Tuesday, December 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLiệu chiến lược xoay trục của Mỹ đã thất bại?

Liệu chiến lược xoay trục của Mỹ đã thất bại?

Theo báo Nga, dù Mỹ cố gắng làm suy yếu vị thế của Trung Quốc ở Đông Nam Á nhưng chiến lược xoay trục của nước này đã thất bại.

Philippines đang làm khó chiến lược xoay trục của Mỹ. Ảnh: AP

Trong bài viết ngày 16/9, tờ Sputnik News của Nga đã đưa ra bình luận trên. Minh chứng cho điều này, Sputnik dẫn lời hai nhà phân tích địa chiến lược bình luận về vấn đề Biển Đông – Mathew Maavak, Tom McGregor cho rằng: Washington hầu như điều một hạm đội để chống lại cái gọi là bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông với dự kiến, Philippines sẽ là một trục quân sự của mình ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên thay vì đáp ứng, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhục mạ ông Obama, đề nghị rút lực lượng cố vấn quân sự Mỹ khỏi miền Nam Philippines. Thậm chí Duterte tuyên bố, ông cân nhắc khả năng mua vũ khí Trung Quốc và Nga.

“Bây giờ có vẻ nhiều khả năng Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, Biển Đông sẽ không còn là vấn đề. Trump quan tâm nhiều hơn đến thúc đẩy thương mại công bằng và tạo công ăn việc làm cho Mỹ, thay vì xem vào các tranh chấp lãnh thổ tốn kém.

Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ buộc Trung Quốc phải thắt chặt quan hệ với Nga. Chúng ta có thể mong đợi quan hệ gần gũi hơn giữa Bắc Kinh với Moscow những ngày tới, chừng nào Washington còn tìm cách kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên nếu Mỹ đảo ngược chính sách khi Trump làm Tổng thống, tôi dự đoán quan hệ Nga – Mỹ có thể được cải thiện, trong khi Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều thách thức hơn do sự xích lại gần nhau giữa Trump và Putin”, Tom McGregor, bình luận viên và biên tập của đài CNTV (China Television Network) nhận định.

Trong khi đó, theo ông Maavak, Trung Quốc quan tâm tìm cách cải thiện quan hệ với Nga không chỉ là vì vấn đề Biển Đông. Thế giới đang thức dậy với khả năng hình thành cục diện đa cực hậu Mỹ.

“Đây là một thế giới hậu USD, có thể trì hoãn nhưng không thể ngăn chặn, một sự thay đổi quyền lực địa chính trị và địa kinh tế nghiêng về phía Đông”, Maavak nói.

Bình luận về nhân tố Philippines trong chính sách xoay trục của Mỹ, nhất là kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, nhiều chuyên gia chung nhận định rằng, chiến lược của Mỹ đang vấp phải hòn đá tảng khi ông Duterte được cho là đang theo đuổi chính sách ngoại giao đánh đổi Mỹ lấy Trung Quốc.

Tổng thống Duterte tỏ ra khó đoán, vì có lúc ông coi Trung Quốc là “hào phóng”, lúc khác lại dọa một cuộc chiến “đẫm máu” nếu Bắc Kinh tấn công Manila. Nhưng cách hành xử của Tổng thống Philippines được cho là đang làm suy giảm nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp các quốc gia cùng đứng lên chống lại hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc.

Với cách làm như vậy, ông Duterte có thể sẽ làm thay đổi hiệp ước quốc phòng Mỹ – Philippines ký năm 1951 – một thỏa thuận trở thành nền tảng vững chắc cho sự ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Dù nói rằng sẽ tôn trọng quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng ông Duterte nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải có “một chính sách đối ngoại độc lập” và chất vấn liệu Mỹ có sẵn lòng can thiệp nếu Trung Quốc chiếm bất kỳ phần lãnh thổ nào của Philippines trên biển Đông.

“Đây có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với tình hình biển Đông nói chung và sự cạnh tranh Mỹ – Trung nói riêng”, ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại ĐH Lĩnh Nam ở Hong Kong, nhận định.

“Chính sách đối ngoại của ông Duterte có thể chuyển biến đáng kể bức tranh địa chính trị ở khu vực, đưa Trung Quốc vào vị trí lợi thế hơn Mỹ”, Bloomberg dẫn lời ông Zhang.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng, ông Duterte sẽ khó duy trì chính sách hướng về Trung Quốc. Nếu Trung Quốc từ chối bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào trên biển Đông, đặc biệt trong vấn đề khai thác hải sản ở bãi cạn Scarborough, Tổng thống Duterte có thể vấp phải sự phản ứng dữ dội trong nước, ông Richard Javad Heydarian, nhà nghiên cứu tại ĐH De La Salle ở Manila, nhận xét.

“Đây chính xác là lý do tại sao quan hệ an ninh với Mỹ sẽ vẫn là thứ không thể đánh đổi đối với Philippines”, ông Heydarian viết trong một bài gửi cho Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (trụ sở tại Washington) tuần trước.

Nhưng nay Mỹ không thể kỳ vọng mức độ ủng hộ ngoại giao và hợp tác quốc phòng chiến lược từ phía Philippines như trước được nữa. “Đây là điều bình thường mới trong quan hệ Philippines-Mỹ”, ông viết.

RELATED ARTICLES

Tin mới