Chiến dịch chống ma túy cùng với những phát ngôn gây sốc của Tổng thống Duterte đang khiến giới kinh doanh nghi ngại đầu tư vào Philippines, đẩy nền kinh tế nước này vào nguy cơ tuột dốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Sau 3 tháng ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines, mọi thứ ở quốc gia này dường như đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Đầu tiên phải nhắc tới chiến dịch chống ma túy tiêu diệt hơn 3.000 nghi phạm mà không qua xét xử. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng quan ngại về chiến dịch chống ma túy của người đồng cấp Philippines, ông Duterte đã có lời lẽ xúc phạm nặng nề với ông Obama. Chưa dừng lại, hồi tuần trước ông Duterte lại có tuyên bố gây sốc khi yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút quân khỏi khu vực phía nam hòn đảo Mindanao, nơi quân đội Mỹ đào tạo cho các binh sĩ Philippines chiến đấu chống lại phiến quân.
“Lâu nay chúng tôi đã ở cùng người Mỹ. Chúng tôi sẽ không có hòa bình”, tờ The Economist dẫn lời Tổng thống Duterte.
Hôm 13/9, Tổng thống Philippines còn yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng nước này lên kế hoạch mua vũ khí của Nga và Trung Quốc thay vì Mỹ. Trong khi Washington vốn là đồng minh thân thiết nhất của Manila và là nguồn cung cấp hàng trăm triệu USD hỗ trợ quân sự mỗi năm. Thậm chí, Tổng thống Duterte nhấn mạnh Philippines sẽ không tham gia các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông với Hải quân Mỹ. Những phán ngôn gây sốc của ông Duterte đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệp ước quốc phòng song phương được ký kết hồi năm 1951 giữa Mỹ – Philippines.
Trên thực tế, ông Duterte là người có rất ít kinh nghiệm chính trị trong nước chứ không nói là chính trị quốc tế ngoại trừ việc ông này nắm giữ chức Thị trưởng thành phố Davao, nơi sinh sống của 1,5 triệu người kể từ năm 1988. Đây là lý do ông Duterte đã có lời lẽ đe dọa rút khỏi Liên Hợp Quốc và tuyên bố áp đặt thiết quân luật như nhà độc tài tai tiếng Ferdinand Marcos, người mà Tổng thống Philippines đương nhiệm vô cùng ngưỡng mộ.
Kinh tế xếp sau tội phạm
Những tuyên bố gây sốc của ông Duterte đang gây hoang mang cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng như đe dọa vị thế “ngôi sao kinh tế mới nổi ở khu vực Đông Nam Á” mà nước này mới giành được. Nền kinh tế Philippines tăng trưởng 7% trong quý II năm nay. Thậm chí, mức tăng trưởng này còn nhanh hơn cả Trung Quốc và phần lớn các nước trong khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,4% và tiếp tục xu hướng giảm dần.
Song với nguồn dân số trẻ và khả năng nói tiếng Anh tốt cùng sự bùng nổ của ngành dịch vụ, lực lượng lao động tri thức Philippines đang tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài làm việc nhiều hơn. Sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu cùng với hoạt động gửi tiền từ nước ngoài về nước tăng mạnh, cũng đã tạo lên cơn sóng tiêu dùng trong nước ở Philippines. Điển hình, trong nhiệm kỳ 6 năm của cựu Tổng thống Benigno Aquino, thị trường cổ phiếu Philippines đã phát triển rất mạnh. Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ năm 2009 – 2015.
Trái lại, ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte lại không tập trung vào việc thúc đẩy nguồn đầu tư nước ngoài hay cân bằng mối quan hệ chiến lược với Mỹ và Trung Quốc mà thay vào đó là tội phạm, giao thông và tham nhũng.
Sau khi thừa nhận chính sách kinh tế không phải là điểm mạnh của mình, các cố vấn của ông Duterte đã cho công bố kế hoạch kinh tế gồm 10 điểm nhạy cảm như ổn định nền kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm sự quan liêu và minh bạch quyền sở hữu đất. Ông Duterte còn hứa tập trung phát triển khu vực nông thôn và ngành du lịch. Đáng nói, mạng internet tại Philippines hiện vẫn còn chậm và giá thành đắt đỏ, khiến ông Duterte đưa ra cảnh báo các công ty viễn thông trong nước cần cải thiện dịch vụ hoặc đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, chính những lời lẽ gây sốc của ông Duterte đã khiến giới đầu tư nước ngoài quan ngại. Cụ thể trong tháng Chín, Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo chiến dịch chống ma túy ở Philippines đang đặt ra câu hỏi về cam kết thực thi pháp luật của chính phủ nước này. Theo ông Guenter Taus, người đứng đầu Phòng Thương mại châu Âu tại Philippines, kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, các nhà đầu tư đã yêu cầu tăng mức bồi thường rủi ro khi nắm giữ các tài sản của Philippines. “Nhiều người đang do dự đầu tư tiền vào Philippines vào thời điểm hiện tại”, ông Taus nói.
Theo The Economist, chính sách mà ông Duterte đang thi hành chỉ giúp hoạt động mua bán ma túy ở Philippines tạm thời lắng dịu nhưng sự tổn hại về thể chế dân chủ sẽ còn kéo dài. Ngay cả lực lượng cảnh sát Philippines cũng thừa nhận rằng các băng nhóm buôn bán ma túy đang tận dụng chiến dịch của Tổng thống Duterte để thanh trừng lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả những người cung cấp tin. Ngoài ra, việc cảnh sát được miễn đi tù cũng khiến nhiều người lo sợ. “Chuyện này không xảy ra dưới thời lãnh đạo của ông Aquino trong khi hiện nay lại tồn tại một nhóm người có thể sát hại người khác mà không bị ra tòa”, một cư dân sinh sống lâu năm ở Manila nói.
Về phần mình giới kinh doanh tại Philippines lo ngại một ngày nào đó, Tổng thống Duterte sẽ thông báo công ty của họ làm ăn bất hợp pháp mà không cần đưa ra bằng chứng. Điều này tương tự như việc ông Duterte cho công bố một danh sách các quan chức bị khép vào tội buôn bán ma túy. “Không một công ty lớn nào dám đối đầu với Tổng thống bởi họ lo sợ một ngày nào đó, công ty sẽ bị đóng cửa”, một doanh nhân giấu tên cho biết.
Ngay cả chính sách ngoại giao của ông Duterte cũng đang thay đổi chóng mặt như việc đưa Philippines xích lại gần Trung Quốc trong khi vốn có mối quan hệ liên minh thân thiết với Mỹ. Cụ thể trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte đã chỉ trích người tiền nhiệm Aquino làm đóng băng mối quan hệ với Trung Quốc. Thậm chí, ông Duterte cho hay chính phủ Philippines và Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành đối thoại song phương, việc chưa từng xảy ra kể từ năm 2013, thời điểm chính quyền của Tổng thống Aquino gửi đơn kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế liên quan tới tuyên bố phi lý “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Cũng trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte không nhắc tới tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, một ngư trường giàu tài nguyên cá ở Biển Đông. “Xây cho tôi một con tàu chạy quanh Mindanao, cho tôi một con tàu chạy từ Manila tới Bicol, tôi sẽ câm miệng”, ông Duterte ám chỉ Trung Quốc.
Ông Duterte cũng từng thừa nhận một nhà hảo tâm giấu tên người Trung Quốc đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông này. Song hiện vẫn không rõ ông Duterte sẽ làm thế nào để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Đối với những người theo tư tưởng lạc quan, nếu ông Duterte thực thi lời cam kết cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở cũng như phát triển khu vực nông thôn, chất lượng sống của người dân Philippines sẽ được cải thiện.
Nhưng đối với những người theo chủ nghĩa bi quan, hành động của ông Duterte sẽ khiến Philippines mất đi những người bạn và đồng minh. Cụ thể, ông Duterte đang đối đầu với Mỹ, với giới doanh nghiệp và nhiều bộ phận khác trong bộ máy chính phủ. Trong khi đó, Trung Quốc đang tận dụng điểm yếu của ông Duterte để tăng cường sự hiện diện quân sự tại bãi cạn Scarborough mà không cần tính tới chuyện giúp Manila xây hệ thống đường sắt ở Mindanao. Ngoài ra, việc giới đầu tư né tránh cũng sẽ đẩy nền kinh tế Philippines tuột dốc.