Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCả Mỹ và Trung Quốc đều bị Philippines “làm con rối”?

Cả Mỹ và Trung Quốc đều bị Philippines “làm con rối”?

Chả phải bỏ Mỹ theo Trung Quốc, tân Tổng thống Philippines Duterte qua những tuyên bố vung vít và mâu thuẫn, thực tế là đang muốn đưa Philipines theo một chính sách đối ngoại độc lập.

Tổng thống Philippines Duterte (giữa) cùng đồng cấp Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Bỏ Mỹ theo Trung Quốc?

Dưới thời ông Aquino làm Tổng thống, Philippines duy trì chính sách đối ngoại: chơi với Mỹ, chống Trung Quốc.

Khi Duterte lên nắm quyền vào tháng 5/2016, ông phá bỏ chính sách này. Theo hướng bỏ Mỹ theo Trung Quốc? Không hẳn vậy nếu xâu chuỗi và xem xét kỹ những tuyên bố của ông Duterte.

Chỉ trong vòng vài tuần, ông Duterte đã làm cả thế giới sửng sốt trước những phát ngôn “văng mạng”. Thóa mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, yêu cầu Washington rút hết các cố vấn quân sự và đánh tiếng có thể sẽ mua vũ khí của Trung Quốc và Nga.

Sau tất cả những tuyên bố trên, chính quyền Manila đều lên tiếng cải chính với đại ý rằng “Tổng thống nói là vậy thôi chứ thực ra chúng tôi không có ý muốn như vậy”, và rằng “Mỹ và Philippines vẫn là đồng minh tốt của nhau”…

Theo giới quan sát, những tuyên bố của ông Duterte, một mặt là muốn lấy lòng Trung Quốc, nhưng mặt khác là muốn mặc cả với Mỹ, muốn “chơi sòng phẳng” hơn là “người em bé bỏng” của Mỹ.

Nhà nghiên cứu Oh Ei Sun, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, tại Singapore, cho rằng rất có thể trong thời gian tới ông Duterte tiếp tục tỏ thái độ thân Bắc Kinh hoặc sẽ còn có những phát biểu quá trớn và mang tính khiêu khích hơn nữa với Mỹ, bởi vì lãnh đạo Philippines thừa biết Manila là một trong những cột trụ chính trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Tổng thống Duterte do vậy đánh cuộc là trong mọi trường Washington cũng sẽ nhẹ tay với Philippines, trong khi đó Bắc Kinh sẽ không dễ bỏ qua cho Manila, nếu Philippines cứ duy trì chính sách đối đầu trên hồ sơ Biển Đông.

Chỉ riêng trong lĩnh vực mua bán vũ khí thì chuyên gia Singapore này cho rằng, Tổng thống Duterte đã nêu lên khả năng mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc chẳng qua là nhằm mặc cả và đòi nhà cung cấp Mỹ phải tính toán sao cho cả đôi bên cùng có lợi. Đây cũng là quan điểm của chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn. Ông viện chứng: “Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương giữa Mỹ với Philippines đã được Tối cao pháp viện Philippines thông qua, thì đâu dễ để một lời nói của ông Duterte xua tan. Cho dù nỗ lực giữ một thế cân bằng giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc, thì Tổng thống Philippines cũng không thể nào loại bỏ hay rút lại những thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ lâu nay giữa hai nước”.

Với Trung Quốc, không hẳn ông Duterte lúc nào cũng có tuyên bố “nịnh” Bắc Kinh. Lúc thì ông tuyên bố thế này, lúc thế khác. Sau khi từng tuyên bố là “máu sẽ đổ”, nếu như Trung Quốc dùng sức mạnh lấn chiếm biển đảo của Philippines, thì cũng chính Tổng thống Duterte đã tỏ thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh khi đề nghị cùng Trung Quốc khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng biển có tranh chấp.

Tại thượng đỉnh ASEAN ở Lào đầu tháng 9, ông Duterte không ngần ngại trưng bày các hình ảnh cho thấy các chiếc tầu Trung Quốc, được cho là đang tiến hành xây dựng một đảo nhân tạo mới tại bãi cạn Scarborough, mà Philippines có đòi hỏi chủ quyền. Để rồi sau đó, vị tân tổng thống này lại lên tiếng công nhận không đủ sức để áp đặt Bắc Kinh tuân thủ biên giới lãnh hải, đành phải chấp nhận thực tế và nhìn nhận là “Trung Quốc có khả năng và ưu thế quân sự trong khu vực”.

Thái độ “lúc thế này, khi thế khác” của ông Duterte đã khiến Bắc Kinh không vội mừng. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong một bài bình luận cho rằng: “Với tính cách của ông Duterte, và những lời thóa mạ mà ông ấy có thể đưa ra với bất kỳ ai, không dễ gì sử dụng được ông ta (…) Trung Quốc không nên nuôi ảo tưởng về ông Duterte. Trong dài hạn, sẽ không dễ dàng gì cho Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ với Tổng thống Philippines”.

Nói về khả năng Philippines mua vũ khí của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không thể cung cấp vũ khí cho Manila. Sẽ thật là khó xử cho Bắc Kinh, nếu như Philippines sử dụng vũ khí của Trung Quốc để tự vệ ở Biển Đông, chống lại tàu thuyền Trung Quốc.

Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc thì cho rằng, Philippines không đủ can đảm và nghị lực để dứt bỏ mối bang giao chiến lược với Mỹ. Do vậy theo chuyên gia này, ý định mua vũ khí của Trung Quốc được tổng thống Duterte nhắc tới, chẳng qua chỉ nhằm xoa dịu Bắc Kinh sau phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài bất lợi cho Trung Quốc về Biển Đông.

Về phần mình, Mỹ cố gắng giảm thiểu sự xáo trộn và những phát ngôn “bộc phát” của lãnh đạo Philippines. Manila, vốn chưa sẵn sàng từ bỏ “cuống rốn” của mình, đã đảm bảo là Hiệp ước Quốc phòng với Mỹ, được ký từ năm 1951 và được củng cố thêm vào năm 2014 vẫn “vững như bàn thạch”.

Trong bài viết “Manila xáo trộn thế cờ tại Biển Đông” trên báo Le Figaro ra ngày 16/9/2016, báo Pháp cho rằng chiến lược của con người “khó đoán” này (ông Duterte) và chưa thành thạo trên trường quốc tế đang khiến cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cảm thấy lúng túng.

Lợi ích dân tộc là trên hết

Một số nhà phân tích chính trị và các bình luận gia tại Philippines nói Tổng thống Duterte đang chuyển hướng chính sách ngoại giao về phía lập trường dân tộc nhiều hơn, đánh dấu một sự chuyển hướng so với các nhà lãnh đạo gần đây của Philippines.

Họ đưa ra chứng cứ về khuynh hướng này là tuyên bố yêu cầu Mỹ rút các cố vấn quân sự Mỹ ra khỏi miền nam đảo Mindanao nơi quân đội Philippines đang chiến đấu chống lại các phần tử nổi dậy Hồi giáo. Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á ở Lào, ông Duterte chuyển hướng bài diễn văn soạn sẵn của ông chú trọng đến Biển Đông để đề cập đến các vụ giết hại trong thời kỳ thuộc địa.

Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy ông Duterte quan tâm đến việc hủy bỏ thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Philippines. Trong khi đó các giới chức Mỹ nói Washington vẫn cam kết với liên minh đã có từ lâu với Philippines, trong đó có cuộc chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên theo như báo The Manila Times một số nhà bình luận tại Philippines hoan nghênh “việc tách khỏi sự phụ thuộc và quỵ lụy vào Mỹ”. Bài bình luận của báo The Manila Times viết thêm: “Nếu Philippines đứng về phía Mỹ thì sẽ có nguy cơ bị lôi kéo vào sự đối đầu ngày càng tăng giữa các cường quốc, với hậu quả là gây nguy hiểm trầm trọng cho những quyền lợi quốc gia và người dân Philippines”.

Giáo sư chính trị học Dennis Quilala thuộc trường đại học Philippines nói lập trường của ông Duterte đánh dấu một sự chuyển hướng đối với những chính quyền trước.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines ông Ernesto Abella nói với truyền thông địa phương là nhận xét mới nhất của ông Duterte phản ánh khuynh hướng mới của chính phủ về phía một chính sách ngoại giao độc lập hơn. Mark Thompson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (SEARC) tại trường đại học Hong Kong nói ông Duterte đang theo đuổi “một lập trường dân tộc” chưa từng có trong các chính quyền Philippines trước đây. Ông Thompson nói nhiều người từ lâu đã viết trên các tờ báo Manila thúc đẩy một lập trường dân tộc và chống Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới