Trung Quốc và Nga vừa kết thúc cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Bắc Kinh tung hô cuộc tập trận này nhưng giới chuyên gia có cái nhìn tỉnh táo hơn.
Một hình ảnh cắt từ chương trình bản tin về cuộc tập trận tấn công đổ bộ của hải quân Nga và Trung Quốc tại Biển Đông. Ảnh: NHK
Trung Quốc và Nga khẳng định cuộc tập trận chung lần này không nhằm vào bên thứ ba nào. Tuy nhiên, giới chuyên gia nước này đang ra sức cổ súy cho “sự phối hợp chiến lược” giữa hai nước.
Trong bài bình luận đăng trên Hoàn Cầu thời báo, Giáo sư La Anh Kiệt thuộc ĐH Quan hệ quốc tế (Trung Quốc) tuyên bố cuộc tập trận “cho thế giới thấy Nga đứng về phía Trung Quốc”.
Giáo sư Lý Hưng thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh thì hung hăng nói: “Cuộc tập trận chung chứng minh Trung Quốc có khả năng lẫn quyết tâm bảo vệ những lợi ích cốt lõi và sẽ không bao giờ trao đổi chủ quyền với nước khác”.
Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Lý nhấn mạnh: “Cuộc tập trận chung cho thấy Trung Quốc và Nga có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi. Nga đang đối mặt trừng phạt kinh tế từ phương Tây và chỉ có Trung Quốc mới có thể giảm gánh nặng của Moscow. Trung Quốc thì bị Mỹ và Nhật kiềm chế ở Nam Hải và Đông Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông và biển Hoa Đông), và chỉ có Nga mới đủ mạnh để giảm bớt áp lực cho Bắc Kinh”.
Giới phân tích tin rằng, việc chính quyền tại Bắc Kinh cho phép truyền thông đưa tin về cuộc tập trận nhằm mục đích chứng tỏ với người dân trong nước cũng như dư luận quốc tế rằng, quân đội Nga và Trung Quốc có mối quan hệ rất gần gũi.
Họ cũng tin rằng, động thái này cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ với Mỹ và Nhật Bản rằng Trung Quốc sẽ không chịu thỏa hiệp trong các vấn đề lợi ích của họ tại Biển Đông
Theo các chuyên gia, quan hệ Nga – Trung khó có thể đạt được mức tốt đẹp như các chuyên gia Trung Quốc tô vẽ, vì vẫn còn thiếu lòng tin lẫn nhau và tồn tại những cơn sóng ngầm.
Đúng là trong thời gian gần đây, Nga đã xích lại gần Trung Quốc hơn do một số tương đồng về mặt chiến lược, chẳng hạn như để kháng lại sức ép của Mỹ về cuộc khủng hoảng Ukraine, và về phương diện kinh tế, để giảm thiểu tác hại từ cấm vận phương Tây. Tại Biển Đông, Nga cũng muốn đóng một vai trò nhất định.
Nhưng vấn đề đặt ra là trong quan hệ với Trung Quốc, Nga lại ở trong thế yếu, một thực trạng khó có thể chấp nhận đối với một nước từng là một cường quốc nhất nhì trên thế giới.
Hơn nữa, Nga cũng có những quyền lợi khác ở trong khu vực Biển Đông cho nên khó có thể trong một sớm một chiều mà chuyển sang bám đuôi Trung Quốc. Việc Nga chỉ cử một hạm đội cỡ nhỏ đến Biển Đông tập trận đã chứng tỏ Moscow không toàn tâm toàn ý với Bắc Kinh.
Ngoài ra còn có tin cho biết, trong khi đàm phán về địa điểm tập trận, phía Nga đã cực lực bác bỏ khả năng thao diễn tại những vùng có tranh chấp, rõ ràng là để khỏi gây rắc rối với các quốc gia Moscow có quan hệ gần gũi.
Tờ Chosun Ilbo ngày 20/9 dẫn lời nhà nghiên cứu Ashley Townshend thuộc Đại học Sydney (Úc) nhận định: “Rất có khả năng Trung Quốc cố lôi kéo Nga đi chung đường với mình về vấn đề Biển Đông trong thời điểm này, nhưng điều đó không có nghĩa họ cùng chí hướng”.
Tờ South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Antony Wong ở Macau chỉ ra rằng hệ thống thông tin chung mà hai bên sử dụng trong tập trận chỉ giới hạn cho việc trao đổi radar và dữ liệu sonar.
“So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, có thể thấy gần như không có sự tin tưởng giữa Trung Quốc và Nga”, ông Wong nhận định.