Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTình hình chính trị Campuchia vẫn nóng: Điểm yếu Sam Rainsy

Tình hình chính trị Campuchia vẫn nóng: Điểm yếu Sam Rainsy

Theo các chuyên gia, ông Sam Rainsy dù muốn tổ chức cuộc biểu tình như năm 2013 song sẽ khó thành công bởi tương quan lực lượng sẽ thay đổi.

Cuộc biểu tình quy mô lớn tại Campuchia năm 2013. Ảnh: Cambodia Daily

Kêu gọi biểu tình từ Pháp

The Cambodia Daily ngày 17/9 trích dẫn lời các chuyên gia nhận định về tuyên bố kêu gọi biểu tình quy mô lớn tại Campuchia từ ông Sam Rainsy- lãnh đạo Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) và cho rằng, cuộc biểu tình này sẽ khó thành.

Theo đó, phát  biểu trực tuyến từ Pháp, Sam Rainsy kêu gọi người ủng hộ CNRP đang tập trung tại trụ sở chính của đảng này: “Nếu bạn xem xét thấy điều này là đúng đắn, chúng ta phải tổ chức các cuộc biểu tình hàng loạt như năm 2013, 2014”.

Hồi tháng 8/ 2013, lãnh đạo phe đối lập Campuchia CNRP nói với khoảng 10 ngàn người ủng hộ trong Công viên Tự do Phnom Penh rằng, đảng này sẽ tổ chức biểu tình liên tiếp, nếu đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) không đồng ý tiến hành một cuộc điều tra công bằng về gian lận bầu cử.

Sam Rainsy khi đó nói với hàng ngàn người biểu tình: “Chúng ta sẽ đi bộ trên tất cả các đường phố và hét lên: Hun Sen hãy từ chức!”. Hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra vào tháng 12/2013, đỉnh cao là cuộc biểu tình của 50 ngàn người diễu qua các đường phố Phnom Penh ngày 22/12.

Người phát ngôn của Chính phủ Phay Siphan cho biết, cuộc biểu tình năm 2013 là một “bài học” cho đảng cầm quyền.

“Họ đã cố gắng thực hiện cuộc đảo chính chống lại các kết quả bầu cử. Họ muốn đi ngược lại ý chí của người dân”, ông Siphan nói. “Họ đã phá hủy nền dân chủ”.

Khi được hỏi vì sao Chính  phủ cảnh giác với các cuộc biểu tình do CNRP thực hiện, ông Siphan cho rằng, chính ông Sam Rainsy đã lên kế hoạch để “phá vỡ cuộc sống của người dân Campuchia”.

“Nếu tất cả nhân dân trong nước thực hiện cuộc biểu tình hàng loạt thì chính phủ sẽ không có khả năng để kiểm soát cuộc biểu tình. Đó là lý do vì sao họ mong muốn biểu tình và hỗn loạn xảy ra ở Campuchia”, ông Siphan nói. 

Chuyên gia tán thành

Giáo sư chuyên ngành ngoại giao Sophal Ear thuộc Đại học Occidental (Mỹ) nhận định: “Lịch sử khó có thể lặp lại”.

“Lịch sử đã xảy ra. Bây giờ mọi người có thể rút ra bài học từ nó. Các cơ quan chức năng sẽ không cho phép bất cứ điều gì giống như những gì đã xảy ra năm 2013 lặp lại.

Họ sẽ phản ứng trong mọi khả năng để khẳng định sức mạnh như thế nào. Họ có thể không cho phép bất kỳ điều gì tương tự như năm 2013 xảy ra một lần nữa”, vị chuyên gia nhận định.

Đêm thứ Hai 12/9, ông Hun Sen xuất hiện trên trang Facebook cá nhân trong bộ quân phục nai nịt gọn gàng với một lời cảnh báo: “Tất cả các lực lượng của chính phủ đã nhận được mệnh lệnh sẵn sàng đẩy lùi mọi hành động phá hoại an ninh quốc gia. Tôi có quyền nói như thế, vì đó là quyền hạn của Thủ tướng”.

Vài giờ sau, hàng chục xe tải quân sự chở theo binh lính vũ trang đầy đủ được triển khai bên ngoài trụ sở CNRP. Xuồng cao tốc gắn súng máy cũng được lệnh ém quân sát bờ sông phía sau tòa nhà này.

Người phát ngôn đảng Nhân dân Campuchia Sok Eysan cho biết quân đội đã sẵn sàng đợi lệnh.

Xem xét tất cả những điều trên, Giáo sư Sophal Ear đánh giá cơ hội CNRP kêu gọi được hàng chục ngàn người tham gia biểu tình là điều khó xảy ra, tuy nhiên không phải là không thể.

Còn theo nhà phân tích chính trị Ou Virak, Viện nghiên cứu chính sách công Future Forum, nhận xét ông không biết động lực nào sẽ khiến người dân ra đường biểu tình.

“Trong cuộc biểu tình năm 2013, người tham gia dựa vào nguồn động lực lớn từ cuộc bầu cử Quốc hội và sự trở về của Sam Rainsy. Không khí biểu tình năm đó rất nóng. Nhưng hiện tại thì không, tôi không thấy được nguồn động lực nào”, ông nói.

Ông Ou Virak cho rằng: “Người kêu gọi biểu tình hàng loạt thì ngồi yên ổn ở Paris, không có ai cầm đầu thì tối đa những người ủng hộ CNRP chỉ “hỗ trợ về tinh thần” chứ ít ai dám xuống phố”.

Chưa kể, vị thế của Đảng CNRP trong cuộc bầu cử năm nay đã khác xa so với 3 năm trước đó.

Ông Sam Rainsy, người được ân xá và được phép về nước vài tuần trước cuộc bầu cử năm 2013 thì tới 2016 một lần nữa phải sống lưu vong để trốn án tù.

Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha, người vừa bị tuyên án năm tháng tù vào tuần trước, đang bị giam lỏng tại trụ sở đảng này.

Tuy nhiên, theo Nghị sĩ Ou Chanrath của CNRP, thái độ thất vọng ngày càng tăng trong công chúng sẽ thúc đẩy biểu tình và hành động dùng quân đội để đe dọa sẽ chỉ khiến đảng đối lập CNRP quyết tâm biểu tình hơn.

Ông nói: “Tôi nghĩ dùng quân đội hay vũ khí để đe dọa sẽ không khiến người dân lo sợ mà chỉ khiến họ thù địch chính phủ hơn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới