Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ đang xây dựng đường dẫn đến thất bại?

TQ đang xây dựng đường dẫn đến thất bại?

Dù luôn bị phương Tây chỉ trích về các quy định khắt khe của chính quyền nhưng nếu nói đến lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng thì Trung Quốc có thể “đánh bại” tất cả các nền dân chủ giàu có. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự phát triển này không nhỏ.

Những dự án như cây cầu kính này ở Trung Quốc được xem là quá lãng phí và vô tác dụng. 

Phải thừa nhận rằng, Trung Quốc đã đánh bại Mỹ hay nói cách khác là Mỹ đã tự bỏ cuộc. Cứ mỗi bốn năm, Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ đều đặn xem xét lại tình trạng của trường học, các sân bay lớn, đường quốc lộ, các hệ thống đã quá hạn và đề nghị nâng cấp. Lần gần đây nhất là từ năm 2013.

Trong quãng thời gian đó, Trung Quốc đã nổi lên với tốc độ xây dựng “chóng mặt”. Vừa hoàn thành tuyến đường vành đai thứ 6 quanh Bắc Kinh, đội xây dựng của nước này đang tiếp tục xây dựng tuyến đường thứ 7, dài hơn 160 km, như một phần trong kế hoạch biến thành phố này thành một “siêu thủ đô” với 130 triệu dân, nhiều hơn cả dân số của toàn Nhật Bản.

Hệ thống đường sắt cao tốc quốc gia, vốn chưa tồn tại một thập kỷ trước, giờ đã rộng hơn cả Liên minh châu Âu và vẫn đang tiếp tục được mở rộng một cách nhanh chóng. Các con đập mới, những cây cầu, kênh, tàu điện ngầm mới đều là công việc hàng ngày của những nhà hoạch định kế hoạch của chính phủ.

Nhưng cái giá phải trả là gì? Một bản báo cáo của bốn viện hàn lâm thuộc trường Kinh tế Said Oxford đưa ra đã cho thấy một sự lãng phí khổng lồ. Theo đó, tất cả dự án xây dựng đã vượt qua con số 1/3 cột nợ trị giá 28,2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc và nếu như Bắc Kinh không thu nhỏ quy mô xây dựng lại thì sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính do cơ sở hạ tầng. 

Khi kiểm tra 95 dự án đường sắt và đường quốc lộ, giới chức cho biết chi phí đã vượt quá mức tiêu chuẩn ở các nước phương Tây và mặc dù Trung Quốc đã giành chiến thắng về tốc độ xây dựng thì nước này đã phải trả giá về chất lượng, sự an toàn và môi trường sống. Hầu hết những tuyến đường đã hoàn thành không có nhiều xe lưu thông, nhưng một số ít đoạn đường lại thường xuyên kẹt cứng. Dù thế nào thì kết quả nhìn chung là kém hiệu quả. Trong trường hợp của Trung Quốc, cơ sở hạ tầng có lẽ chính là con đường dẫn đến sự thất bại.

Một số tranh luận cho rằng các khoản nợ đã trở thành “gót chân Asin” của nền kinh tế Trung Quốc khi chính phủ nước này thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, thậm chí tìm kiếm sự tái cân bằng kinh tế theo hướng dịch vụ và tiêu thụ. Công ty cố vấn McKinsey tính toán rằng từ năm 2000 đến 2014, Trung Quốc đã thêm vào phần dư nợ 26,1 nghìn tỷ USD, một con số còn lớn hơn cả GDP của Mỹ, Nhật, Đức cộng lại.

Và khoản nợ này tập trung ở các doanh nghiệp nhà nước, là những “chủ thầu” của hầu hết các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đang sở hữu số nợ nhiều gấp đôi Hy Lạp. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn dành ngân sách 120 tỷ USD để xây dựng thêm các tuyến đường sắt trong năm nay.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều biết đến những mối nguy hiểm tiềm tàng này. Nhân dân Nhật báo hồi đầu năm nay từng trích lời một vị quan chức cấp cao cho biết: “Cây không thể mọc lên tới trời. Đòn bẩy càng cao thì sẽ càng tạo ra nhiều nguy cơ hơn”. 

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi tranh cãi xung quanh kết luận trong nghiên cứu của Đại học Oxford. Andrew Batson, giám đốc viện nghiên cứu Trung Quốc Gavekal Dragonomics, viết trên mạng xã hội rằng nghiên cứu đó “đã đưa ra những tuyên bố vĩ mô khi chỉ dựa trên những dữ liệu vi mô ở Trung Quốc”. “Nó cho thấy Bắc Kinh đã chắp vá những dự án cơ sở hạ tầng cá nhân giống như tất cả mọi người khác, nhưng lại không chỉ ra được rằng với quy mô đó thì chưa thể đe dọa đến mức gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế”, ông viết.

Barry Naughton, giáo sư kinh tế tại Đại học California, San Diego, cho rằng cách làm của Trung Quốc cũng có cái lợi, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi có nhu cầu thực tế, thay vì chờ cho đến khi “vỡ trận” như Ấn Độ. Khi được hỏi về nghiên cứu nói trên của Oxford, ông trả lời rằng: “Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng không hiệu quả cũng không phải là điều tệ hại nhất đối với nền kinh tế”.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng các dự án xây dựng Trung Quốc đã vượt khỏi tầm tay. Nhiều chính quyền địa phương đã hết các dự án giá trị và đang dần chuyển sang thói quen tiêu tiền một cách “vô nghĩa”. Ví dụ như, mới đây tỉnh Hồ Nam đã cho ra mắt một cây cầu bằng kính giữa hai vách núi để thu hút khách du lịch với chi phí bỏ ra là 3,4 triệu USD; hay như một công ty ở Trường Sa đã xây một tòa nhà 57 tầng chỉ trong 19 ngày.

Scott Kennedy, một chuyên gia về chính sách công nghiệp Trung Quốc tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế ở Washington, cho rằng Bắc Kinh nên tiếp tục chi tiêu vào cơ sở hạ tầng nhưng bằng những cách khác nhau. Ông phân tích, Trung Quốc cần đầu tư thêm vào các khu vực nông thôn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cùng với đó là thiết kế thêm các trường học và bệnh viện tiêu chuẩn.

Một điều không thể chối cãi được rằng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Trung Quốc dường như có quá nhiều thứ được cho là tốt đẹp. Tuy nhiên, việc quá nhiều đó đều đe dọa đến sự tăng trưởng lâu dài, sức khỏe con người và sự mỏng manh của nền kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới