Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNga và TQ đang “tay trong tay”

Nga và TQ đang “tay trong tay”

Liên kết quân sự Nga-Trung nhằm hạ bệ ưu thế Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương và là sự bảo hộ cho Nga trước sự công kích từ phía Mỹ.

Nga đang ủng hộ Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của PCA về biển Đông, khiến Mỹ phải nhanh chóng xoay trục, giảm bớt áp lực cho mình.

Nga và Trung Quốc đang “nắm chặt tay nhau”

Một bình luận trên “The National Interet” của Mỹ cho biết, quan hệ giữa Nga với Trung Quốc ngày càng mật thiết hơn thông qua các hoạt động quân sự chung trên biển. Điều này khiến giới phân tích Ấn Độ, Mỹ và Đông Nam Á rất lo ngại rằng, sự thân mật này giữa Moscow và Bắc Kinh có khả năng sẽ ảnh hưởng đến cán cân lực lượng tại châu Á.

Cuộc diễn tập “Hợp tác trên biển – 2016” (Naval Interection 2016) giữa hải quân Nga và hải quân Trung Quốc tại Biển Đông được cho là một trong những dấu hiệu nổi bật và mới nhất chứng tỏ mức độ thân thiết đang gia tăng trong quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.

Năm trước, hải quân Nga và Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc diễn tập “Hợp tác trên biển – 2015” vào tháng 8 năm 2015, tại khu vực biển Nhật Bản (Biển Hoa Đông) với các khoa mục chính là diễn tập bắn đạn thật, tác chiến chống ngầm và chi viện cự li xa.

Cũng vào tháng 5 năm 2015, hải quân Nga và Trung Quốc đã có cuộc diễn tập chung gây nhiều chú ý ở một vùng biển rất xa Đại Lục là vùng Biển Đen của Nga và trên Địa Trung Hải.

Khi đó, chỉ huy cao cấp của hai bên đã có phát biểu cảnh báo Lầu Năm Góc là lãnh đạo hai nước Nga và Trung Quốc khẳng định Mỹ đang ra sức triển khai các hoạt động nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc và Washington mới là nhân tố chủ yếu và đầu tiên gây mất ổn định ở khu vực này.

Moscow và Bắc Kinh muốn thông qua các cuộc diễn tập tác chiến cự li gần trên biển giữa hải quân hai nước để nhắc nhở Washington rằng ưu thế trên biển của Mỹ tại châu Á rồi sẽ đến hồi kết.

Bài bình luận này đánh giá, qui mô và chất lượng của các cuộc diễn tập trên biển gần đây giữa Nga và Trung Quốc cho thấy rõ động cơ của Moscow và Bắc Kinh khi thực hiện các hoạt động này là nhằm mục đích chính trị, với mong muốn liên thủ để chống lại sức ép quân sự từ Lầu Năm Góc.

Nga đang xem Trung Quốc như là một “đối tác trọng tâm” trong học thuyết biển phiên bản mới của họ, trong đó tập trung vào phương hướng chức năng hoạt động quân sự biển, điều đó chứng tỏ Moscow đang rất mong muốn và tranh thủ có được sức ảnh hưởng lớn hơn của mình trên biển thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nga muốn lợi dụng Trung Quốc để đối phó với Mỹ?

Điều cần chú ý và rất đáng lo ngại là Moscow đang bắt đầu xem việc xây dựng và triển khai các căn cứ quân sự phi pháp trên các đảo ở Biển Đông của Bắc Kinh như một cơ hội, đồng thời là giải pháp giúp Nga chống lại sự tấn công từ phía Mỹ.

Moscow cho rằng, việc Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp và tăng cường hoạt động quân sự trên Biển Đông sẽ buộc Mỹ phải đẩy mạnh hơn kế hoạch “Xoay trục về châu Á”, nằm trong chiến lược “Tái cân bằng” quân sự toàn cầu.

Để thực thi chiến lược này Washington sẽ phải điều động nguồn nhân lực và vật lực lớn (Mỹ sẽ phải điều động khoảng 60% lực lượng không quân và hải quân), khiến Lầu Năm Góc không còn tâm trí và thực lực để đối phó với Nga trong các vấn đề toàn cầu.

Do đó, có những luồng ý kiến cho rằng, việc Moscow lên tiếng ủng hộ Bức Kinh phản bác phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về vụ kiện Biển Đông và việc Nga tăng cường các hoạt động quân sự chung, đặc biệt là cuộc tập trận chung trên Biển Đông là có ý đồ sâu xa.

Moscow muốn cổ vũ Trung Quốc hành động mạnh tay hơn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, khiến Mỹ phải nhanh chóng xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, giảm bớt áp lực, giúp Nga “dễ thở” hơn trong giải quyết các vấn đề Syria, bán đảo Crimea và Ukraine.

Nhìn xa hơn có thể thấy rằng, Moscow đã tìm được thêm cơ hội cho mình từ chính chiến lược chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Washington đang thực hiện.

Moscow còn lợi dụng khoét sâu mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, kích động nó bùng phát mạnh hơn, thông qua các tuyên bố và hành động, ngấm ngầm hoặc công khai ủng hộ, để tăng thêm sĩ khí cho Trung Quốc thách thức Mỹ.

Mặc dù quan điểm này chưa được xác thực một cách rõ ràng nhưng với những biểu hiện của Nga ủng hộ Trung Quốc trong thời gian qua, không thể loại trừ khả năng này. Nhận định này đúng hay sai, chắc chắn sẽ có câu trả lời trong thời gian ngắn tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới