Friday, December 27, 2024
Trang chủĐàm luậnQuan hệ Trung – Nhật tiếp tục xấu đi

Quan hệ Trung – Nhật tiếp tục xấu đi

Nội các Nhật Bản mới đây đã thông qua Sách Trắng Quốc phòng năm 2016, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến Trung Quốc. Xung quanh sự kiện này, nhà nghiên cứu Mã Nghiêu, Học viện Quan hệ Quốc tế và Sự vụ Công chúng, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải đã có bài đăng trên trang Quốc tế Online, trong đó nhận định rằng quan hệ Trung – Nhật sẽ tiếp tục xấu đi trong thời gian tới. Dưới đây là nội dung bài viết:

Tàu Trung Quốc được phát hiện đang tiến lại gần quần đảo Senkaku

Tình hình Đông Á gần đây luôn bất ổn. Sau khi Mỹ dùng hệ thống THAAD làm rối loạn tình hình Đông Bắc Á thì tiếp tục đến Nhật Bản làm “rùm beng” khi thông qua Sách Trắng Quốc phòng năm 2016, trong đó bày tỏ lo ngại cùng cực và quan tâm mạnh mẽ đến chiến lược biển của Trung Quốc, cho rằng chiến lược này sẽ dẫn đến những động thái khó lường. Đây là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên được công bố sau khi Nhật Bản thi hành Luật An ninh mới từ tháng 3 năm nay. Tân Hoa xã dẫn nguồn hãng tin Kyodo cho biết, đặc điểm của Sách Trắng năm 2016 là tăng cường tiếng nói lên án Trung Quốc. Về Luật An ninh mới, Sách Trắng chỉ nhắc đến chủ trương của Chính phủ Nhật mà không hề đề cập đến “sự thực” nhiều đảng phái phản đối Luật mới này, cho rằng nó đi ngược lại Hiến pháp.

Sau khi Sách Trắng được ban hành, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm lên án mạnh mẽ những nội dung liên quan đến nước này, cho rằng đây là những lời chỉ trích vô cớ đến nỗ lực xây dựng nền quốc phòng và quân đội chính đáng của Trung Quốc, xuyên tạc vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông đầy ác ý, nhằm chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc với quốc gia láng giềng và lừa dối cộng đồng quốc tế. Quân đội Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này và sẽ “nói chuyện nghiêm túc” với phía Nhật. Nhật Bản tung Sách Trắng vào thời điểm này cho thấy hướng đi của quan hệ Trung – Nhật trong thời gian tới sẽ xấu đi do những nguyên nhân sau đây:

Trước hết, hai bên sẽ tiếp tục không đạt được tiếng nói chung trong vấn đề an ninh. Những năm gần đây, cùng với những lo ngại khi kinh tế Nhật Bản không mấy khởi sắc và sự vượt trội của kinh tế và nội lực Trung Quốc trước Nhật Bản khiến nước này bắt đầu cho rằng trước khi Trung Quốc trỗi dậy cần lợi dụng đồng minh Mỹ để gây áp lực với Trung Quốc, hòng giành thế có lợi cho Nhật Bản. Vì thế Sách Trắng có đoạn viết, tần suất máy bay chiến đấu thuộc Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản ngăn cản máy bay chiến đấu của Trung Quốc trên không phận ngày càng tăng, với tổng số lần cất cánh khẩn cấp để đối phó với máy bay quân sự Trung Quốc vào năm 2015 là 571 lần, nhiều nhất kể từ năm 2001 đến nay.

Máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở trên vùng biển tranh chấp và lân cận, đường bay kéo dài xuống phía Nam, hoạt động ở không phận gần đảo Điếu Ngư/Senkacu cũng thường xuyên hơn, và cần quan tâm mạnh mẽ. Bằng những con số thống kê đó để củng cố “thuyết bị Trung Quốc đe dọa”, nhờ đó giành được thêm nhiều nguồn lực cho quốc phòng, do đó càng bất đồng với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh. Tuy nhiên, điều này sẽ càng làm Trung Quốc canh phòng và cảnh giác, mức độ đối đầu giữa hai bên có chiều hướng tăng lên theo hình xoắn ốc.

Thứ hai, bất đồng giữa hai bên liên quan tới biển sẽ lớn hơn. Trung Quốc và Nhật Bản không tiếp giáp mà được kết nối qua đường biển. Nhật Bản là đảo quốc bốn bề là biển, thuộc tính địa chính trị là quốc gia giữa biển, còn Trung Quốc với phía Tây tiếp giáp Trung Á, phía Đông hướng ra Thái Bình Dương, là quốc gia ven biển lớn nhất thế giới. Biển là tài nguyên chung của nhân loại, song Nhật Bản lại có tư duy kỳ quặc, coi hành động bảo vệ quyền lợi trên biển chính đáng của Trung Quốc là hành vi nguy hại đến lợi ích của nước này.

Chuyên gia về châu Á Từ Tĩnh Ba cho rằng. theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2016, trọng điểm quan tâm của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã chuyển từ biển Hoa Đông sang Biển Đông. Một mặt là trong 3 năm qua, với kinh phí quốc phòng tăng mạnh, Nhật Bản đã hoàn thành hoặc bắt đầu thực thi kế hoạch “tăng cường phòng vệ các đảo Tây Nam” được đề ra trong Cương yếu phòng vệ trung hạn, xây dựng căn cứ tên lửa chống tàu, đối không tại đảo Ishigaki, Miyako, Yonagunijima…, và căn cứ nghe lén thông tin của quân đội Trung Quốc, hoàn thành việc bố trí “siết hầu” hải quân và không quân Trung Quốc.

Mặt khác, Nhật Bản cho rằng việc Trung Quốc xây dựng, bồi đắp đảo, bãi đá ở Biển Đông và thiết lập căn cứ quân sự quan trọng trên biển làm thay đổi trật tự ở Biển Đông, ảnh hưởng đến sự đi lại tự do và an ninh hàng hải của tàu thuyền Nhật. Vì thế, Nhật Bản coi Biển Đông là khu vực mất an toàn nhất tại Đông Á, đồng thời cho rằng tình hình hiện nay là thời điểm thích hợp để Nhật Bản và Mỹ phát huy vai trò đồng minh quân sự.

Dự báo vài năm tới đây, thông qua việc cung cấp tàu tuần tra biển và máy bay trinh sát cỡ nhỏ cho Việt Nam, Philippines, giúp đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển, viện trợ cho cảng quân sự…, Nhật Bản sẽ khiến hai quốc gia này cùng đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, kiềm chế chiến lược bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời, để thể hiện sự hiện diện của Nhật Bản ở khu vực này, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ thiết lập cơ chế hợp tác an ninh với Việt Nam, Philippines, ngoài ra thông qua diễn tập chung, xây dựng thỏa thuận an ninh 3 nước Nhật – Mỹ – Australia và Nhật – Mỹ – Ấn.

Cuối cùng, vấn đề Luật An ninh mới sẽ làm quan hệ Trung – Nhật xấu thêm. Sách Trắng năm nay còn nhấn mạnh cái gọi là tính tất yếu và tính hợp hiến của các luật an ninh liên quan nhằm gỡ bỏ lệnh cấm quyền phòng vệ tập thể. Do đó, Sách Trắng lần đầu tiên mở ra trang mới, trình bày tỉ mỉ về quá trình soạn thảo và nội dung của Luật An ninh mới, chỉ ra rằng Luật này có ý nghĩa qua trọng mang tính lịch sử dối với Nhật Bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới