Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến lược “đục nước béo cò” của TQ ở Syria

Chiến lược “đục nước béo cò” của TQ ở Syria

Chiến lược của Trung Quốc ở Syria nhằm mục đích thúc đẩy sự công nhận của thế giới đối với “chính sách không can thiệp” của nước này.

 

Trung Quốc là nước hiếm hoi thực thi được chính sách đối ngoại cân bằng với Iran và Saudi Arabia. (Ảnh minh họa: Reuters)

Hôm 18/8 vừa qua, các quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc đã tuyên bố về dự định hỗ trợ huấn luyện binh sỹ và viện trợ nhân đạo cho chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuyên bố này đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chuẩn đô đốc Trung Quốc Quan Hữu Phi, Chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, có chuyến thăm đến Damascus.

Lịch trình của ông Quan bao gồm các cuộc đàm phán song phương với Bộ trưởng quốc phòng Syria Jassem al-Freij và một cuộc hội đàm với Trung tướng Nga Sergei Chvarkov, quan chức đứng đầu tại căn cứ hải quân Nga ở Latakia, Syria.

Dù Bắc Kinh đã duy trì quan hệ kinh tế và an ninh với Damascus trong nhiều thập kỉ qua, việc Trung Quốc mở rộng can thiệp vào Syria có thể chỉ được giải thích phần nào qua các cam kết lịch sử của nước này với chế độ Assad.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc xem cuộc khủng hoảng Syria như một cơ hội “đáng giá” để viết lại “luật chơi” vốn giúp gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với những nước đang phát triển.

Việc tham gia tích cực vào giải quyết cuộc xung đột Syria của chính phủ Trung Quốc cũng đồng thời cho phép Bắc Kinh đóng vai trò như một “trọng tài ngoại giao” quan trọng ở khu vực Trung Đông.

Trung Quốc có thể thay chân Nga “viết lại luật chơi” ở Syria

Theo The Diplomat, sự can dự của Trung Quốc vào cuộc nội chiến Syria khác hoàn toàn với cách tiếp cận của phương Tây.

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ năm 2011, Trung Quốc đã duy trì “nguyên tắc không can thiệp” vào công việc nội bộ của nước này. Bắc Kinh coi chính quyền Assad là hợp pháp và bác bỏ lý lẽ của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng tội ác chiến tranh của Assad đã làm ông mất uy tín để có thể lãnh đạo đất nước.

Sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc đối với “mục tiêu thay đổi chế độ” của phương Tây xuất phát từ các cuộc không kích của NATO ở Kosovo năm 1999, và gần đây hơn là cuộc lật đổ nhà độc tài Lybia Muammar al-Gaddafi năm 2011.

Trong khi nhiều nước đang phát triển xem các điều khoản để can thiệp quân sự của cam kết “Trách nhiệm bảo vệ” (R2P) của phương Tây như một hình thức trá hình của chủ nghĩa đế quốc, thì quan điểm của Trung Quốc ở Syria đã giúp nước này mở rộng phạm vi đồng minh quốc tế của mình.

The Diplomat cho hay, thái độ tích cực của dư luận quốc tế đối với lập trường của Trung Quốc ở Syria là rất có lợi cho tham vọng địa chính trị ngày càng lớn của họ, đặc biệt là trong bối cảnh nước này tìm mọi cách chối bỏ tính ràng buộc pháp lý của phán quyết vụ kiện biển Đông do Tòa trọng Tòa Trọng tài thường trực (PCA) công bố hôm 12/7.

Việc Trung Quốc tăng cường sự chú ý đến Syria cũng thể hiện sự bất đồng mạnh mẽ của Bắc Kinh với các tiêu chuẩn do Mỹ và phương Tây đặt ra.

Bằng cách nhấn mạnh một thông điệp nhất quán về chủ quyền quốc gia (đối với Syria), Trung Quốc có thể củng cố quan hệ đồng minh với các nước đang phát triển nhằm tăng sự ủng hộ cho các yêu sách chủ quyền phi lý mà họ đánh đồng trong vấn đề biển Đông.

Mặc dù Bắc Kinh đồng quan điểm với Nga về tương lai của Tổng thống Assad, song các nhà chiến lược Trung Quốc nghi ngờ về cam kết của Nga nhằm tìm ra một giải pháp chính trị đa phương cho cuộc khủng hoảng Syria.

The Diplomat hồi tháng 10/2015 đã lưu ý rằng, chính phủ Trung Quốc không hề hài lòng với các vụ phóng tên lửa và không kích đơn phương của Nga, đại diện cho Tổng thống Assad.

Bộ ngoại giao Trung Quốc tháng 10/2015 ra thông cáo cho rằng “hành động quân sự không thể trở thành một phần giải pháp cho cuộc chiến Syria”, điều này vẫn là quan điểm xuyên suốt của Trung Quốc trong suốt gần một năm từ khi Nga can thiệp vào Syria.

Sự không hài lòng của Bắc Kinh về chính sách Syria của Điện Kremlin thể hiện qua việc Trung Quốc đơn phương can thiệp vào Syria theo những cách mà đôi khi mâu thuẫn với lợi ích của Nga.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn ủng hộ việc giải trừ kho vũ khí hóa học của Assad, thì lại có bằng chứng cho thấy nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Trung Quốc Norinco đã ngấm ngầm bán khí chlorine cho chính phủ Syria ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Việc bán vũ khí hóa học cho chế độ Assad chứng tỏ Bắc Kinh sẵn sàng gạt bỏ các ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga nhằm đạt được lợi ích của mình ở Syria.

Đồng thời, còn thể hiện ham muốn của Trung Quốc trong việc thúc đẩy vị thế quốc tế giữa các chế độ độc đoán chống phương Tây và khả năng để “thế chân” Nga trở thành đối trọng với Mỹ trong việc viết ra luật chơi mới ở khu vực Trung Đông.

Syria và chiến lược cân bằng của Bắc Kinh ở Trung Đông

The Diplomat bình luận, việc tăng cường hỗ trợ cho chính phủ Assad cũng cho thấy khả năng triển khai sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Bằng cách mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông/Bắc Phi, Trung Quốc đang chứng minh với người dân trong nước và xã hội quốc tế rằng họ đang vươn đến rất gần địa vị “siêu cường địa chính trị” toàn cầu.

Quan điểm không can thiệp của Trung Quốc ở Syria đã giúp Bắc Kinh mở rộng quyền lực mềm và phạm vi liên minh ở Trung Đông.

Việc kiên quyết phản đối giải pháp quân sự cho cuộc chiến Syria cho phép Bắc Kinh tăng cường quan hệ cùng hai quốc gia là “đối thủ truyền kiếp” của nhau trong khu vực là Iran và Saudi Arbia.

Trung Quốc khẳng định về việc không can thiệp vào nội bộ của Syria càng làm cho các nhà lãnh đạo Iran tin rằng Bắc Kinh là một đối tác kinh tế và an ninh đáng tin cậy.

Trong những năm trước khi có thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 7/2015, Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng mua bán vũ khí lớn với Tehran nhằm tranh thủ tư tưởng “thân Trung Quốc”.

Theo tác giả David Volodzko của The Diplomat, Iran đã nhập khẩu 31,7% vũ khí từ Trung Quốc trong năm 2014. Iran sau đó đã chuyển tiếp những vũ khí này đến Syria để hỗ trợ cho chính phủ Assad chống lại IS, Jabhat al-Nursa và các nhóm đối lập ôn hòa (theo cách gọi của Mỹ).

Tehran tranh thủ sự ủng hộ ngoại giao của Trung Quốc ở Syria để tập hợp sự ủng hộ quốc tế cho chiến dịch quân sự hỗ trợ Assad và thúc đẩy lộ trình trở thành thành viên chính thức của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).

Về phần mình, Trung Quốc đáp lại bằng cách tuyên bố ủng hộ chế độ Assad ở Liên Hợp Quốc và xác nhận mong muốn trở thành thành viên SCO của Iran.

Để củng cố quan hệ Bắc Kinh-Tehran, quân đội Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chung với Nga ở Địa Trung Hải giáp với Syria và duy trì một mối liên hệ chặt chẽ với một đồng minh của Iran là tổ chức Hezbollah.

Do đó, trong khi Trung Quốc từ chối can thiệp quân sự trực tiếp ở Syria cùng với các lực lượng Iran, các hành động gián tiếp ủng hộ Assad đã thúc đẩy Iran trở thành một đồng minh quan trọng của họ ở Trung Đông.

Chính sách không can thiệp còn đảm bảo các hành động ngầm ủng hộ Assad của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác thương mại hàng đầu ở khu vực với Saudi Arabia.

Kể từ khi cuộc chiến bùng nổ, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành trao đổi ngoại giao với Saudi Arabia về cuộc khủng hoảng ở Syria.

Đại diện Trung Quốc với nhiệm vụ vạch ra một giải pháp hòa bình khả thi cho Syria đã cam kết sẽ thăm Riyadh và vạch ra một giải pháp cho khủng hoảng Syria mà Saudi có thể chấp nhận được.

Để minh chứng cho lòng tin của mình với Saudi Arabia, Trung Quốc đã bán nhiều đơn hàng vũ khí trị giá hàng trăm triệu đô cho nước này. Nhiều vũ khí trong số đó đã được Saudi cung cấp cho các nhóm nổi dậy ở Syria.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Saudi ở Syria còn cho phép Bắc Kinh duy trì một mối quan hệ an ninh trên quy mô nhỏ có hiệu quả với Riyadh.

Dù Trung Quốc duy trì một quan hệ bền chặt với chế độ Assad, sự lưỡng lự của Bắc Kinh trong việc can thiệp vào Syria đã làm họ trở nên khác biệt với các nước còn lại trong Hội đồng Bảo an.

Khả năng của Trung Quốc trong việc duy trì được mối quan hệ gần gũi với cả Iran và Saudi Arabia đã càng làm gia tăng ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông.

Việc phương Tây sẵn sàng thừa nhận Trung Quốc như là một “trọng tài” đầy quyền lực cùng với các hoạt động ngoại giao tích cực của quan chức Trung Quốc có thể góp phần định hình kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình đa phương trong tương lai về vấn đề Syria.

RELATED ARTICLES

Tin mới