Thursday, January 2, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao TBT Trọng vào Đảng ủy Công an?

Vì sao TBT Trọng vào Đảng ủy Công an?

Truyền thông Việt Nam tuần này đưa tin Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN tham gia thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương, tuy nhiên đây chỉ là một động thái ‘bình thường’ không có gì đặc biệt kể cả về mặt thủ tục lẫn thời điểm, theo ý kiến của một nhà quan sát và bình luận thời sự, chính trị Việt Nam từ Hà Nội.

Việc Tổng bí thư ĐCSVN tham gia vào Đảng ủy Công an Trung ương không trái với Hiến pháp và Điều lệ đảng và là việc được đề nghị từ trước, theo nhà phân tích.

Trao đổi với chúng tôi hôm 25/9/2016, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở ở Singapore, nói:

“Sau tin này cũng có nhiều sự đồn đoán của mọi người, nhưng tôi thấy chuyện này bình thường, khóa trước người ta cũng có đề nghị là Tổng Bí thư Đảng CSVN tham gia Đảng ủy Công an Trung ương.

“Thế nhưng xem đi xem lại, người ta để đến khóa này, thế thì gần như là một kế hoạch từ khóa trước và khóa trước nữa rồi.

“Có một chú ý nữa là tham gia Thường vụ Đảng ủy của Công an Trung ương không có nghĩa, không phải là Bí thư, bí thư phải là Bộ trưởng. Cái đó là quy định từ trước không thay, hiện nay chưa thay được.”

Trước đó, nêu ý kiến trên truyền thông quốc tế, một nhà bình luận chính trị khác ở Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho rằng vị thế bổ sung này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể đặt ra một số câu hỏi, mà theo ông là:

“Vấn đề đặt ra là ông Nguyễn Phú Trọng là cấp trên hay cấp dưới của ông Tô Lâm (Bộ trưởng Công an)?

“Vì hồi tháng 5 vừa rồi, ông Tô Lâm đã nhận quyết định của Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, vậy thì hiện nay, về mặt Đảng ủy Công an Trung ương, ông Tô Lâm đang là bí thư.

“Như vậy nếu ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc cùng nằm trong Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, thì vai trò của họ là như thế nào, đặc biệt là của ông Nguyễn Phú Trọng? Ông là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương hay chỉ là một vai trò bình thường?”

‘Từ khóa trước rồi’

Khi được đề nghị bình luận về ý kiến này của Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp nói:

“Tôi phải nói rất rõ thế này Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Nước đã tham gia Đảng ủy Công an Trung ương hai khóa rồi, tức là khóa trước và khóa trước nữa…, không phải bây giờ mới tham gia.

“Bây giờ chỉ có là lần đầu tiên Tổng Bí thư tham gia Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thôi, còn hai vị trí kia tham gia từ mấy khóa trước rồi”

Và nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp giải thích thêm về cơ sở, căn cứ của việc cơ cấu các vị trí này vào Đảng ủy Công an Trung ương của Việt Nam, ông nói:

“Theo Hiến pháp và Điều lệ đảng thì Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng điều lệ không quy định Tổng bí thư làm Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, vì thế Đảng ủy Công an Trung ương khi có vận dụng đưa Tổng Bí thư vào thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thì vẫn phù hợp với điều lệ. Tôi không nghĩ là cái đấy có gì đó quá đặc biệt cả.”

Trước câu hỏi về tính thời điểm của việc cơ cấu, bổ sung vị thế này của Tổng bí thư Đảng Cộng sản và liệu động thái này có liên quan gì tới việc chống tham nhũng mà dư luận gọi là ‘đả hổ, diệt ruồi’ ở Việt Nam hiện nay và sắp tới hay không, nhà phân tích nói:

“Quyết định này là quyết định từ ngày 16/8, ngày 21/9 họ mới công bố ra, Ban tổ chức Trung ương mới chính thức hóa, nếu bảo là trùng với thời điểm mà có việc đẩy mạnh chống tham nhũng, rồi các vụ vi phạm, sai luật v.v…, thì tôi cũng thấy là hơi khó.”

Trước đó, truyền thông Việt Nam cho hay Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương của Việt Nam hiện nay gồm bảy quan chức, trong đó có ba lãnh đạo cao cấp hàng đầu của nhà nước là các ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm được báo chính thống của Việt Nam dẫn lời nói việc ba lãnh đạo chủ chốt cùng tham gia Đảng ủy Trung ương là “thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay”.

Lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, gồm 16 ủy viên, được tổ chức tại Hà Nội vào sáng thứ Năm, ngày 21/9, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng được dẫn lời trong phát biểu chỉ đạo ở lễ công bố nói rằng Đảng ủy Công an Trung ương phải “tập trung xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương, các tổ chức Đảng trong Công an nhân dân và lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng.”

RELATED ARTICLES

Tin mới