Ông Cai Zhonghua, Giám đốc Sở Chăn nuôi và Nông nghiệp tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, mới đây bị phát hiện lợi dụng chức vụ và quan hệ cá nhân để tuyển 19 người họ hàng, người quen làm công chức. Trong 3 năm qua, hàng triệu nhân dân tệ tiền lương đã được trả cho những người này.
Báo Trung Quốc China Daily đưa tin, những người được Cai giới thiệu vào các vị trí trong chính quyền địa phương hiếm khi đi làm nhưng vẫn nhận lương đều. Dư luận ở Trung Quốc đặt câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu giám sát khiến Cai có thể làm như vậy?
Điều đáng nói là các cơ quan giám sát không phát hiện được vụ việc này. Cai lạm dụng quyền lực suốt từ năm 2005 nhưng chỉ bị đưa ra ánh sáng khi Viện kiểm sát điều tra một vụ việc khác. Chính quyền trung ương chỉ dựa vào báo cáo từ cấp dưới, nên không thể ngăn chặn quan chức cấp địa phương lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống.
Ngay từ năm 1996, Trung Quốc đã có quy định công chức, quan chức chính phủ không được làm cùng nơi với vợ/chồng hoặc họ hàng. Quy định này được đặt ra nhằm ngăn chặn tình trạng “Con cháu các cụ cả, đố đuổi đi đâu được” và các dạng tham nhũng khác.
Quy định này cũng cấm công chức làm trong các đơn vị giám sát, nhân sự, tài chính trong bất kỳ cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ nào mà ở đó người thân của họ nắm giữ vị trí cao. Nhưng tình trạng “con ông cháu cha” vẫn xảy ra nhan nhản ở Trung Quốc với những dạng thức khác nhau.
Không ít vụ lạm dụng quyền lực để tuyển dụng con cháu, người thân bị phơi bày vì cư dân mạng. Gần đây, một phó chủ tịch quận, 29 tuổi, ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông, bị giáng chức xuống làm thư ký sau khi cư dân mạng Trung Quốc phơi bày việc bố anh này đã tìm cách cho con trai nhanh chóng thế chân mình.
Năm 2013, chính quyền tỉnh Hồ Nam thông báo sẽ điều tra trường hợp một nữ quan chức cấp huyện được thăng chức “nhanh như điện” sau khi trên mạng xã hội xuất hiện cáo buộc người này lợi dụng quan hệ “con ông cháu cha”. Chính quyền địa phương quyết định thành lập một nhóm điều tra trường hợp của bà Liu Qiong – Phó Bí thư quận ủy Shimen.
Trường hợp của bà Liu, khi đó 34 tuổi, thu hút sự chú ý sau khi một người dùng mạng xã hội thông tin rằng, bà này đã được bổ nhiệm làm phó chủ tịch thị trấn khi mới 23 tuổi, và sau nhiều lần thăng chức, bà được bổ nhiệm vị trí phó bí thư huyện ủy Shimen. Người đưa tin lên mạng xã hội nói rằng, bà Liu chỉ có bằng trung học, nên việc bà thăng tiến nhanh và lên vị trí cao như vậy chỉ có thể là nhờ bố mình, một cựu quan chức cấp cao của thành phố.
Thông tin này từ khi được tung lên mạng đã được chia sẻ hơn 20.000 lần chỉ trong vài ngày, làm dấy lên những tranh cãi về cái gọi là “các quan chức thế hệ thứ hai”. Đáp lại những nghi ngờ trên mạng, một quan chức trong chính quyền thành phố nói rằng, hồ sơ của các quan chức cấp cao ở quận Shimen sẽ được công bố trên trang web chính thức. Đến nay, kết quả điều tra về trường hợp của bà Liu vẫn chưa được công bố.
Ngăn chặn sân sau
Tháng 4 năm nay, chính quyền một số tỉnh/thành của Trung Quốc tiếp bước Thượng Hải ban hành quy định thắt chặt kiểm soát vợ/chồng và con của quan chức cấp cao tham gia các doanh nghiệp tư nhân. Quyết định này được đưa ra khi chính quyền trung ương mở rộng chương trình chống tham nhũng thí điểm ra Bắc Kinh, Quảng Đông, Trùng Khánh và khu tự trị Tân Cương để chấm dứt tình trạng “con ông cháu cha” và kiểm soát hoạt động của thành viên các gia đình quan chức.
Theo mô hình được áp dụng tại Thượng Hải từ trước, vợ/chồng của quan chức cấp bộ và cấp tỉnh bị cấm mở công ty hay tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Con của những quan chức này không được phép kinh doanh ở Thượng Hải.
Ông Hàn Chính, Bí thư thành ủy Thượng Hải, báo cáo hồi tháng 3 rằng, hơn 1.800 quan chức của thành phố này đã nộp báo cáo kê khai thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh mà người thân của họ tham gia. Hầu hết những người thân này đều đã thôi kinh doanh từ khi có quy định. Đã có 10 quan chức mất chức, 10 người phải chuyển vị trí vì vi phạm quy định, 3 quan chức bị điều tra vì vi phạm quy định một cách nghiêm trọng, ông Hàn Chính cho biết.
“Tham nhũng do các thành viên gia đình là kiểu tham nhũng phổ biến ở Trung Quốc, và chính phủ phải chấm dứt tình trạng này vì tổn thất có thể cực kỳ nghiêm trọng”,GS Zhu Lijia ở Học viện Quản trị Trung Quốc nhận định.
“Quy định ở Thượng Hải đã rất hiệu quả trong việc cắt đứt các mối quan hệ giữa quan chức và những doanh nghiệp do người thân của họ thành lập cũng như giảm tham nhũng”, báo South China Morning Post dẫn lời GS Zhu.
Quy định này sau khi được áp dụng tại một số khu vực sẽ giúp chính quyền trung ương thảo ra bộ quy tắc thực tế ở cấp quốc gia và được triển khai trên toàn quốc trong tương lai, GS Zhu cho biết.
Khi cha là Chu Vĩnh Khang còn ở vị trí Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Công an, Chu Bân lợi dụng quyền sinh quyền sát của cha để thao túng các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp, dự án quan trọng.
Chu Bân cậy quyền cha để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, thu về nhiều hợp đồng trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. Cùng lợi dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang còn có vợ và mẹ vợ của Chu Bân… Cuối cùng, Chu Vĩnh Khang lĩnh án chung thân, Chu Bân lĩnh án 18 năm tù, vợ Chu Bân lĩnh án 9 năm tù.
Bồ nhí của quan chức kiếm bộn tiền
Lợi dụng người tình là một quan chức Bộ Đường sắt Trung Quốc, ca sĩ La Phi nhận tiền mặt, xe hơi, đồng hồ… từ lãnh đạo một công ty thiết bị đường sắt. Cô này cũng nhận vị trí giám đốc truyền thông của một doanh nghiệp chuyên bán thiết bị tàu hỏa. Năm 2014, La bị kết án 5 năm tù, còn người tình Trương Thự Quang lĩnh án tử hình vì nhận hối lộ hơn 47 triệu nhân dân tệ (155 tỷ đồng), South China Morning Post đưa tin.
Khi còn đương chức Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước của Trung Quốc, Phạm Duyệt mua cho người tình Kỷ Anh Nam 2 xe sang hiệu Audi và Porsche, mỗi ngày cung phụng cho cô MC truyền hình này 10.000 nhân dân tệ (33 triệu đồng). Năm 2013, khi ân đoạn nghĩa tuyệt, Kỷ đăng ảnh “giường chiếu” của 2 người lên mạng khiến Phạm bị cách chức.