Theo chuyên gia, không loại trừ khả năng Việt Nam bán than cho Trung Quốc, Indonesia rồi lại nhập chính than của mình về.
Tính đến tháng 8/2016, Việt Nam đã nhập khẩu tới 9,7 triệu tấn than
iên quan đến thông tin Việt Nam vỡ kế hoạch nhập khẩu than khi thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến tháng 8/2016, Việt Nam đã nhập khẩu tới 9,7 triệu tấn than, vượt 3 lần kế hoạch đề ra, GS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhận định:
Trước hết, điều này cho thấy nguồn than dự kiến của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho các nhà máy nhiệt điện có thể gặp trục trặc.
Thứ hai, thông thường vào những tháng vừa qua, nếu mưa thuận lợi, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, sẽ giúp giảm bớt lượng than nhập khẩu. Tuy nhiên, có thể năm nay lượng nước cung cấp cho các nhà máy thủy điện không khả quan lắm nên bắt buộc Việt Nam phải nhập than nhiều hơn dự kiến.
Thứ ba, sản lượng điện tiêu thụ năm nay có thể cao hơn dự kiến, xảy ra tình trạng thiếu điện, nhất là khu vực phía Nam, do đó các nhà máy nhiệt điện phải nhập than nhiều hơn để tăng công suất.
Trong khi đó, một chuyên gia về địa chất giấu tên cho rằng, các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đua nhau xây dựng đã đẩy nhu cầu về than tăng lên. Tuy nhiên, có điều vô lý mà ông nhận thấy là, trong khi nhu cầu than tăng lên, việc thiếu than và phải nhập than là chắc chắn thì Vinacomin lại đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam.
“Việt Nam bán than đi để lấy tiền rồi lại nhập về, đó là điều không hợp lý. Rõ ràng, trong điều hành vĩ mô có vấn đề và có nhóm lợi ích chi phối. Các nhà quản lý chưa tính tới sự điều phối giữa sản lượng khai thác than của đất nước với nhu cầu than trong nước. Quan trọng nhất là người nhạc trưởng phải điều hành, biết cân bằng giữa các nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu than”, ông nói.
Vị chuyên gia giấu tên cũng chỉ ra một sự vô lý khác khi nhìn vào thị trường cung ứng than cho Việt Nam. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, đến tháng 8/2016, Nga là thị trường cung ứng than nhiều nhất cho Việt Nam với 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 179 triệu USD; Trung Quốc với 1,4 triệu tấn, kim ngạch 100 triệu USD và Indonesia với 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 80 triệu USD… Mức giá nhập khẩu trung bình than từ Nga là khoảng 63 USD/ tấn; giá than nhập trung bình từ Indonesia là 44 USD/ tấn. Cao nhất là giá than nhập khẩu từ Trung Quốc với 71 USD/tấn.
Theo vị chuyên gia: “Trước đây, Bộ Công nghiệp đã ký hợp đồng cho phép nhà đầu tư Indonesia khai thác mỏ than lộ thiên Vàng Danh ở Uông Bí, Quảng Ninh, vốn là nơi có vỉa than tốt hạng nhất của Quảng Ninh. Đổi lại, phía Indonesia sẽ đầu tư toàn bộ máy móc, công nghệ khai thác trong 30 năm mỏ than này. Suốt bao nhiêu năm, không biết doanh nghiệp Indonesia đã chở đi từ đây bao nhiêu than, và rồi sau đó Việt Nam lại nhập than từ Indonesia. Không loại trừ khả năng Việt Nam nhập lại than của chính mình.
Đối với Trung Quốc, quốc gia này không có mỏ than nào lớn gần Việt Nam. Trước nay họ nhập nhiều loại khoáng sản thô, trong đó có than, từ các nước, không riêng gì Việt Nam, để tích trữ. Đến khi nào thấy chênh lệch giá, lợi nhuận nhiều là họ bán. Chính vì thế, rất có thể họ mua than của Việt Nam rồi bán lại cho chính Việt Nam để hưởng chênh lệch”.
Nói thêm về thị trường cung ứng than cho Việt Nam, GS.TSKH Trần Đình Long cho biết, Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới và những năm qua họ thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu than, tăng cường nhập khẩu loại nhiên liệu này. Trước đây Việt Nam có nhiều năm xuất khẩu than sang Trung Quốc nhưng gần đây, do nhu cầu của Việt Nam tăng, khả năng cung cấp than của Indonesia – nơi có nguồn than giá rẻ, bị hạn chế nên Việt Nam phải xông xáo mua than của Trung Quốc.
“Lượng than của Việt Nam sử dụng không thấm vào đâu so với khả năng cung cấp cũng như tiêu thụ than của Trung Quốc. Do đó, đối với Trung Quốc, nếu có bán than cho Việt Nam thì số lượng đó cũng không ảnh hưởng lớn đến việc cân bằng nhu cầu than của nước này.
Cũng chính vì thế, khi thấy có lãi, họ sẽ bán than. Chính sách về nhiên liệu, năng lượng của Trung Quốc có tầm nhìn xa. Khi các lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc đi thăm các nước, đặc biệt các nước có nguồn nguyên, nhiên liệu dồi dào như châu Phi, Nga…, họ ký hợp đồng mua dài hạn rất lớn.
Sản phẩm than mà họ bán cho Việt Nam có thể chính là nguồn than họ nhập khẩu giá rẻ từ các nước khác, trong đó có Việt Nam”, GS.TSKH Trần Đình Long nhận định.