chứng tỏ Bắc Kinh khó lòng dứt bỏ Bình Nhưỡng vì giá trị chiến lược địa chính trị to lớn của bán đảo này trong cuộc chiến với Washington.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân của thái độ “lơ là” này do Trung Quốc đang chiếm 90% giá trị giao dịch thương mại của Triều Tiên và quan hệ giao dịch này chưa hề bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt mà quốc tế áp đặt lên bán đảo này.
Đặc biệt, Bắc Kinh hiện đang tự tin bản thân có đủ sức mạnh gia tăng kiểm soát kể cả khi Bình Nhưỡng đã sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nhưng việc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân sẽ trở thành cơn ác mộng của Trung Quốc bởi nếu không lường trước, Bình Nhưỡng có thể “cắn ngược” lại Bắc Kinh.
Bởi nếu Nhật Bản đi theo Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân hoặc Hàn Quốc tiếp nhận các loại vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, khi đó “quốc gia hạt nhân” Triều Tiên sẽ trở thành “ly rượu độc” của Bắc Kinh.
Korea Times nhận định, trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á và đối phó sự leo thang từ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc đóng một vai trò vô cùng quan trọng.